Nguy cơ sạt lở tại Trạm khí tượng Trà My

N.VĂN 18/12/2023 08:30

Nửa cuối tháng 12 này, dự báo khu vực Trà My khả năng có đợt mưa lớn kéo dài; trong khi đó, vết nứt lớn tại Trạm khí tượng Trà My cần thời gian để khắc phục nên nguy cơ sạt lở rất cao.

Kiểm tra hiện trường vết nứt tại Trạm khí tượng Trà My. Ảnh: N.Văn
Kiểm tra hiện trường vết nứt tại Trạm khí tượng Trà My. Ảnh: N.Văn

Trong những ngày qua, nhiều đoàn công tác từ Ban Quản lý dự án các công trình NN&PTNT tỉnh (chủ đầu tư công trình kè sông Trường), Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Quảng Nam, Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam và huyện Bắc Trà My đã đến khảo sát, đo đếm, tìm hiểu nguyên nhân vết nứt nêu trên, đồng thời xác định khối lượng để đưa ra giải pháp tối ưu xử lý, khắc phục.

Theo chủ đầu tư dự án kè sông Trường, dự án này được UBND tỉnh phê duyệt tháng 8/2020 và phê duyệt bổ sung vào tháng 11/2021 với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 94,8 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Quy mô xây dựng mới đoạn kè tuyến 1.484m; sửa chữa, nâng cấp tuyến kè cũ 873m.

Mục tiêu chống xói lở sông Trường, bảo vệ an toàn, tính mạng, tài sản người dân, cơ sở hạ tầng, môi trường khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ở ven sông Trường, thị trấn Trà My.

Dự án có hai gói thầu xây lắp; trong đó gói thầu số 1, đoạn hướng dòng đầu tuyến và kè sửa chữa nâng cấp, được khởi công hồi tháng 3/2021 và đến nay đã hoàn thành.

Gói thầu số 2 tập trung xây mới kè tuyến, được khởi công tháng 5/2021. Hiện mới thi công hoàn thành phần chân và mái kè; còn phần đỉnh kè sát với khu vực nhà ở, vật kiến trúc của người dân bị ảnh hưởng, vướng giải phóng mặt bằng nên chưa thể thi công.

Theo đơn vị thi công và chủ đầu tư, xuất hiện vết nứt lớn ở khu vực Trạm khí tượng Trà My phía trên đỉnh kè trong quá trình thi công, các bên sẽ tập trung xử lý dứt điểm, tuyệt đối không để gây nguy hiểm cho người dân vùng ảnh hưởng, công trình bờ kè và trụ sở, tài sản trạm khí tượng.

Trường hợp, sau khi thi công xong mới xuất hiện thì tiềm ẩn nguy hiểm khó lường đối với người dân trong vùng cũng như kết cấu, tuổi thọ công trình, trụ sở, tài sản Trạm khí tượng Trà My.

Bước đầu, các bên tiến hành kiểm tra, đo đạc khoanh vùng khu vực bị ảnh hưởng; các vị trí xung yếu quanh vết nứt cũng được xác định để xúc tiến khoan thăm dò kết cấu địa chất nhằm đưa ra giải pháp phù hợp. Vết nứt này nằm trong khu vực trọng điểm của gói thầu số 2.

Theo báo cáo của chủ đầu tư công trình kè sông Trường, vết nứt hiện kéo dài khoảng 100m, rộng 15cm, sâu khoảng 2m. Phần lớn phần xuất lộ vết nứt hơn 50m chạy vòng trong khuôn viên hàng rào Trạm khí tượng Trà My. Trong thời gian này, các đơn vị tư vấn đang khẩn trương thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để đưa ra phương án tối ưu xử lý khắc phục.

Trưởng trạm Khí tượng Trà My - Lê Thị Thủy cho hay: “Vết nứt có nhiều thay đổi, nới rộng thêm so với lúc mới phát hiện. Tính đến ngày 13/12, đã mở rộng thêm từ 2 - 5cm ở nhiều vị trí; độ hở từ 20 - 35cm, sụt lún so với mặt bằng khoảng 20 - 40cm.

“Dự báo từ ngày 16 - 27/12, khả năng rất cao vùng Trà My sẽ có đợt mưa to, nhiều ngày mưa rất to. Tổng lượng mưa toàn đợt, các nơi phổ biến từ 500 - 700mm. Trạm đang lo lắng nguy cơ xảy ra sạt lở từ vết nứt là rất lớn”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguy cơ sạt lở tại Trạm khí tượng Trà My
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO