Nguy cơ lây lan diện rộng

NGUYỄN SỰ 01/03/2019 07:16

Thời gian qua, công tác phòng chống dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc ở các địa phương của tỉnh còn nhiều bất cập và nguy cơ bệnh này lây lan trên diện rộng trong những ngày tới là rất cao.

Thời gian qua, người chăn nuôi chủ yếu tiêm phòng vắc xin dịch tả cho đàn heo chứ không chích ngừa vắc xin LMLM. Ảnh: N.S
Thời gian qua, người chăn nuôi chủ yếu tiêm phòng vắc xin dịch tả cho đàn heo chứ không chích ngừa vắc xin LMLM. Ảnh: N.S

Thả nổi việc tiêm phòng

Các đơn vị liên quan của huyện miền núi Tây Giang vừa tiến hành tiêu hủy khẩn cấp 18 con heo nhiễm bệnh LMLM của một số hộ dân ở thôn Aró (xã Lăng) và thôn Xà Ơi 3 (xã A Vương). Như vậy, đến nay dịch LMLM đã xảy ra tại 42 thôn thuộc 25 xã, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố gồm: Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Quế Sơn, Phước Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Tây Giang. Không chỉ vậy, ngành chuyên môn còn phát hiện bệnh LMLM xuất hiện trên gia súc chờ giết thịt ở một cơ sở giết mổ tập trung thuộc huyện Núi Thành. Trong tổng số 863 con gia súc mắc bệnh LMLM trên phạm vi toàn tỉnh thì đã có 381 con bị chết hoặc phải tiêu hủy bắt buộc.

Theo nhận định của ngành thú y, những ngày tới nguy cơ bệnh LMLM lây lan trên diện rộng là rất cao, bởi công tác phòng dịch ở nhiều địa phương còn nhiều bất cập. Thống kê cho thấy, thời điểm này tổng đàn heo của Quảng Nam khoảng 500.000 con các loại. Tuy nhiên, trong 2 đợt tiêm phòng định kỳ của năm 2018, hầu hết số heo vừa nêu không được chích ngừa vắc xin LMLM. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay giá 1 liều vắc xin LMLM type O để tiêm phòng cho heo khá đắt (gần 19 nghìn đồng) nên phần lớn người chăn nuôi sợ tốn kém, không mua về tiêm phòng. Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, tổng đàn heo thịt có mặt thường xuyên của tỉnh là gần 360.000 con, vòng đời đối với heo thịt ngắn (4 - 5 tháng/lứa), thời gian ngừng thuốc trước khi giết mổ khoảng 28 - 30 ngày. Vì vậy, việc phòng bệnh bằng vắc xin LMLM cho đối tượng heo thịt là rất khó. Cũng theo ông Nam, hiện Quảng Nam có 94.000 con heo nái và đực giống, mặc dù tỉnh có cơ chế hỗ trợ vắc xin LMLM để phòng bệnh ở những thôn đặc biệt khó khăn và các xã thuộc khu vực III nhưng hầu hết không được tiêm phòng. “Những năm gần đây, bệnh LMLM ít xảy ra trên đàn heo nên người chăn nuôi chủ quan và chính quyền địa phương cũng ít quan tâm trong việc tổ chức tiêm phòng cho đối tượng này. Có một thực tế, do heo không được phòng bệnh bằng vắc xin LMLM nên theo quy định thì khi xảy ra dịch bệnh, việc tiêu hủy heo bệnh không được hỗ trợ. Điều này dẫn đến đàn heo mắc bệnh không được tiêu hủy triệt để khiến nguồn bệnh phát tan, lây lan sang các nơi khác” - ông Nam nói thêm.

Nhiều tồn tại

Ngoài chuyện thả nổi công tác tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn gia súc (nhất là đối với heo) và không thường xuyên vệ sinh môi trường, phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại, các cơ sở giết mổ, những ổ dịch cũ... thì thời gian qua việc kiểm soát khâu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc và các sản phẩm từ gia súc ở nhiều nơi cũng hết sức lỏng lẻo. Ông Nam nói: “Lâu nay, khâu kiểm soát giết mổ gia súc chủ yếu được giao cho đội ngũ cán bộ thú y cấp xã thực hiện nhưng thực tế cho thấy lực lượng này làm việc khá hời hợt. Có người, vì cấn việc, giao luôn con dấu kiểm soát giết mổ cho bà bán thịt”.

Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Quảng Nam vào trưa hôm qua 28.2, ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, đầu tháng 1.2019 tại thôn An Trung (xã Duy Trung) có 6 con bò của 3 hộ dân mắc bệnh LMLM. Nhận tin báo, ngành liên quan cùng chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và tích cực hỗ trợ người dân cách chữa trị nên số bò nêu trên sớm lành bệnh. Theo ông Năm, gần 2 tháng qua trên địa bàn Duy Xuyên không xuất hiện thêm ổ dịch LMLM nào mới. Tuy nhiên, thời điểm này nguy cơ dịch LMLM tái bùng phát ở địa phương, nhất là các xã thuộc vùng tây là rất cao. Bởi, hiện nay tại huyện Đại Lộc còn 6/10 xã có dịch LMLM chưa qua 21 ngày. Thế nhưng, những ngày qua nhiều thương lái mua heo ở các vùng xảy ra dịch LMLM của Đại Lộc và vận chuyển sang địa bàn Duy Xuyên, nhất là tại khu vực bến đò Phú Thuận (xã Duy Tân) và đầu cầu Kiểm Lâm (xã Duy Hòa).

“Sau Tết Kỷ Hợi đến nay, lực lượng chức năng của huyện Duy Xuyên đã phát hiện rất nhiều vụ vận chuyển heo từ Đại Lộc sang nhưng chúng tôi chỉ ngăn chặn và yêu cầu thương lái đưa heo quay lại địa phận Đại Lộc chứ không thể tịch thu, tiêu hủy heo vì chưa có quyết định công bố dịch” - ông Năm nói. Về vấn đề này, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị chính quyền 2 huyện Đại Lộc và Duy Xuyên cần phối hợp bố trí các điểm chốt chặn phù hợp để sớm ngăn chặn tình trạng vận chuyển heo bệnh hoặc heo trong vùng dịch ra khỏi địa bàn.

Tại cuộc họp triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên gia súc do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hôm 27.2, lãnh đạo ngành thú y tỉnh cũng nêu ra khá nhiều bất cập trong việc thực hiện công tác này. Theo ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y, các địa phương có bệnh LMLM xảy ra chưa tập trung nguồn lực để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch; việc phát hiện, thông tin, báo cáo bệnh tại tuyến cơ sở chậm; một số trung tâm kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện chờ đến khi có ý kiến chỉ đạo của UBND cấp huyện mới thực hiện báo cáo. “Khi dịch xảy ra, một số địa phương không báo cáo kịp thời để Chi cục Chăn nuôi & thú y lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm, do đó chưa có cơ sở đề xuất công bố dịch và chưa có cơ sở đề xuất hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi. Đồng thời gây khó khăn cho Chi cục Chăn nuôi & thú y trong việc tham mưu, hướng dẫn sử dụng vắc xin tương thích với vi rút gây bệnh tại thực địa” - ông Nam nói thêm.

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguy cơ lây lan diện rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO