Nguy cơ ô nhiễm phóng xạ

TRẦN NGUYỄN 10/05/2016 10:06

Dù đã khoanh định “vùng cấm”, song nhiều địa phương đang đối mặt với nguy cơ dễ bị ô nhiễm các chất phóng xạ tự nhiên, đe dọa sức khỏe người dân.

Các vùng Nông Sơn, Hiệp Đức, Đại Lộc, Phước Sơn và Nam Giang được đánh giá có trữ lượng tài nguyên khoáng sản quý hiếm, đặc biệt chất phóng xạ. Các mỏ chứa hợp chất phóng xạ từ uranium như các mỏ than Nông Sơn, Ngọc Kinh, Sườn Giữa (Đại Lộc) và những mỏ phóng xạ uranium nằm ở Khe Hoa - Khe Cao, Pà Lừa - Pà Rồng (Nam Giang)... Lượng mưa nơi đây rất lớn kèm theo hiện tượng lũ ống, lũ quét gây ra sạt lở đã đẩy nhanh quá trình phong hóa nham thạch trong vùng. Các nguy cơ ô nhiễm chất phóng xạ có thể xảy ra từ quá trình rửa trôi hòa tan trong các nguồn nước mặt. Nguồn ô nhiễm dịch chuyển theo dòng hoặc có thể thẩm thấu theo các hệ thống khe nứt, đứt gãy của đất đá làm ô nhiễm phóng xạ trong môi trường nước.

Thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng nhiên liệu chất đốt cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng. Các mỏ than Nông Sơn, Ngọc Kinh, An Điềm, Sườn Giữa theo kế hoạch sẽ tiếp tục mở rộng tọa độ, diện tích thăm dò, khai thác. Sở Tài nguyên - môi trường nhận định, tình trạng khai thác than đá tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phóng xạ, nhất là cường độ bức xạ tự nhiên đo được trung bình trong các khu mỏ đều cao. Thực tế, dưới các mỏ than đang khai thác là vùng chuyên canh sản xuất của người dân. Các địa phương dễ bị tổn thương nhất là các xã Đại Hòa, Đại Minh, Đại Phong, Đại Tân, Đại Hồng, Đại Sơn, Đại Lãnh (huyện Đại Lộc).

Công trường chế biến than ở mỏ than Nông Sơn. Ảnh: T.N
Công trường chế biến than ở mỏ than Nông Sơn. Ảnh: T.N

Tại các vùng mỏ có chứa nguyên tố phóng xạ độc hại như khu mỏ phóng xạ An Điềm, Khe Hoa - Khe Cao, Pà Lừa, Pà Rồng, Đông Nam Bến Giằng, mỏ than Nông Sơn, Ngọc Kinh, Sườn Giữa... cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người dân do sử dụng trực tiếp nguồn nước sinh hoạt hàng ngày (nước sông, suối, giếng đào...). Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) từ ngày đi vào hoạt động (đầu năm 2015) để lại quá nhiều nỗi lo cho người dân địa phương vì gây khói bụi. Con đường bê tông từ mỏ than Nông Sơn về nhà máy đã nhuốm một màu đen kịt. Mặc dù các xe tải chở than phủ bạt che chắn nhưng bụi than vẫn rơi vãi trên đường. Báo cáo về hiện trạng môi trường 5 năm (2010 - 2015) trên địa bàn tỉnh của Sở Tài nguyên - môi trường cũng cho thấy, khu vực có các mỏ than khai thác tập trung đều gây ô nhiễm môi trường với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Một số mỏ chưa tuân thủ đúng các quy trình trong khai thác, các bãi thải công nghiệp tập kết không được xử lý... sẽ tạo điều kiện cho các nguyên tố phóng xạ độc hại phát tán gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Trong khi đó, vừa qua Bộ Tài nguyên - môi trường công bố, khu vực ven biển Quảng Nam giàu khoáng sản ilmenit, hàm lượng các chất phóng xạ trong nguồn sa khoáng này rất cao. Điều đáng nói, công nghệ áp dụng khai thác quặng sa khoáng ilmenit chưa đảm bảo an toàn về môi trường. Nguồn nước sử dụng tuyển quặng ilmenit chỉ xử lý sơ sài rồi thải ra các khu vực bãi cát gần khu tuyển quặng gây nên sự tích tụ lớn chất phóng xạ trong môi trường. Kết quả điều tra địa chất và khoáng sản mới đây đã xác định khu vực Cửa Đại (TP.Hội An), Kỳ Hà (Núi Thành) có tiềm năng sa khoáng và đều tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm phông nền phóng xạ.

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguy cơ ô nhiễm phóng xạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO