Việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nước, nguy cơ gây hại sức khỏe người tiêu dùng.
Các nhà khoa học trên thế giới vừa có thêm cảnh báo việc sử dụng tỷ lệ thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm ngày càng tăng. Theo kết quả khảo sát Review on Antimicrobial Resistance do chính phủ Anh hỗ trợ, hơn một nửa lượng thuốc kháng sinh được sử dụng trên thế giới hàng năm chủ yếu thuộc ngành chăn nuôi. Qua đó nhằm mục đích tăng sức đề kháng, tăng tỷ trọng vật nuôi như trâu, bò, heo, gà, tôm, cá… trong thời gian nhanh nhất, làm sản phẩm trông bắt mắt. Thế nhưng, người tiêu dùng đứng trước nguy cơ bị tổn hại sức khỏe, bệnh tật, thậm chí có nguy cơ dẫn đến ung thư gây tử vong sau một thời gian dung nạp quá nhiều thuốc kháng sinh có trong các loại thịt đó. Lượng kháng sinh trên toàn cầu dự kiến tăng 67% từ nay đến năm 2030 và một lượng lớn trong số đó được sử dụng trong chăn nuôi.
Một trại nuôi gia cầm. (Ảnh: petersalebooks) |
Kết quả khảo sát Review on Antimicrobial Resistance nhắc lại một vụ việc mới đây cho là kết quả về tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh cực kỳ nguy hiểm trong việc chăn nuôi ở nhiều thành phố khiến dư luận hết sức bàng hoàng. Đó là khi hàng nghìn xác con heo chết bị ném xuống sông Hoàng Phố, nơi cung cấp nguồn nước chính cho thành phố Thượng Hải (Trung Quốc). Mặc dù các cơ quan chức năng sở tại chưa cung cấp thông tin chính thức vụ việc, ngay thời gian đó, tạp chí Caijing có trụ sở tại Bắc Kinh tiết lộ nhiều trang trại nuôi heo tại Trung Quốc kích thích tăng trưởng cho vật nuôi bằng thuốc kháng sinh. Hiện Trung Quốc được biết đến là quốc gia sử dụng kháng sinh chăn nuôi nhiều nhất thế giới. Mỗi năm, Trung Quốc sản xuất hơn 200 nghìn tấn thuốc kháng sinh, nhưng 46% trong số này được dùng trong chăn nuôi. Hay Mỹ là nước chiếm 10% tổng số kháng sinh trên thế giới. Mỗi năm, người Mỹ sử dụng 3.400 tấn thuốc kháng sinh dùng cho công tác điều trị bệnh nhân trong khi 8.900 tấn thuốc cùng loại được sử dụng trong chăn nuôi.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, việc sử dụng không đúng và quá liều lượng các chất kháng sinh trên người và cả động vật sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, “kỷ nguyên hậu kháng sinh” được ví như những “bóng ma” có khả năng giết chết con người chỉ bằng những bệnh nhiễm trùng thông thường. Theo nhà kinh tế học Jim O’Neill, trưởng nhóm khảo sát Review on Antimicrobial Resistance, cứ đà lạm dụng thuộc kháng sinh trong chăn nuôi như hiện nay thì đến năm 2050, mỗi năm có 10 triệu người tử vong vì nhiễm các loại thuốc kháng sinh từ các loại thịt động vật.
Đan Mạch, Thụy Điển là hai trong những quốc gia tuân thủ nghiêm túc nhất về việc giảm tỷ lệ hay lệnh cấm một số loại thuốc kháng sinh. Liên minh châu Âu cấm sử dụng các chất kích thích tăng trưởng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi từ năm 2006. Hiện tỷ lệ kháng sinh cho phép trong chăn nuôi là 50mg/kg động vật. Con số này tại nước Anh nhích hơn 50mg/kg, tại Mỹ trên 200mg/kg, đảo Síp là 400mg/kg. Jim O’Neill nói, không ít người nông dân lo ngại việc chăn nuôi không sử dụng kháng sinh sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng thực tế, các nước như Đan Mạch, Thụy Điển hoàn toàn có thể giảm tần suất hoặc không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi mà không ảnh hưởng tới doanh thu.
QUỐC HƯNG