Nắng nóng kéo dài trên diện rộng khiến nhiều cánh đồng lúa non bị khô hạn nghiêm trọng, không ít diện tích lúa bị cháy rụi…
Khô rốc
Nhìn 2 sào lúa đã cháy khô, ông Trần Minh Phú ở thôn An Lâm (Thăng Phước, Hiệp Đức) than phiền: “Vụ hè thu vừa rồi, do không có nước để đổ ải gieo sạ nên tôi đành bỏ ruộng hoang. Đầu vụ đông xuân này, nhờ trời liên tục có mưa nên tôi xuống giống được toàn bộ diện tích. Trước tết, thấy cây mạ lên xanh, tôi tin tưởng cuối vụ sẽ thu hoạch chừng 3 tạ lúa khô. Thế nhưng, hơn 1 tháng trở lại đây, nắng nóng khốc liệt kéo dài khiến 2 sào lúa sắp đến kỳ trổ đòng bị thiếu nước tưới trầm trọng. Tình trạng này, chỉ còn nước cắt cho bò nhai”.
Ông Trần Tờ (thôn 5, xã Bình Sơn) đang nỗ lực cứu 3 sào lúa. |
Trong khi đó, mạch nước ngầm ở vùng này quá khan hiếm, nước không đủ nhỉ vào ao nếu dùng nước ao để tưới lúa. Lúa không cứu được, cá trong ao lại bị chết, như vậy sẽ thiệt hại kép. Theo quan sát của chúng tôi, 2 sào đất canh tác lúa của gia đình ông Phú chỉ nằm cách hồ chứa nước An Vang chừng 250 - 300m. Thế nhưng, hàng chục năm nay, vụ hè thu nào ông Phú cũng bỏ hoang ruộng, còn vụ đông xuân thì cứ làm theo kiểu được chăng hay chớ. Ông Phú lắc đầu: “Gần nước mà phải chịu khát. Bởi, hệ thống kênh mương không có thì biết làm sao đưa nước về đồng. Chẳng biết đến bao giờ mới chấm dứt cái cảnh hạn hán triền miên”.
Nhiều chân ruộng lúa non đã bị nứt toác. Ảnh: MAI NHI |
“Hiện nay, mực nước tại các hồ chứa trên địa bàn huyện Hiệp Đức như Việt An, Vũng Não, An Tây, Bình Hòa, An Vang đã bắt đầu tụt giảm. Nếu thời gian tới nắng nóng xảy ra khốc liệt thì vụ hè thu 2014 hàng trăm héc ta lúa do những công trình thủy lợi trọng yếu này đảm nhận tưới sẽ đứng trước nguy cơ bị khô hạn nghiêm trọng”. (Ông Phạm Sỹ Đoàn - Phó phòng NN&PTNT Hiệp Đức) |
Ngược ra xã Bình Sơn, trên xứ đồng Ruộng Thùng rộng khoảng 2ha lại thấy nông dân đang loay hoay tìm cách cứu những chân đất lúa đã nứt toác. Lom khom kéo dây điện, lắp đặt máy bơm để hút nước từ dưới suối lên ruộng, ông Trần Tờ - một người dân trú ở thôn 5 nói: “Từ sau Tết Giáp Ngọ đến nay nắng hạn hoành hành dữ dội khiến cả 3 sào lúa của tôi sống còi cọc. Hiện giờ, cây lúa đang bước vào giai đoạn đứng cái làm đòng, nếu không nỗ lực bơm nước tưới thì mất mùa là điều không thể tránh khỏi. Mà, chuyện cứu lúa cũng nhọc nhằn lắm, muốn bơm được nước thì phải bỏ tiền ra mua 150m dây điện kéo từ trong nhà ra ruộng rồi lắp một đường ống nhựa dài từ mô tơ xuống suối. Vất vả nhưng cũng phải làm, nếu không thì sẽ mất đứt miếng ăn”. Tuy nhiên, theo ông Tờ, nếu “giải cứu” thành công thì chắc chắn vụ này sản lượng lúa cũng sẽ tụt giảm 30 - 40% so với đông xuân năm ngoái. Bởi, hơn 1 tháng qua, do mặt ruộng thường xuyên bị thiếu nước nên cây lúa phát triển yếu và đẻ nhánh rất kém...
Cứu lúa
Toàn tỉnh có thể mất trắng 4.500ha lúa nước trời Hôm qua 9.3, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, vụ đông xuân này toàn tỉnh sản xuất tổng cộng 42.500ha lúa, trong đó có 38.000ha chủ động tưới, còn lại 4.500ha dựa vào nước trời. Ông Muộn nói: “Do hơn một tháng nay nắng nóng quá khốc liệt khiến toàn bộ số diện tích lúa nước trời vừa nêu bị khô hạn rất nghiêm trọng. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hiện giờ phần lớn chân ruộng lúa không chủ động tưới đó đã bị chết héo nên xem như mất trắng hoàn toàn, còn một số ít diện tích nếu may mắn thì cũng chỉ thu được 30 - 50% sản lượng so với đông xuân năm ngoái”. |
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Phạm Sỹ Đoàn - Phó phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, vụ đông xuân 2013 - 2014 nông dân trên địa bàn 12 xã, thị trấn của huyện tổ chức sản xuất tổng cộng 1.371ha lúa, trong đó hơn 70% diện tích chủ động nước tưới còn lại là sống dựa vào nước trời. Ông Đoàn nói: “Do suốt 6 tuần qua nắng nóng xuất hiện trên diện rộng nên bây giờ toàn huyện đã có ít nhất 200ha lúa sắp làm đòng và trổ bị khô hạn nặng. Nếu từ nay đến giữa tháng 3 trời vẫn không có mưa thì chắc chắn số diện tích này sẽ bị cháy trụi dẫn đến mất trắng hoàn toàn”.
Ông Đoàn cho biết thêm, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho nhà nông, ngành nông nghiệp đang khẩn trương xây dựng phương án và tham mưu UBND huyện Hiệp Đức xuất nguồn kinh phí để hỗ trợ các địa phương thực hiện phòng chống hạn. Theo ông Đoàn, trước mắt huyện sẽ chi khẩn cấp 100 triệu đồng mua nhiên liệu và một số máy bơm dã chiến đưa về những vùng rốn hạn, tận dụng mọi nguồn nước ngọt từ các ao hồ, sông suối, đầm lạch để cứu lúa. Tuy nhiên, ông Đoàn cũng tỏ ra lo lắng: “Đông xuân năm ngoái, nhờ từ đầu đến cuối vụ thời tiết diễn biến thuận lợi nên Hiệp Đức rất được mùa, năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt hơn 50 tạ/ha. Còn vụ này, do từ sau tết đến giờ nắng nóng quá khốc liệt khiến cây lúa sinh trưởng và phát triển rất kém. Theo nhận định của tôi, nếu những ngày tới có giải cứu được 200ha lúa bị khô hạn nghiêm trọng ấy thì chắc chắn sản lượng cũng sẽ tụt giảm không dưới 30% so với cùng vụ sản xuất năm trước”.
MAI NHI