(Xuân Tân Sửu) - Tôi mượn ý Hàn Mặc Tử: “Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo” để nhớ mình đã từng có những khoảnh khắc vô tình thời thơ ấu được nhuần thấm với nguồn xanh trong trẻo.
Nguồn xanh ùa về trong một sớm tinh mơ nào đó, vừa thật gần vừa xa xôi của mùa xuân chảy qua trong tôi từ rất lâu rồi. Nhớ cái tuổi hoa niên xanh mộng khi tôi vừa mở đôi cánh cửa rồi nhẹ bước ra khu vườn, cảm nhận ban đầu là được nhìn thấy ngàn lá ngàn hoa khoe sắc và nhất là bầu trời trong xanh màu lam ngọc: “Xanh cây, xanh cỏ, xanh trời/Xanh rừng, xanh núi, da trời cũng xanh” (Nguyễn Bính). Miền quê xứ ngập tràn một vùng hương mùa xuân sắc tươi xanh chẳng cần người họa sĩ pha màu để hòa lên nền trời mà màu sắc vẫn tự nhiên ngời sáng mênh mang: “Cỏ non xanh tận chân trời” (Truyện Kiều)… Không chỉ trùng điệp màu xanh mà bầu không khí như còn vương níu chút hơi sương thoảng trên tóc, mơn qua tay thật mát lành. Đằng kia móc sương trong suốt pha lê nằm gọn giữa lòng chiếc lá trông thật dễ thương, buông xuống dịu dàng… Tôi đã có một thời được ấp iu khoảng không trắng ngần chảy trong mạch nguồn thương yêu như thế.
“Mùa xuân là cả một mùa xanh/Giời ở trên cao, lá ở cành” (Nguyễn Bính).
Mùa xuân còn có thể gọi là mùa sinh (vì nằm trong chuỗi tuần hoàn của vũ trụ: xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng hoặc mùa xanh hay thanh xuân cũng đều mang mầm sống mới. Hàm lượng biểu đạt của ngôn từ, nghĩa là mùa xuân đem đến sự tốt tươi, đẹp đẽ huy hoàng và cũng để chỉ tuổi trẻ tràn đầy niềm tin yêu sức sống. Vì thế Xuân Diệu có lý khi viết tản văn “Thu” trong tập “Trường ca” và cũng để gửi lòng mình cùng với lời thầm thì của gió, của môi, của tiếng mùa yêu dấu: “Lòng tôi cũng rạo rực những tiếng mùa, ái tình ghé môi gọi lời trong gió”. Vì vậy, xuân chính là mùa yêu. Và xuân cũng chỉ dành cho tuổi trẻ.
Nhớ những ngày còn tuổi học trò hễ gần tết là tôi vội tạm gác chuyện đèn sách nơi phố thị mà khăn gói đón xe về nhà để ăn tết với người thân trong gia đình. Mỗi năm thăm nhà chỉ khoảng một đôi lần, đi bộ dọc trên đường về nhà tôi nhận ra có mùi thơm của đất quen thuộc, mùi hương của cỏ hoa đồng nội. Dừng chân một lát tôi thong thả hít thở thật sâu bầu không khí thanh khiết. Cạnh bên còn có con sông quê uốn khúc, dòng nước lặng trôi êm đềm, xa xa cánh đồng lúa mơn mởn ngát xanh. Hàng tre, bờ trúc lả ngọn mơ màng. Hàng cau vươn cao thẳng tắp. Giàn bầu, giàn bí lúc lỉu trái non tơ. Vạt cải, luống cúc mướt đông. Vồng lang, rãnh bí xanh ngắt một màu… Tất cả ánh chiếu lên nền trời trong xanh hiền hòa nhập cùng hồn tươi non của tuổi thiếu niên tôi. Ô kìa, vườn nhà ai có vài bông hoa nở sớm, tôi dừng lại ngắm nhìn một hồi lâu, rồi khẽ dời chân đi. Chòm mây trắng từng không lững lờ trôi, vài con chim én nghiêng chao trên nền trời như báo hiệu mùa xuân sắp đến, tôi đưa hai tay áp nhẹ ngực mình nhận ra quê hương hiện lên bao vẻ đẹp diệu thường! Tôi thấy tôi thương tất cả: thương làng mạc đồi nương; thương con trâu, con gà, nải chuối, buồng cau; thương mẹ cha một đời tần tảo; thương con người dầu dãi nắng mưa; và thương cả dòng sông, trái đất bầu trời… Ôi tình yêu thơ dại của tôi! Tôi mở lòng ra ôm hết: “Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi”. Câu thơ nhắc tôi nhớ lại chuỗi ngày xanh đã xa tự lâu rồi và cũng để tôi phản tỉnh trang lòng mình của ngày hôm nay.
Thiết tưởng trang lòng tuổi nhỏ tôi khi ấy mang đầy hạnh trẻ con (hạnh anh nhi) trắng trong như chưa hề lấm bụi. Như Lai chỉ ra rằng: “Anh nhi không khởi, không trụ, không đến, không đi, không nói chuyện…”. Hãy thường xuyên làm mới mình, đừng để tâm hồn già cỗi, tàn tạ. Hãy buông thư để cho tâm hồn tươi trẻ lắng trong,… Vì thế tôi đâu dám chắc trang lòng mình hãy còn vẹn nguyên? Vì khi nhập cuộc quanh ta có biết bao sự lo toan, nghi ngờ, thành kiến, tha hóa, quyến rũ, gọi mời, kể cả niềm sân hận phá hủy, phiền não che lấp từng phút, từng giờ. Thời đại công nghệ kỹ thuật số tinh vi mang nhiều tiện ích trong đời sống, nhưng đem lại không ít sự bất trắc hiểm nguy. Đêm ba mươi tết tôi ngồi lặng im như một cách tìm về, mở trang lòng mình ra để tiếp xúc những điều cao cả: tiếp xúc những thông điệp đến từ thiên nhiên, cuộc sống; tiếp xúc nguồn xanh trong trẻo từ không gian và thời gian mà một thời rong ruổi tôi lỡ bỏ quên: “Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi/Chưa từng hoen ố vết trầm luân” và nguyện cầu tình yêu giáng sinh cho mình và cho người: “Đêm nay xuống một bài thơ trắng/Cầu nguyện cho đời nở ái ân” (Thoát hình - Vũ Hoàng Chương).
Hãy tự nuôi dưỡng mình và đừng để nguồn năng lượng bị khô cạn. Và nguồn năng lượng ấy cũng chính là nguồn xanh trong trẻo đơn sơ, giản dị nếu biết nâng niu sẽ đem lại nhiều an lạc: “Quê hương tôi là đây/Chỉ có dòng sông, hàng cau, bụi tre, vườn chuối/Mặt trái đất dù mang đầy cát bụi/Nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm rằm” (Thích Nhất Hạnh).
Trên nẻo về im lặng, ai lắng giữ hồn người cùng với nguồn xanh trong trẻo thì đường về quê hương sẽ không còn xa.