Nguồn sáng cho đời

TÂM AN 10/10/2013 09:18

Hàng nghìn người dân nghèo bị mù do đục thủy tinh thể (TTT) đã được trả lại ánh sáng. Thông qua các chương trình, dự án, hệ thống chăm sóc mắt cộng đồng trên toàn tỉnh đã được hoàn thiện hơn…

Bác sĩ, chuyên gia tư vấn mắt của FHF triển khai kỹ thuật mổ Phaco tại Quảng Nam.Ảnh: A.TRÂM
Bác sĩ, chuyên gia tư vấn mắt của FHF triển khai kỹ thuật mổ Phaco tại Quảng Nam.Ảnh: A.TRÂM

Nới rộng cộng đồng

Hôm qua 9.10, UBND tỉnh tổ chức khởi công xây dựng Trung tâm Mắt Quảng Nam tại phường An Phú (TP.Tam Kỳ) với tổng kinh phí đầu tư hơn 32 tỷ đồng, trong đó tổ chức Fred Hollows Foundation (FHF) tài trợ hơn 18 tỷ đồng. Đây là một hợp phần trong dự án “Phát triển mô hình chăm sóc mắt toàn diện Việt Nam tại tỉnh Quảng Nam” do FHF tài trợ, được kỳ vọng sẽ giúp hàng nghìn người dân nghèo của tỉnh thoát khỏi cảnh mù lòa. Có mặt tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn phát biểu: “Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là FHF Việt Nam cùng với nỗ lực của ngành y tế; công tác phòng chống mù lòa (PCML) đã đạt được những thành tựu đáng kể. Hàng năm đã trả lại ánh sáng cho hàng nghìn người mù, đã khám và phục hồi thị lực cho nhiều trẻ em… Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân. Và quan trọng, mạng lưới chăm sóc mắt đã được bao phủ toàn tỉnh”.

FHF là đối tác chăm sóc mắt chiến lược duy nhất ở Quảng Nam. Các dự án thực hiện PCML ở Quảng Nam nhằm vào các mục tiêu chính: Giúp người dân nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ chăm sóc mắt toàn diện (giáo dục, phòng ngừa, điều trị và phục hồi chức năng); nâng cao năng lực cho các cấp quản lý dịch vụ y tế địa phương, phân tích kết quả để phát triển chính sách quốc gia và giảm bất bình đẳng giới trong việc tiếp cận các quyền lợi y tế cũng như công tác chăm sóc y tế toàn diện ở Việt Nam. Mỗi năm, FHF đã thực hiện hợp phần triển khai phát triển hệ thống mắt cộng đồng thông qua đào tạo cán bộ, xây mới và nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh, cung cấp trang thiết bị nhãn khoa tại các huyện trên địa bàn tỉnh.i (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan) và Yangon (Myanmar)…

Cách đây hơn 10 năm toàn tỉnh chỉ có một vài bác sĩ phụ trách công tác chăm sóc mắt thì nay đã có 27 bác sĩ chuyên khoa mắt, hơn 50 điều dưỡng mắt. Mỗi huyện đều có bác sĩ/y sĩ mắt, mỗi xã đều có nhân viên phụ trách công tác PCML. Từ chỗ 9 huyện miền núi không có chuyên trách mắt đến nay 18/18 huyện, thành phố đều có chuyên trách mắt. Trong đó có 3 bệnh viện tuyến huyện/thành phố có khả năng mổ đục TTT độc lập, có 11 bác sĩ thực hiện phẫu thuật đục TTT. Đặc biệt việc mổ đục TTT do bác sĩ tuyến huyện tự thực hiện và 3 bác sĩ bệnh viện tỉnh có thể mổ Phaco. Bên cạnh đó, để người dân vùng sâu vùng xa được dễ dàng tiếp cận với dịch vụ, nhiều đơn vị, khu khám mắt được xây dựng ở nơi gần dân nhất. Cho đến nay toàn tỉnh ngoài Bệnh viện Trung ương, 3 bệnh viện tuyến tỉnh còn có 1 khu khám mắt tại huyện Quế Sơn đã đưa vào sử dụng bên cạnh sự đầu tư về hạ tầng cơ sở, nâng cấp ở các tuyến huyện cơ sở. Trang thiết bị ở các bệnh viện trong toàn tỉnh cũng được nâng cấp đã phần nào đáp ứng nhu cầu phục vụ cho nguời dân.

“Giải phóng” mù lòa

Thời gian qua, tỷ lệ mù lòa trong cộng đồng đã giảm đáng kể thông qua phẫu thuật phục hồi thị lực cho hơn 15.000 trường hợp (2003-2013) đục TTT. Trong đó, có nhiều bệnh nhân là người dân tộc thiểu số tại các huyện Nam Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang. Tổ chức khám khúc xạ  xác định học sinh có vấn đề về khúc xạ và cấp miễn phí 3.000 đôi kính. Nâng cao kiến thức và nhận thức về chăm sóc mắt ban đầu cho cộng đồng, chăm sóc mắt cho trẻ em hướng đến hành vi phòng tránh mù lòa.

Cùng với những nỗ lực “giải phóng” mù lòa qua sự tài trợ của FHF là việc xúc tiến thành lập Trung tâm Mắt Quảng Nam. Nơi đây được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm kỹ thuật đầu ngành, vừa đào tạo, nghiên cứu, chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ, vừa thực hiện các chương trình mục tiêu ở cộng đồng và là tuyến kỹ thuật điều trị về mắt cao nhất của tỉnh. Bác sĩ Dương Tấn Hùng - Giám đốc Trung tâm Mắt cho biết: “Sự ra đời của trung tâm sẽ nâng cao chất lượng chăm sóc mắt, PCML cho nhân dân đồng thời các kỹ thuật và dịch vụ y tế mới được triển khai tạo điều kiện cho người dân có cơ hội được tiếp cận và chọn lựa, góp phần giảm chi phí đi lại khi phải đi xa”. Hiện nay, Trung tâm Mắt đã đi vào hoạt động, tiếp nhận các hồ sơ bệnh nhân đục TTT, tư vấn và tổ chức mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Với thông điệp của Ngày thị giác thế giới năm 2013 “Vì đôi mắt sáng cho người già”, ngay từ đầu tháng 9, Ban chỉ đạo PCML tỉnh đã tổ chức khám sàng lọc, lấy danh sách đục TTT, tổ chức mổ lưu động tại các huyện Đông Giang, Bắc Trà My, Phú Ninh. Cấp 100 đôi kính miễn phí cho học sinh, phối hợp với Hội Người cao tuổi của tỉnh tổ chức truyền thông thông qua các buổi nói chuyện, tư vấn về mắt. Bác sĩ Huỳnh Tấn Phúc - Trưởng đại diện FHF tại Việt Nam phát biểu: “Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ PCML ở những nơi khó khăn nhất, nghèo nhất. Điều mà dự án của FHF mong chờ là có những mô hình truyền thông phù hợp để công bằng hơn với những người dân nghèo vùng sâu vùng xa chưa biết đến các dịch vụ này. Năm 2013 dự án sẽ kết thúc ở Quảng Nam nhưng FHF vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm những dự án mới để nối dài hiệu quả đã có”.

TÂM AN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguồn sáng cho đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO