Nguy cơ mất cân bằng sinh thái

TRẦN HỮU 25/11/2014 09:04

Mặc dù chính quyền có nhiều nỗ lực cải thiện đa dạng hệ sinh thái rừng, biển đảo nhưng tình trạng khai thác và sử dụng thiếu hợp lý khiến nguồn tài nguyền ngày càng suy giảm, tác động xấu đến môi trường.
Áp lực kinh tế

Tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, áp lực phát triển du lịch, khai thác nguồn lợi hải sản của người dân địa phương là tác nhân khiến nhiều động vật giảm rõ rệt. Độ phủ của rạn san hô, mật độ cá rạn; một số loài cua đá, bào ngư, điệp quạt, ốc vú nàng, sao biển, cá cảnh… càng nghèo nàn, giảm nhiều về số lượng cá thể. Dự báo trước thách thức về áp lực phát triển kinh tế, chính quyền cùng với các nhà bảo tồn đã hạn chế vùng biển khai thác, khoanh vùng phạm vi bảo vệ sinh vật nghiêm ngặt. Thế nhưng, do quản lý lỏng lẻo nên việc người dân lén lút khai thác ngay cả “vùng biển cấm” vẫn liên tục tái diễn.

Kiểm lâm đo xương một cá thể voi tìm thấy trong rừng cách đây vài năm.
Kiểm lâm đo xương một cá thể voi tìm thấy trong rừng cách đây vài năm.

Ông Nguyễn Văn Vũ  - Trưởng ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, khi khách du lịch bắt đầu đổ xô về xã đảo thì việc khai thác, vận chuyển và buôn bán cua đá càng phức tạp, rất khó kiểm soát. Chính vì vậy, thông qua dự án bảo vệ và khai thác hợp lý cua đá Cù Lao Chàm, Tổ cộng đồng tại địa phương đã đánh bắt có kiểm soát, dán nhãn bảo vệ loài hải sản này. Mới đây, Tổ cộng đồng dán nhãn sinh thái cho gần 1.000 con cua đá trước khi bán ra thị trường với kích thước trung bình của chiều ngang mai cua là 7,9cm và không có cua đá mang trứng bị khai thác. Đơn vị đã thả về biển hơn 30 con cua đá với kích thước chiều ngang mai nhỏ hơn 7cm.

Cũng giống như Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã, đang đối mặt với sự phá vỡ cảnh quan tự nhiên do các dự án phát triển du lịch, kinh tế đầu tư. Nhiều nhà khoa học cảnh báo rằng, dự án cáp treo sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống hang động. Trong quá trình nghiên cứu địa chất, các nhà khoa học đã tìm thấy trong hang có cả khu rừng thực thụ dưới đáy của hố sụt, những sinh vật nhỏ li ti, hệ thống thạch nhủ ngọc động. Đây là những thứ rất mong manh, dễ bị xâm hại bởi cả thiên nhiên lẫn con người. Nếu đưa du lịch vào tràn lan, sớm muộn gì những “tài sản vô giá” trong hệ thống hang động cũng sẽ bị phá hủy. Trong khi đó, thực tế cho thấy, dải rừng Trường Sơn chưa phải là “ngôi nhà bình yên” cho các loài thú trú ẩn. Thỉnh thoảng xuất hiện cảnh đàn voi xuống phá hoại hoa màu của người dân miền núi gần đây là minh chứng rõ nhất. Thực trạng tận diệt, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép đang gây nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái rừng.  

Thiết lập vùng sinh cảnh

“Tài nguyên thiên nhiên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững, một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt; đa dạng sinh học suy giảm, nguy cơ mất cân bằng sinh thái diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cần quản lý khai thác một cách hợp lý, sớm chấm dứt khai thác rừng tự nhiên; mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên hiện có và đẩy nhanh việc thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên mới; ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ cảnh quan, sinh thái, di sản thiên nhiên…”.
(Trích nội dung Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3.6.2013 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị 7, khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường).

Việc thành lập khu bảo tồn voi, sao la ở các huyện miền núi với diện tích rừng tương đối lớn là tín hiệu đáng mừng của công tác quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt các động vật quý hiếm trên đà tuyệt chủng. Nguy cơ mất tài nguyên từ thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng kết cấu hạ tầng rất đáng quan tâm. Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng - Viện Điều tra quy hoạch rừng (Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam) cho rằng, bản thân đã làm công tác quy hoạch nhiều năm, viết nhiều dự án đầu tư, cả làm báo cáo đánh giá tác động môi trường… Theo ông, vấn đề phát triển và bảo tồn đa dạng sinh học bao giờ cũng có xung đột, bao giờ cũng phải chấp nhận hy sinh, nhưng hy sinh thì phải trả giá. Câu chuyện mở những con đường qua động Phong Nha - Kẻ Bàng, rừng quốc gia Cúc Phương… tại sao ý kiến phản đối nhiều nhưng vẫn triển khai xây dựng? “Các nhà khoa học không nên đánh giá một chiều và cần có sự nhạy cảm môi trường” - ông Thắng nói.

Tại Quảng Nam, điểm sáng lớn nhất trong thời gian qua là nâng cao độ che phủ rừng; thực thi có hiệu quả nhiều chính sách, dự án phi chính phủ về bảo vệ đa dang sinh học. Điển hình, dự án môi trường trọng điểm và sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học rừng đặc dụng Sông Thanh là tìm được “tiếng nói chung” giữa chính quyền các địa phương, cộng đồng dân cư về đường ranh giới giữa khu bảo tồn và ranh giới các thôn trong xã nhằm liên kết quản lý tài nguyên rừng bền vững. Tại Nam Trà My, dự án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh cũng được quan tâm đặc biệt, bằng cách địa phương hỗ trợ tiền mua cây giống, giảm lãi suất, giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, hạn chế nguy cơ phá rừng.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguy cơ mất cân bằng sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO