Nguy cơ "tắt tiếng" cồng chiêng

LĂNG A CÚI 31/03/2014 08:38

Nhịp cồng chiêng đối với đồng bào vùng cao chính là biểu tượng về sức sống mãnh liệt, mang hơi thở núi rừng… Tuy nhiên, ở một số địa phương hiện nay, văn hóa cồng chiêng đang đứng trước nguy cơ bị “tắt tiếng” do tập tục “chôn của” cũng như thiếu giáo giục cho lớp trẻ.

Chôn cồng chiêng theo… người chết

Đồng bào Ve ở các xã biên giới Đắc Pre, Đắc Pring (Nam Giang) từ lâu có văn hóa bản địa đặc sắc, được lưu giữ lâu đời. Trong đó, cồng chiêng được xem là “bản nhạc” độc đáo mang nét đặc trưng trong đời sống văn hóa của đồng bào. Tuy nhiên, văn hóa bây giờ đang dần mai một và đứng trước nguy cơ biến mất.

Biểu diễn cồng chiêng tại lễ hội truyền thống các dân tộc huyện Nam Giang 2012.Ảnh: Lăng A Cúi
Biểu diễn cồng chiêng tại lễ hội truyền thống các dân tộc huyện Nam Giang 2012.Ảnh: Lăng A Cúi

Ông Kring Hơ, người dân ở thôn 47 (xã Đắc Pring) ngậm ngùi: “Ít lắm. Chừ có ai dùng đến cồng chiêng nữa đâu”.  Ông Hơ cho hay, trước đây trong mỗi dịp lễ tết, vào nhà mới hay cưới hỏi, đồng bào Ve thường đánh cồng chiêng vui múa. Những thanh niên Ve, hầu như ai cũng đều biết đánh cồng chiêng một cách điêu luyện, góp phần mang đến niềm vui cho lễ hội. Nhưng bây giờ, mọi chuyện đã chìm trong dĩ vãng… “Như đợt tết vừa rồi, không làng nào còn đánh cồng chiêng. Thấy cũng buồn!” - ông Hơ nghẹn ngào.

“Mỗi lần được về với buôn làng, nghe nhịp điệu cồng chiêng trong mùa lễ hội, những người con xa quê như tôi, bỗng thấy lòng mình ấm áp…”
(Kring Trường, sinh viên Trường Đại học Y Dược Huế)

Theo ông Kring Giúp - Bí thư Đảng ủy xã Đắc Pring, trước kia rất nhiều hộ đồng bào Ve còn lưu giữ bộ cồng chiêng truyền thống. Vài năm trở lại đây lễ hội đánh cồng chiêng ít dần, mỗi thôn cũng chỉ có 1 - 2 cái. Do vậy, văn hóa múa hát cồng chiêng dần ít xuất hiện trong các dịp lễ tết, cưới hỏi của đồng bào.
Ông Giúp cũng thừa nhận nguyên nhân khiến cồng chiêng dần biến mất trong đời sống của đồng bào là do tập tục chôn của (cồng chiêng) theo người chết. Ở những gia đình khá giả, có nhiều cồng chiêng, khi người thân mất đồng bào thường chôn cồng chiêng theo. Bởi theo quan niệm người Ve, vật dụng mà trước đây thuộc sở hữu của người nào, khi chết cũng là của họ. Do vậy, để tránh người chết về “quấy nhiễu”, đồng bào thường phải chôn tất cả vật dụng đó theo, mong được yên ổn. “Tình trạng cho của khi cưới gả con cái cũng là một nguyên nhân khiến cồng chiêng không còn được bảo lưu” - ông Giúp cho biết thêm.

Giáo dục ý thức cho lớp trẻ

Cách đây hơn 4 năm, tôi có dịp chứng kiến lễ cưới của đồng bào Ve ở thôn 58 (xã Đắc Pre). Không như mường tượng ban đầu, lễ cưới được diễn ra khá đơn giản và hầu như không có sinh hoạt múa hát cồng chiêng. Ông Un Nhua, một người dân trong làng, cho biết: “Đám cưới bây giờ không ai đánh cồng chiêng nữa đâu. Nó rườm rà lắm!”. Cái “rườm rà” mà ông Nhua thổ lộ thực sự khiến tôi ngỡ ngàng.

Âm nhạc cồng chiêng của đồng bào Ve gồm nhiều loại, từ bộ gõ cồng chiêng cho đến đinh tút. Tất cả đều được “hòa âm” với nhau tạo âm thanh lạ, độc đáo trong mỗi dịp lễ hội. Bất kể ngày hội nào, hễ có âm nhạc cồng chiêng là ở đó có những chàng trai, cô gái Ve nhịp nhàng với điệu múa rê rê truyền thống, nhún chân đều theo nhịp cồng ngân vang, quyến rũ.

Già làng thôn 58 (xã Đắc Pre), ông Zơrâm Liếu cho hay, số đồng bào không biết đánh cồng chiêng hiện đang dần “trẻ hóa” và cũng không có khả năng thẩm âm, lấy tiếng. Già Liếu đưa ra giải pháp cần phát huy tính giáo dục về văn hóa cồng chiêng cho lớp trẻ. Việc giáo dục phải được thực hiện đồng bộ cả phía gia đình và chính quyền địa phương. “Ngày trước, mỗi khi dân làng có lễ hội, cồng chiêng được mang ra đánh vang cả núi rừng. Âm thanh cồng chiêng lạ, vì thế khiến những đứa trẻ trở nên thích thú, say sưa và “đòi” tập luyện cho bằng được. Nhờ vậy, nhịp cồng chiêng nối cả bao thế hệ. Còn bây giờ…” - già làng Zơrâm Liếu bỏ lửng câu chuyện.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến văn hóa cồng chiêng của đồng bào không còn được nguyên vẹn, đó là giới trẻ hiện nay ít quan tâm đến văn hóa của mình, cũng như việc giáo dục trẻ biết đánh cồng chiêng chưa hiệu quả. Bí thư Đảng ủy xã Đắc Pring - ông Kring Giúp nói, đã có nhiều đợt tuyên truyền nhưng cũng không đem lại kết quả. Ông Giúp kể, ngày xưa chỉ cần nghe làng nào đánh cồng chiêng, đồng bào khắp vùng đều sẽ biết họ làm công việc và mục đích gì. Bởi mỗi công việc, mỗi mục đích thường được thể hiện qua tiếng cồng chiêng đều có nhịp gõ khác nhau và không thể lẫn lộn. “Đánh cồng chiêng bây giờ không còn vần điệu riêng, ai muốn gõ thế nào thì gõ, không phân biệt được điệu nào, chỉ để cho có thôi!” - ông Giúp thở dài.

Ông Trần Dư, Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Giang cho biết, không chỉ riêng đồng bào Ve, tình trạng văn hóa cồng chiêng đang dần bị “lãng quên” trong một bộ phận đồng bào vùng cao, nhất là giới trẻ do chưa được quan tâm đúng mức. Ông Dư cho hay, huyện Nam Giang đã có nhiều hoạt động nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào, thông qua các lần tổ chức lễ hội cồng chiêng các dân tộc thiểu số toàn huyện hằng năm. Qua đó, vừa khích lệ tinh thần, vừa giáo dục cho lớp trẻ có cách nhìn đúng hướng để cùng gìn giữ và bảo tồn nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở lễ hội, khoảng trống văn hóa của đồng bào do mai một trước đây cũng chỉ như gàu nước giữa “cánh đồng khô hạn” mà thôi.

LĂNG A CÚI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguy cơ "tắt tiếng" cồng chiêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO