Nhờ hoạt động du lịch sôi động tại Đô thị cổ Hội An, làng gốm Thanh Hà dù nằm ở vùng ven cũng ổn định hoạt động với các sản phẩm thương mại. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm đặc sắc, tinh hoa của làng nghề vơi dần theo năm tháng.
Nghệ nhân Nguyễn Lành bên sản phẩm lon lỗng tú hiện nay không còn được sản xuất. Ảnh: Q.TUẤN |
Trước năm 1975, dù bị ảnh hưởng bởi chiến tranh nhưng làng gốm Thanh Hà vẫn “đỏ lửa” và phát triển mạnh mẽ. Cả làng Nam Diêu lúc đó hơn 50 hộ đều nương vào nghề gốm làm kế sinh nhai. Các cụ cao niên trong làng kể lại: “Hồi đó, thuyền đò đậu tấp nập ở đầm Thanh Hà để lấy hàng, tàu lớn thì xuôi ra Cửa Đại đi Huế, Quảng Trị; tàu nhỏ thì ngược dòng Thu Bồn lên vùng thượng nguồn tiêu thụ”. Sản phẩm của làng gốm khi đó vô cùng đa dạng để phục vụ đời sống sinh hoạt của cộng đồng như đèn thờ, đèn hiếu, chậu sành, om lò, các loại chum, vại, hũ, ngói… Do thời kỳ này sản phẩm công nghiệp hầu như chưa xuất hiện, các hoạt động gánh nước, xây dựng… cũng phải dùng đến đồ gốm nên hoạt động sản xuất ở làng khá hưng thịnh.
Đến những năm 1990, theo xu thế chung, làng nghề gặp vô vàn khó khăn, sau nhờ dựa vào hoạt động du lịch dần phát triển mạnh tại Hội An, làng gốm Thanh Hà mới được vực dậy. Tuy nhiên, giờ đây các sản phẩm tại làng gốm đang hướng đến việc thương mại hóa nhiều hơn là chú trọng vào sự tinh xảo của sản phẩm. Nghệ nhân Nguyễn Lành (87 tuổi) chia sẻ: “Hiện nay hàng gốm ít được ưa chuộng mà chủ yếu là các sản phẩm hàng lưu niệm bán cho du khách được làm ra bằng cách sử dụng khuôn thạch cao”. Trong nhà cụ Lành hiện vẫn còn lưu giữ một số sản phẩm hiện không còn sản xuất ở làng như: lon lỗng tú (xưa dùng để đựng rượu, đựng dầu phụng), hũ thùng (ngâm vải sợi, muối mắm…), hũ 4, hũ 5… nhưng thỉnh thoảng chỉ dùng để biểu diễn, trưng bày mà thôi.
Do không có thị trường để tiêu thụ nên số nghệ nhân am tường các kỹ thuật sản xuất gốm ở làng Thanh Hà cũng vơi dần theo năm tháng. Được biết, ngoài một số cụ cao niên, hiện làng gốm chỉ có 2 thợ nữ khoảng trên dưới 50 tuổi còn nắm được kỹ thuật cơ bản để làm gốm nhưng cũng chỉ dừng ở mức độ trung bình, còn lại các thợ gốm khác chủ yếu chỉ làm các sản phẩm gốm đơn giản để phục vụ thương mại. Ông Nguyễn Văn Tú - Chủ tịch UBND phường Thanh Hà cho biết: “Thời gian qua, địa phương có vận động các nghệ nhân lớn tuổi trong làng nghề tập hợp lại để mở lớp truyền thụ kỹ năng sản xuất cho thế hệ trẻ và được các cụ hết sức ủng hộ”. Vấn đề trăn trở lớn nhất hiện nay vẫn là nhân lực, khi không có thợ trẻ đủ đam mê theo nghề, bởi ít nhất phải mất 5 năm mới cơ bản nắm được các kỹ thuật làm gốm. Theo nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông, để bảo tồn, làng gốm Thanh Hà cần có một bảo tàng gốm bao gồm tất cả sản phẩm tiêu biểu của làng qua các thời kỳ với các di chỉ khảo cổ học văn hóa Sa Huỳnh đến những sản phẩm trước năm 1975 nay đã “tuyệt tích” và cả sản phẩm bán cho khách du lịch hiện nay.
QUỐC TUẤN