Vốn luôn là chủ đề được thanh niên, phụ nữ, nông dân quan tâm trong các diễn đàn khởi nghiệp. Song, khởi nghiệp cần nguồn vốn gì và sử dụng tài chính trong giai đoạn nào để phát huy hiệu quả là kiến thức mà nhiều chủ thể còn đang thiếu.
“Nguồn vốn” về kiến thức khởi nghiệp
Nghỉ nghề biển, ngư dân trẻ Võ Hồng Rôn (SN 1992, thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành) lên bờ thực hiện dự án phát triển du lịch ngay tại làng biển. Nguồn vốn tích lũy nhiều năm lênh đênh trên sóng nước, anh thành lập Công ty TNHH Tam Tiến Travel, đầu tư homestay, cải tạo bờ biển, làm mới khuôn viên…
Với danh mục các sản phẩm du lịch, bao gồm lưu trú, trải nghiệm chợ cá, đánh bắt hải sản trên biển, tour chèo SUP…, Công ty TNHH Tam Tiến Travel dần trở thành điểm đến quen thuộc của du khách chỉ sau hơn 1 năm thành lập. Đáng chú ý, anh Rôn kết nối, thu hút hơn 10 nhà đầu tư trong và ngoài nước, sẵn sàng hợp tác, phát triển du lịch vùng biển Tam Tiến.
“Kinh nghiệm trong giai đoạn khởi nghiệp, tôi khẳng định, ngoài tài chính thì nguồn vốn quan trọng, quyết định thành bại của ý tưởng khởi nghiệp là kiến thức. Tôi cũng như nhiều thanh niên khác khi khởi nghiệp, cũng có suy nghĩ vốn ở đâu, ưu đãi ra sao, tiếp cận như thế nào.
Tuy nhiên, nếu ý tưởng khởi nghiệp không hiệu quả, không mang tính thực tiễn thì có đầu tư bao nhiêu cũng bằng thừa. Chỉ khi có nền tảng kiến thức vững chắc, đầu tư phù hợp và ý tưởng phát triển đúng hướng, chắc chắn việc kinh doanh sẽ có thành tựu. Khi đó, người khởi nghiệp tự tin vay vốn khởi nghiệp hoặc thuyết phục nhà đầu tư” - anh Rôn cho biết.
Theo anh Rôn, ý tưởng khởi nghiệp trong thực tế rất nhiều, song thành công hay không vẫn còn rất mơ hồ, phụ thuộc nhiều yếu tố. Thực tế, nhiều trường hợp vay vốn, thế chấp tài sản để triển khai ý tưởng khởi nghiệp và cuối cùng bị thất bại…
Người khởi nghiệp cần nhiều hơn kiến thức, nền tảng khởi sự, kinh doanh, quản trị, thị trường và định hướng của cơ quan chức năng để xác định đâu là hướng đi đúng, phù hợp.
Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh cho biết, cấp tỉnh, huyện, hội, đoàn thể hàng năm luôn tổ chức diễn đàn, đối thoại, chương trình tập huấn để người khởi nghiệp giao lưu, học hỏi, nâng cao kiến thức. Đáng chú ý, Quảng Nam đã mời nhiều nhà khởi nghiệp hàng đầu Việt Nam tham gia các diễn đàn để người khởi nghiệp gặp gỡ, tiếp cận những kiến thức thực tế.
“Hiện nay, Quảng Nam có Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, 13 câu lạc bộ khởi nghiệp cấp huyện. Đồng thời xây dựng nhóm Zalo chung dành cho người khởi nghiệp Quảng Nam và lãnh đạo tỉnh sẵn sàng trả lời bất kỳ thắc mắc hay yêu cầu hỗ trợ nào được gửi lên nhóm. Đây là những diễn đàn mở, hỗ trợ đắc lực cho người khởi nghiệp kiến thức, kỹ năng, định hướng phù hợp” - ông Sinh cho biết.
Đầu tư phù hợp
Theo bà Nguyễn Thị Liên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Phó ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, hiện nay vốn vay ưu đãi, cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất rất nhiều.
Vốn trở thành nội dung được người khởi nghiệp quan tâm trong các diễn đàn xuất phát từ việc thiếu thông tin về các cơ chế này. Người khởi nghiệp cần thông qua hội, đoàn thể, địa phương để tiếp cận, nắm bắt cơ chế, thủ tục vay vốn, nhất các nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, hợp tác xã.
Còn ông Nguyễn Bão Quốc - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn giải pháp và đào tạo BQ, thành viên Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, cho rằng chính việc thiếu kiến thức về tài chính nên người khởi nghiệp không xây dựng kế hoạch tài chính từ đầu.
Do đó, khi có ý tưởng, họ tập trung làm ra sản phẩm càng nhanh càng tốt, sau đó tập trung mạnh vào quảng cáo, bán hàng để có doanh thu. Tiếp đó, họ lại lấy tiền quay đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kênh phân phối, nguồn nguyên liệu... Quy trình cứ cuốn chiếu và không hiệu quả.
Theo ông Phạm Ngọc Sinh, vốn đóng vai trò then chốt, nhưng ở cuối cùng của hành trình khởi nghiệp, sau khi xác định được sản phẩm, khách hàng, thị trường, đội ngũ, nền tảng quản trị… Cụ thể, giai đoạn đầu, việc đầu tư về kiến thức, tài chính, nhân sự, quản trị thông qua các diễn đàn thì không tốn tiền. Việc kiểm tra, đo lường chất lượng sản phẩm, hiện nay Nhà nước đã có những cơ chế hỗ trợ.
Giai đoạn tiếp theo, có thể cần vốn nhiều nhất là khi người khởi nghiệp đầu tư máy móc thiết bị, phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Lúc này, người khởi nghiệp nên sử dụng vốn tích lũy và đầu tư ở mức độ phù hợp. Đáng chú ý, việc đầu tư phải thực hiện sau giai đoạn thử nghiệm sản phẩm. Rất nhiều chủ thể đã đi sai và thất bại do không nắm rõ quy trình này.
Cuối cùng, khi sản phẩm có nền tảng vững chắc, người khởi nghiệp có thể mạnh dạn gọi vốn từ nhà đầu tư. Điều thành công nhất giai đoạn này không ở số tiền kêu gọi được mà quan trọng là người khởi nghiệp có được sự đồng hành của người đầu tư trong quá trình phát triển. Họ, với kiến thức kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp định hình mô hình sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu và giúp sản phẩm vươn xa trên thị trường.