(QNO) - Như Báo Quảng Nam đã thông tin, dịch cúm A/H5N1 vừa xuất hiện tại phường Điện Phương (thị xã Điện Bàn) khiến hơn 2 nghìn con vịt bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt. Theo đó, nguy cơ vi rút gây bệnh sẽ lây lan trên địa bàn tỉnh vì công tác vệ sinh môi trường, tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh cúm cho đàn gia cầm chưa được chú trọng.
Lo ngại mầm bệnh phát tán
Tháng 2 năm nay, vi rút cúm A/H5N1 xuất hiện trên địa bàn thị trấn Tân Bình (Hiệp Đức) khiến 365 con gia cầm bị mắc bệnh chết và phải tiêu hủy bắt buộc. Qua hơn 8 tháng cả tỉnh không phát sinh thêm ổ dịch thì mới đây tại phường Điện Phương (Điện Bàn) lại xảy ra tình trạng đàn vịt 2.100 con của hộ ông Nguyễn Văn Cư ở khối phố Triêm Đông 2 mắc bệnh chết hàng loạt vì bị nhiễm vi rút cúm A/H5N1.
Điều đáng nói, đàn vịt của ông Nguyễn Văn Cư bị nhiễm bệnh chết trong nhiều ngày. Khi ngành chức năng của thị xã Điện Bàn và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra vào ngày 1/11 thì đàn vịt trên chỉ còn lại khoảng 200 con sống. Xác vịt chết nằm vương vãi trên kênh mương, ruộng ngập nước nên nguy cơ vi rút cúm A/H5N1 lây lan mạnh trong những ngày tới là rất cao.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, tính đến thời điểm này toàn thị xã có khoảng 900 nghìn con gia cầm các loại. Thế nhưng, thời gian qua chỉ khoảng 50% tổng đàn được chích ngừa vắc xin phòng bệnh cúm A/H5N1. “Qua kiểm tra cho thấy, số lượng gia cầm được tiêm phòng vắc xin cúm A/H5N1 chủ yếu là ở các trang trại, gia trại thả nuôi với quy mô vừa và lớn. Những hộ nuôi nhỏ lẻ, phần lớn không chích ngừa vắc xin” - ông Chơi nói.
Để hạn chế mầm bệnh phát tán, thị xã Điện Bàn xuất nguồn hóa chất dự phòng, đồng thời đề nghị Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam hỗ trợ thêm khoảng 300 - 400 lít hóa chất. Từ nguồn này phân bổ về các địa phương khẩn trương triển khai vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng tại khu vực đang xảy ra dịch, các ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao bùng phát dịch và những chợ trên địa bàn thị xã…
“Ngành nông nghiệp Điện Bàn cũng gấp rút đề nghị Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam chi viện khẩn cấp 10 nghìn liều vắc xin cúm A/H5N1 để tổ chức tiêm phòng bao vây, khống chế ổ dịch tại phường Điện Phương. Đồng thời triển khai chích ngừa cho đàn vịt ở các địa phương khác, nhất là những vùng lân cận” - ông Chơi nói thêm.
Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin đạt quá thấpTheo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 9 triệu con gia cầm các loại, tăng 90.000 con so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng đàn gà hơn 7,3 triệu con, tăng 80.000 con. Đáng nói là, mặc dù đàn gia cầm của tỉnh khá lớn nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh cúm A/H5N1 đạt rất thấp.
Ông Nguyễn Văn Hoàng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, thời gian qua tỷ lệ đàn gia cầm được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm A/H5N1 của tỉnh đạt chưa tới 10%. Số gia cầm được chích ngừa vắc xin chủ yếu tại các cơ sở chăn nuôi đã công nhận an toàn dịch bệnh hoặc những trang trại, gia trại có kiểm dịch xuất bán sản phẩm đi ngoại tỉnh.
“Theo Luật Thú y, cúm gia cầm là bệnh phải tiêm phòng vắc xin bắt buộc. Thế nhưng, qua kiểm tra tại nhiều địa phương thì hầu hết hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không chích ngừa vắc xin. Do nhà nước không có cơ chế hỗ trợ vắc xin tiêm phòng bệnh cúm gia cầm nên ngành chuyên môn và chính quyền các cấp chủ yếu tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tự mua vắc xin tiêm cho đàn gia cầm của mình” - ông Hoàng nói.
Công tác tiêm phòng vắc xin gần như thả nổi, trong khi đó khâu vệ sinh môi trường và phun tiêu độc khử trùng thì không được duy trì thường xuyên nên nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan trên địa bàn tỉnh thời gian tới là rất cao.