Nguy cơ tai nạn ở trẻ

XUÂN HIỀN 28/07/2021 10:46

Nhiều tai nạn hy hữu xảy ra ở trẻ nhỏ trong giai đoạn các em được nghỉ hè và các lớp mầm non nghỉ để phòng chống dịch Covid-19. 

Các hoạt động ngoại khóa về trang bị kỹ năng cho trẻ em được nhà trường kết hợp với Tỉnh đoàn tổ chức. (Ảnh chụp năm 2020). Ảnh: T.Đ
Các hoạt động ngoại khóa về trang bị kỹ năng cho trẻ em được nhà trường kết hợp với Tỉnh đoàn tổ chức. (Ảnh chụp năm 2020). Ảnh: T.Đ

Tai nạn khó lường

Mới đây, các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương - bỏng Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam vừa phẫu thuật vừa sử dụng phương tiện cơ khí để “giải cứu” ngón tay của một bé trai khỏi khóa nắm cửa.

Bác sĩ Nguyễn Tam Thăng - Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, bé trai trên được gia đình đưa vào viện trong tình trạng ngón tay mắc giữa nắm cửa. “Sau khi hội chẩn, chúng tôi quyết định tiến hành lấy ngón tay ra cho bé tại phòng mổ bằng phương tiện cơ khí. Đây là trường hợp hiếm gặp, nguy cơ hoại tử ngón tay và tổn thương mạch máu thần kinh ngón tay nếu tự kéo ngón tay khỏi nắm cửa” - bác sĩ Nguyễn Tam Thăng nói.

Gia đình cháu bé cho biết, vì nghĩ cháu đã 7 tuổi nên chủ quan để bé chơi một mình. Khi nghe bé khóc thét lên, mọi người chạy tới thì thấy ngón tay cháu kẹt ở khóa nắm cửa, không rút ra được. Gia đình đành phải tháo nắm cửa đưa nguyên trạng đến bệnh viện. Người nhà bé trai cũng thừa nhận, tai nạn trên còn có một phần nguyên nhân từ việc nắm cửa bị hỏng đã lâu nhưng gia đình chủ quan không sửa chữa hoặc thay mới.

Các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương - bỏng Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam vừa “giải cứu” ngón tay một bé trai khỏi khóa nắm cửa. Ảnh: BVĐK
Các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương - bỏng Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam vừa “giải cứu” ngón tay một bé trai khỏi khóa nắm cửa. Ảnh: BVĐK

Cũng trong thời gian nghỉ hè này, Khoa Ngoại chấn thương - bỏng Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam tiếp nhận khá nhiều ca là trẻ nhỏ gặp các chấn thương như gãy tay, chân do bị ngã khi leo trèo hoặc đi xe đạp. Chị M.T. (phường Hòa Thuận, Tam Kỳ) cho biết, hai con gái chị khi tập xe đạp với nhau thì bị ngã, bé đầu bảo bị đau phần cơ, nhưng khi đưa vào viện thì được chẩn đoán gãy xương phải phẫu thuật.

Nhận định từ các bác sĩ chuyên khoa, ở lứa tuổi từ 1 - 5 tuổi, trẻ thường gặp tai nạn liên quan đến bỏng do lửa, điện, nước sôi hoặc đuối nước, hóc dị vật, ngã cầu thang... Trong độ tuổi từ 6 - 10 tuổi, trẻ lại thường bị tai nạn do tiếp xúc môi trường bên ngoài như gãy tay, chân do leo trèo, tai nạn giao thông. Đặc biệt, khi ở lứa tuổi dậy thì (14 - 15 tuổi), trẻ thường gặp các tai nạn giao thông với những chấn thương rất nặng ở sọ não, ngực bụng, gãy tay chân…

Giám sát và dạy trẻ về kỹ năng

Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm cả nước có hơn 370 nghìn trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm từ 15 - 17 tuổi chiếm khoảng 43%, tiếp đến là nhóm trẻ từ 5 - 14 tuổi (36,9%), cuối cùng là nhóm từ 1 - 4 tuổi. Điều đáng lo ngại là địa bàn xảy ra tai nạn thương tích đối với trẻ em phần lớn là những nơi không xa lạ, có khi tại trường học, trên đường đi học, ở khu dân cư.

Để hạn chế nguy cơ trẻ nhỏ bị tai nạn thương tích, bác sĩ Nguyễn Tam Thăng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần hết sức quan tâm, chú ý đến trẻ, nhất là trong dịp trẻ được nghỉ học ở nhà để phòng tránh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. Tuyệt đối không để trẻ ở một mình trong môi trường có nước, và cần làm rào, nắp đậy chắc chắn, lấp kín những ao hồ không cần thiết.

Bên cạnh đó, các bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ té ngã; các ổ điện phải có hệ thống chống giật, thiết kế cao ngoài tầm với trẻ nhỏ; tránh để trẻ chơi với lửa, các vật dụng sắc nhọn… Đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, hãy đảm bảo trẻ luôn ở trong tầm mắt của người lớn, bởi chỉ cần một phút lơ là có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Khi không may xảy ra tai nạn, dù là tai nạn nhỏ cũng cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, xử trí kịp thời vết thương, loại trừ các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Ngoài ra, cần trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để có thể tự bảo vệ được mình trước các nguy cơ tiềm ẩn. Việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giáo dục xác định nhằm góp phần phòng ngừa tai nạn thương tích.

Nhiều trường học đã phối hợp với đoàn thanh niên, các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các cuộc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Thông qua các hoạt động quy mô liên kết giữa các trường, toàn trường hoặc theo từng lớp, nhóm học sinh qua hình thức tọa đàm, đối thoại, tìm hiểu kiến thức, hướng dẫn kỹ năng xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm… sẽ giúp trẻ từng bước hình thành kỹ năng cho mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguy cơ tai nạn ở trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO