(VHQN) - Bên biền bãi, đồng xanh bạt ngàn, những nông dân lại quần tụ làm lễ cúng Thần Nông với ước vọng mùa màng bội thu, trời yên bể lặng…
Thần Nông, tự cái tên đã toát lên sắc màu dân dã, thân quen với người nông dân chân chất bao đời. Tương truyền, Thần Nông là người đầu tiên dạy người dân trồng lúa, làm hoa màu. Cứ thế qua thời gian, bao miền đất cỗi cằn, “khỉ ho, cò gáy” dần phủ lên màu xanh đồng ruộng.
Dù đã hình thành thương cảng, phố thị từ lâu nhưng tại Hội An tục lệ cúng Thần Nông vẫn được duy trì tại nhiều nơi, trong nhiều thời điểm. Tại Cẩm Nam, Tân Hiệp thậm chí trong khu vực trung tâm như Cẩm Phô vẫn còn định kỳ hàng năm tổ chức lễ cúng này.
Theo các cụ cao niên ở khu vực Cồn Bắp (phường Cẩm Nam), lễ cúng này đã có từ rất lâu. Trước đây cứ mỗi khi cúng xong thì già trẻ trong làng xúm nhau nghinh kiệu đi lòng vòng khắp cồn bãi, rộn ràng và xôm tụ.
“Tôi làm nông/ Vái ông Thần Nông, vái bà Thần Nông/ Trông có bông, có trái cho nhiều/ Bờ trên phủ bờ dưới, bờ dưới phủ bờ trên…”, những câu ca mộc mạc thường được các cụ cao niên vái trong lễ cúng gửi gắm ước vọng giản đơn mà đau đáu bởi nông nghiệp xưa kia vốn phó mặc cho... ông trời.
Tại Hội An còn nhiều ngôi miếu thờ, đàn thờ Thần Nông. Lễ cúng thường được tổ chức vào tiết Thanh minh hoặc tháng Ba âm lịch sau khi thu hoạch vụ đông xuân.
Tại Cẩm Nam, người dân thường tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng và kèm theo ngày hội bắp nếp được du khách vô cùng yêu thích. Không chỉ Hội An, rải rác khắp từ miền đồng bằng đến vùng trung du vẫn duy trì nét văn hóa đặc sắc này.
Những năm tháng dịch bệnh đi qua, con người càng nhận thấy giá trị của tự nhiên, tầm quan trọng của ngành nông nghiệp. Và từ lễ cúng Thần Nông, khát vọng an bình, no ấm cho muôn nơi vẫn được trao truyền.