Vừa qua, Bệnh viện Nhi Quảng Nam tiếp nhận hai trường hợp trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Nguyên nhân ban đầu được xác nhận là những sản phụ này vượt cạn ở nhà mà không có sự can thiệp của cán bộ y tế.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Thoại - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Quảng Nam, vào giữa tháng 9 bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi sơ sinh trong tình trạng ngưng thở, tím đen toàn thân và rốn bị hoại tử. Các bác sĩ tích cực hồi sức, cấp cứu để cứu được cháu bé. Hiện nay, bệnh nhi đã ổn định tim mạch nhưng vẫn còn đang hôn mê và phải thở máy, vùng rốn vẫn còn tấy đỏ. Theo lời kể của sản phụ Hồ Thị Xiêng (SN 1990, trú tại thôn 1, xã Phước Gia, Hiệp Đức) là mẹ của bệnh nhi, vào khoảng 23 giờ ngày 12.9 chị sinh con thứ 2 tại nhà. Cháu bé được nhà người cắt rốn bằng cây lồ ô và dùng dây rừng để buộc rốn. Chỉ sau 3 ngày, cháu bé bắt đầu bỏ bú, lên cơn co giật và ngưng thở. Gia đình chị Xiêng đã chuyển cháu đến Trung tâm Y tế huyện Hiệp Đức và sau đó được chuyển thẳng đến Bệnh viện Nhi Quảng Nam để cấp cứu. “Sinh đứa trước cũng vậy thôi. Người làng mình cũng thường vậy mà có bị gì đâu. Giờ nghe các bác sĩ nói mới biết như thế là không tốt cho con” - chị Xiêng giải thích. “Đây là ca cấp cứu khá nặng vì bệnh nhi đã bị nhiễm trùng huyết. Tuy nhiên sau nhiều giờ hồi sức tích cực, bước đầu bệnh viện đã cấp cứu thành công cho bệnh nhi ổn định tim mạch. Bệnh viện vẫn đang tiếp tục theo dõi và điều trị” - bác sĩ Nguyễn Đình Thoại thông tin thêm.
Việc sinh con tại nhà mà không có sự can thiệp của cán bộ y tế sẽ tiềm ẩn những rủi ro lớn cho cả mẹ và con. |
“Với lý do đường đi khó khăn, xa trạm y tế nên phần lớn các phụ nữ mang thai ở các huyện vùng sâu vùng xa ngại đi khám thai và đến sinh con tại bệnh viện. Đã có lần chúng tôi chứng kiến cảnh người phụ nữ phải ra bìa rừng sinh con vì những luật tục nặng nề, bất chấp hiểm nguy rình rập. Tập tục của làng không ai dám làm trái. Họ chỉ biết trông chờ vào kinh nghiệm của những người già trong làng. Nếu ra trạm y tế xã sinh, phải đi qua làng người khác, sau này lỡ có chuyện gì thì tội lỗi đều đổ lên đầu họ”. (Chị Vũ Thị Nhâm - y sĩ Trạm Y tế xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn) |
Trước đó không lâu, bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thúy - Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Quảng Nam cho biết, bệnh viện cũng tiếp nhận một trường hợp tương tự khi người mẹ sinh con ở nhà. Bệnh nhi N.H.A.T. (thôn 5, xã Trà Giác, Bắc Trà My) cũng được sinh tại nhà, vào viện cấp cứu khi thân nhiệt đã hạ thấp, suy hô hấp do bị tật hầu họng. Sau gần 2 ngày được hồi sức, bệnh nhi đã tỉnh táo, ăn sữa qua đường thông dạ dày và lên được 250g. “Dù hiện giờ tình trạng của các bé đã dần ổn định, nhưng về sau chắc chắn phải gánh nhiều di chứng về não cũng như thể trạng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sinh hoạt” - bác sĩ Thúy nói.
Mặc dù đã được tuyên truyền, vận động từ đội ngũ y tế thôn bản về việc khám thai định kỳ, chăm sóc sức khỏe sinh sản và đặc biệt là sinh con tại cơ sở y tế nhưng đến nay nhiều chị em phụ nữ ở các huyện núi trên địa bàn tỉnh vẫn còn giữ tập tục vượt cạn tại nhà. Phần lớn họ không lường trước được mọi nguy hiểm tiềm ẩn có thể cướp đi tính mạng của cả mẹ và con bất cứ lúc nào. Bác sĩ Nguyễn Hữu Long - phụ trách Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho biết, hiện nay dù đã có giảm hơn trước nhờ sự tuyên truyền vận động của các cán bộ y tế nhưng tình trạng tự mình vượt cạn vẫn còn rất nhiều ở các vùng núi xa. “Sinh nở không có sự can thiệp của cán bộ y tế rất nguy hiểm bởi họ không có kiến thức về y tế, dễ làm cho bé bị nhiễm trùng, cảm lạnh hay những bệnh dễ mắc khác. Hơn nữa, người dân họ không chú trọng chăm sóc cho trẻ, chỉ khi bệnh nặng mới tìm đến sự can thiệp của y tế thì muộn mất rồi” - bác sĩ Long nói.
Từ hai trường hợp trẻ sơ sinh bị đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng vì sự thiếu hiểu biết về kiến thức sinh sản của người dân vùng cao đã cho thấy rằng việc sinh con tại nhà ở các huyện miền núi cần phải được xóa bỏ triệt để. Có như vậy mới phòng tránh được nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con.
QUỲNH TRÂN - TUỆ LÂM