Đang ở thời điểm nắng nóng đỉnh điểm, nhiều địa phương đang đối mặt với nguy cơ cháy rừng, nhất là khu vực rừng sản xuất.
Khó hồi phục rừng đã cháy
Đến sáng 6.5, đám cháy vẫn chưa thể khống chế hoàn toàn ở rừng phòng hộ xã Mà Cooih (Đông Giang). Điều lo lắng của lực lượng kiểm lâm là những đám cháy nhỏ có thể bùng phát thành đám cháy lớn khi gặp gió to ở nhiệt độ ngoài trời hơn 38 độ C.
Ông Đinh Viết Khánh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang cho biết, một vụ cháy rừng được người dân địa phương kịp thời phát hiện từ đêm 4.5 nhưng đến sáng 5.5, lực lượng chức năng mới tiếp cận được hiện trường để dập lửa do địa hình xa xôi. Bước đầu xác định, khu vực đang cháy ở khoảnh 7, tiểu khu 160 thuộc xã Mà Cooih. Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân cháy do người dân đốt rẫy keo ở rừng sản xuất, lửa lan nhanh qua rừng phòng hộ.
Rừng phòng hộ đầu nguồn được xem là “lá phổi” cung cấp bầu không khí trong lành, giữ nước rất hiệu quả. Các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh có được nguồn nước dồi dào hay không đều phụ thuộc vào độ che phủ của rừng phòng hộ. Nơi nào nghèo hệ sinh thái rừng, nơi đó thường đối mặt với tình trạng thiếu nước cục bộ.
Theo dõi các vụ cháy rừng mùa khô những năm gần đây, có thể thấy “giặc lửa” tấn công chủ yếu vào rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Riêng đất rừng sản xuất, Quảng Nam có hơn 200 nghìn héc ta, cây trồng chủ yếu là keo, lá khô rơi xuống đất rất dễ bắt lửa. Thời điểm này, ở các huyện trung du, đồng bằng như Đại Lộc, Núi Thành, Tiên Phước, Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Phú Ninh được dự báo cháy rừng ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Mùa khô năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra ít nhất 13 vụ cháy rừng với diện tích bị thiệt hại hơn 41ha rừng sản xuất của dân và rừng phòng hộ. Trong đó, có 24,3ha rừng không còn khả năng phục hồi; hơn 16,7ha có khả năng phục hồi. Các vụ cháy rừng ngoài thiệt hại nặng về kinh tế còn gây ô nhiễm môi trường không khí. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đánh giá, phần lớn các vụ cháy rừng keo của người dân khó có khả năng chữa cháy kịp thời, nếu chậm phát hiện, nhất là thời điểm ban đêm thì thiệt hại sẽ lớn hơn.
Nâng mức độ cháy rừng
Hiện nay, Văn phòng Ban Chỉ đạo về phòng chống cháy rừng (PCCR) cấp tỉnh đã đề nghị ban chỉ đạo PCCR các địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng. Đặc biệt, nghiêm cấm việc đốt lửa trong rừng và gần rừng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh hướng dẫn các chủ rừng, hạt kiểm lâm, người dân sống ven rừng triển khai hệ thống theo dõi cảnh báo cháy rừng và nhắn tin tự động. Địa phương nào có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao thì hệ thống này sẽ chủ động nhắn tin đến lãnh đạo địa phương đó để có biện pháp PCCR phù hợp.
Trước tình hình nắng nóng kéo dài làm tăng nguy cơ cháy rừng, ngành kiểm lâm tỉnh đã nâng mức cảnh báo cháy rừng từ cấp IV (cấp nguy hiểm) lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Thời điểm này, người dân muốn đốt phát rẫy thì bắt buộc phải báo cáo với ngành chức năng. Theo dự báo, do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió tây nam gây hiệu ứng thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng ở các địa phương trong tỉnh.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia ngày hôm qua (6.5) phát đi thông báo nắng nóng xảy ra diện rộng ở các khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ, vùng núi Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 38 độ, vùng núi Bắc Bộ có nơi trên 39 độ, vùng núi Bắc Trung Bộ có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày từ 39 - 41 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 30 - 50%. Từ ngày 7.5 đến 9.5, cường độ nắng nóng tiếp tục gia tăng. Ở Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37 - 40 độ, vùng núi Bắc và Trung Trung Bộ có nơi 40 - 42 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 30 - 45%.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt trong những ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió tây nam gây hiệu ứng thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao; và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên.