Nguy cơ từ bệnh nghề nghiệp

HOÀNG LINH 10/04/2013 08:42

Người lao động (NLĐ) làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại thường có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được bảo hộ tốt.

Theo thống kê, Quảng Nam có 2 loại bệnh nghề nghiệp thường gặp và chiếm tỷ lệ cao nhất là bệnh bụi phổi silic và điếc do tiếng ồn. Bụi phổi silic là bệnh xơ hóa phổi lan tỏa tiến triển do hít thở bụi có chứa silic tự do. Môi trường làm việc như khai thác than đá, khai thác đá xây dựng (đá granit), đá tràng thạch (để xay bột đá làm nguyên liệu sản xuất gạch men)… khiến NLĐ dễ nhiễm bệnh khi hít phải bụi than đá. Bệnh này còn gặp ở các nghề sản xuất gạch chịu lửa, gốm sứ, thủy tinh, công việc đúc như làm khuôn, phá khuôn, làm sạch vật đúc, phun cát tẩy gỉ... Bệnh có thể gây tử vong do các biến chứng nhiễm khuẩn cấp tính phế quản - phổi, suy hô hấp, suy tim, lao phổi nặng. Trong khi đó, bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn thường gặp ở NLĐ tiếp xúc với tiếng ồn cường độ cao (bao gồm công nhân vận hành máy thủy điện, máy nhiệt điện; công nhân vận hành máy xay đá, nghiền đá, công nhân cơ khí, thợ dệt, may...). Bệnh gây tổn thương khiến sức nghe không hồi phục, gây mất sức lao động (LĐ), dễ bị tai nạn LĐ.

Người lao động làm việc ở những công ty khai thác than thường có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp rất cao. Ảnh: H.L
Người lao động làm việc ở những công ty khai thác than thường có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp rất cao. Ảnh: H.L
Khuyến cáo phòng tránh bệnh nghề nghiệp
DN cần đo kiểm môi trường LĐ, thông báo cho công nhân biết về những nơi làm việc dễ gây nên bệnh nghề nghiệp, tập huấn cho NLĐ biết các nguy cơ phát sinh trong môi trường LĐ để họ tự phòng tránh. DN cần quan tâm khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân ít nhất mỗi năm một lần, trang cấp các phương tiện bảo hộ LĐ như khẩu trang chống bụi, nút tai chống ồn, mũ chụp tai chống ồn, áo, quần, giày ủng, kính mắt... DN phải tự kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng các trang bị này để NLĐ chủ động bảo vệ sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp. NLĐ phải tuân thủ các quy định của DN về phòng tránh bệnh nghề nghiệp, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn liên quan đến an toàn vệ sinh LĐ và bệnh nghề nghiệp. DN có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ để NLĐ được đi giám định sau khi có kết luận mắc bệnh nghề nghiệp, thanh toán chi phí khám cho NLĐ. Khi NLĐ đi làm lại phải được theo dõi bệnh thường xuyên, bố trí công việc nhẹ hơn, tránh tiếp xúc với môi trường làm việc cũ. Các cấp, ngành chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra, đôn đốc và thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn luật LĐ, quan tâm nhiều hơn công tác phòng chống để hạn chế và ngăn ngừa bệnh nghề nghiệp.

Công ty CP Than - điện Nông Sơn hiện có 349 LĐ, trong đó 199 công nhân đảm nhận các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở những bộ phận như sàng tuyển, khai thác hầm lò... Số người mắc bệnh nghề nghiệp được khám phát hiện từ năm 1994 đến năm 2013 là 125 người (trong đó có 91 người đã được đi rửa phổi). Ông Lê Hữu Chuyên - Phó Giám đốc Công ty CP Than - điện Nông Sơn, cho biết: “Chúng tôi biết rằng làm việc trong môi trường khai thác than có nguy cơ bệnh nghề nghiệp rất cao. Những trường hợp đã khám phát hiện bệnh, chúng tôi đều sắp xếp đưa NLĐ đi giám định để được hưởng chế độ. Từ năm 1994 đến nay, công ty đã chi hơn 2 tỷ đồng bồi thường cho NLĐ mắc bệnh. Hiện công ty vẫn còn 20 người đã khám phát hiện bệnh nhưng chưa được đi giám định do năm 2012 công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính”.

Ông Phạm Văn Tín, Phó Trưởng khoa Sức khỏe nghề nghiệp (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh), cho biết: “Qua những đợt thanh tra, kiểm tra, kết quả cho thấy doanh nghiệp (DN) có nhiều tiến bộ trong đảm bảo môi trường làm việc, quan tâm đến sức khỏe NLĐ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, DN bị ô nhiễm bụi, ô nhiễm tiếng ồn ở mức cao, trong đó mức độ ô nhiễm bụi vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1 đến 2,5 lần. Công tác đo đạc môi trường LĐ và khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh hằng năm của các DN vẫn chưa được quan tâm thực hiện. Việc tổ chức tập huấn kiến thức vệ sinh LĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp, trang cấp phương tiện bảo hộ LĐ của một số DN chưa được thường xuyên, chu đáo”.

HOÀNG LINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguy cơ từ bệnh nghề nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO