Tôi quý mến V. - một đứa em trong xóm và hay đùa rằng em là một “thanh niên kỳ cựu” bởi năm nay đã bước sang tuổi 26 và vượt qua không ít trắc trở trong cuộc sống.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, những ngày này em lại tiếp tục với công việc lặt vặt để kiếm tiền trang trải và chưa xác định mình phải theo đuổi nghề nghiệp nào để ổn định trong tương lai.
Trong mắt tôi, V. là thanh niên trưởng thành và đáng tin. Vượt qua khó khăn của hoàn cảnh gia đình, V. tốt nghiệp đại học ngành xã hội nhân văn. Trong lúc chưa có việc làm, em theo những người trong xóm đi phụ hồ, làm cơ khí…, rồi bất ngờ trúng nghĩa vụ quân sự.
Trước khi V. nhập ngũ, tôi bày tỏ lo lắng rằng em sẽ mất đi nhiều cơ hội việc làm, nhưng V. chia sẻ ngành học của em hiện rất khó xin việc, có khi sau hai năm trong quân ngũ, em sẽ tìm thấy một công việc phù hợp nào đó. Và bây giờ, cũng với vẻ tự tin về những cơ hội phía trước, nhưng trong sự rắn rỏi của V., tôi đã nhìn thấy nỗi chấp chới hiển lộ.
Thanh niên bây giờ rất khó… trượt đại học. Đó là nhận định có phần hóm hỉnh của phụ huynh và cả những nhà quản lý xã hội. Thật ra đó là một cơ hội tốt để thanh niên có thể xác định bước đi đầu tiên cho mình trước ngưỡng cửa cuộc đời. Nhưng học đại học, dù có thể “đơn giản” với thanh niên, nhưng với nhiều gia đình, đó là cả một quãng thời gian khó khăn vì sẽ tiêu tốn không ít tiền bạc.
Đặc biệt với mức thu nhập của nhiều gia đình vùng nông thôn, quyết tâm “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, không phải kết quả nào cũng ngọt ngào. Thống kê sinh viên ra trường có việc làm của nhiều trường đại học, chỉ là con số tham khảo ít có điều kiện kiểm chứng; trong khi một số ngành học, nghe cái tên thôi cũng có thể hình dung về khó khăn trong tìm kiếm việc làm.
Nhưng không học đại học thì làm gì? Tất nhiên sẽ có nhiều việc làm bởi nhà máy, xí nghiệp, dịch vụ xã hội đang phát triển mạnh. Nhưng, một học sinh vừa tốt nghiệp THPT, liệu có phù hợp trở thành một lao động trong các nhà máy, xí nghiệp?
Vì vậy, để “chuyển giai đoạn” cho thanh niên trở thành những người có lý tưởng, trở thành lao động có tay nghề, không ít cơ chế hỗ trợ đã được triển khai; trong đó việc giáo dục đào tạo, trao cơ hội việc làm cho thanh niên là hoạt động được thực hiện tích cực.
Chương trình phát triển thanh niên giai đoạn 2013 - 2020 của tỉnh đặt mục tiêu mỗi năm giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, dù chưa có con số báo cáo tổng kết cụ thể, nhưng có thể nhìn thấy sự tác động của nhiều hình thức hỗ trợ của Nhà nước.
Cuối tuần này, tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh (khóa X) cũng sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về phát triển thanh niên tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 – 2030 với mục tiêu cụ thể nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho thanh niên; phát triển nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao.
Theo đó, hằng năm, 100% học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giáo dục hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; 100% sinh viên trường cao đẳng, đại học Quảng Nam được trang bị kiến thức về hội nhập quốc tế và chuyển đổi số; hằng năm, 30% số ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên là học sinh, sinh viên được kết nối với các doanh nghiệp hoặc được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp…
Những mục tiêu này, trước khi được thực hiện bằng những giải pháp cụ thể, một lần nữa có dịp đánh động sự quan tâm của xã hội về sự phát triển toàn diện của thanh niên; và cũng là cách để các phong trào trong thanh niên lan tỏa, đạt hiệu quả thiết thực hơn.
Thanh niên - nguồn năng lượng tích cực, sung sức của xã hội cần phải được quan tâm nhiều hơn theo hướng mở thêm những con đường, kích thích sự đam mê và sáng tạo để họ tự do bước vào ngưỡng cửa của chính cuộc đời mình!