(QNO) - Tật khúc xạ (gồm các bệnh loạn thị, viễn thị, cận thị) đang có xu hướng gia tăng trong môi trường học đường. Trong số đó, bệnh cận thị chiếm tỉ lệ cao nhất.
Bệnh cận thị đang có xu hướng gia tăng trong học đường. Ảnh: B.T.M |
Theo số liệu khảo sát cuối năm 2015 của Trung tâm Mắt Quảng Nam tại các trường tiểu học, THCS trong tỉnh, tật khúc xạ học đường chiếm tỉ lệ khoảng 25%. Học sinh (HS) mắc bệnh tập trung ở khu vực thành phố nhiều hơn ở vùng nông thôn. Bác sĩ Dương Tấn Hùng - Giám đốc Trung tâm Mắt Quảng Nam cho biết, trước đây có quan điểm cận thị xuất hiện ở khu vực nông thôn nhiều hơn. Lý do đưa ra là vì điều kiện cơ sở vật chất, bàn ghế, ánh sáng không đảm bảo. Nhưng trên thực tế, số HS phải đeo kính cận tập trung nhiều ở khu vực thành thị.
Có thể thấy, những nơi học tập, giải trí, vui chơi của phần lớn HS thành thị quanh quẩn ở khu vực nhà cao tầng nhiều cửa kính trong không gian bó hẹp. Điều kiện cuộc sống và hoàn cảnh môi trường làm các em tiếp xúc sớm, thường xuyên với các thiết bị công nghệ thông tin như điện thoại, máy tính, ti vi… Khi chăm chú vào những thiết bị này ở khoảng cách gần và thời gian dài thì mắt phải liên tục điều tiết. Nếu các em không biết cách giải phóng mắt thì sẽ dẫn đến mỏi mắt và cận thị. Trong khi đó, HS ở nông thôn có điều kiện được tiếp xúc với khoảng không của ruộng đồng, cây cối, dòng sông... Ánh sáng tự nhiên giúp các em giải phóng tầm nhìn của mắt, giúp mắt được thư giãn, nghỉ ngơi.
Qua kết quả kiểm tra sức khỏe đầu năm, Trường THCS Nguyễn Du (TP. Tam Kỳ) có đến 413/1310 HS mắc bệnh cận thị (tỉ lệ 31,5%). Cô Nguyễn Thị Thới - nhân viên y tế nhà trường cho biết, hàng năm trường đều có đợt kiểm tra khám mắt định kỳ cho HS. Khi có nghi ngờ HS mắc bệnh về mắt, nhà trường sẽ thông báo cho gia đình để đưa các em đi khám ở tuyến chuyên môn cao hơn. Ngoài việc xem ti vi, ngồi vi tính quá gần và quá lâu thì HS hiện nay có thói quen không tốt là vừa đi, vừa ngồi vừa đọc truyện. Dù đang đi bộ từ cổng vào lớp học hay ngồi trên xe cha mẹ chở đến trường, các em đều không rời mắt khỏi cuốn truyện trên tay. Nhiều sách truyện in cỡ chữ nhỏ, các em phải dán sát mắt vào để đọc. Khi vừa đi, vừa ngồi vừa đọc, chữ và hình ảnh rung lắc, biến động, ánh sáng thay đổi không ngừng. Mắt các em phải điều chỉnh tiêu cự liên tục làm thần kinh thị giác mỏi mệt và dẫn đến đau mắt.
Cô Nguyễn Thị Hồng Lê - nhân viên y tế học đường Trường Tiểu học Kim Đồng (TP.Tam Kỳ) cho biết, tật khúc xạ học đường thường đi kèm với bệnh cong vẹo cột sống. Khi các em ngồi không đúng tư thế, khoảng cách từ mắt đến sách vở không đảm bảo sẽ dẫn đến hư mắt và cong lưng. Ngoài ra, HS ở cấp tiểu học còn khá nhỏ, có khi mắc bệnh nhưng bản thân chưa tự nhận biết, cha mẹ cũng chưa phát hiện kịp thời mà phải thông qua quan sát của cô giáo trong lớp.
Chị Trần Thị Bích Huệ (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) tâm sự, chị có 2 đứa con đều mắc bệnh cận thị ở độ tuổi tiểu học. Trong lớp, con chị được cô giáo xếp ngồi bàn cuối vì có chiều cao tương đối. Nhưng mỗi khi đọc chữ trên bảng, các em đều phải nhíu mắt, nhìn từ vở bạn hay chạy lên sát bảng mới viết được bài. Bình thường ở nhà, xem ti vi hoặc ngồi máy vi tính màn hình lớn thì các em cũng nhìn không quá gần nên gia đình chưa phát hiện được. Đến khi cô giáo chủ nhiệm báo lại thì gia đình mới biết và dẫn em đi cắt kính để mang. Anh Trần Đình Tân (một nhân viên ngân hàng) chia sẻ, ngoài giờ học, con anh ở nhà thường xem nhiều phim hoạt hình vào buổi tối. Có thể vì lý do này mà độ cận thị của cháu ngày càng tăng nhanh.
Theo bác sĩ Dương Tấn Hùng, để giữ gìn đôi mắt sáng thì mỗi gia đình nên chú trọng chăm sóc mắt cho các em từ khi còn nhỏ để tránh cận thị từ sớm, dễ dẫn đến cận thị nặng. Cha mẹ và các cô cần chú ý điều chỉnh tư thế ngồi học, khoảng cách từ mắt đến sách vở cho HS. Gia đình nên nhắc các em dừng các thói quen như vừa đi vừa đọc truyện, hạn chế tối đa việc nhìn gần và lâu vào ti vi, máy tính. Khi mắt phải làm việc liên tục thì phải cần có khoảng 5 - 10 phút để giải phóng, nghỉ ngơi. Ngoài ra, bữa cơm gia đình cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin chăm sóc mắt.
Qua trao đổi với một số giáo viên chủ nhiệm, các cô đều có phương án đổi chỗ cho HS trong lớp theo học kỳ hoặc theo tháng để các em được thay đổi tầm nhìn. Các cô còn hướng các em thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên ở bên ngoài như cây cối, hồ nước để giúp mắt được nghỉ ngơi.
Cận thị hạn chế tầm nhìn, ảnh hưởng đến hoạt động cuộc sống, nếu không được phát hiện kịp thời và điều chỉnh bằng kính thì độ cận có xu hướng tăng lên, có nguy cơ bị bong võng mạc, dẫn đến mù lòa. Việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường để giáo dục cho trẻ tự điều chỉnh thói quen sinh hoạt là điều kiện cần thiết để giúp trẻ chăm sóc và bảo vệ cho đôi mắt khỏe, đẹp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
BÙI THANH MINH