Nguy hại từ chất thải y tế

TRẦN HỮU 26/12/2012 09:07

Nghị quyết HĐND tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2013 đề ra mục tiêu 75% bệnh viện tuyến tỉnh và huyện có hệ thống xử lý nước thải, chất thải y tế. Điều này không dễ thực hiện nếu không có quyết tâm cao và kế hoạch cụ thể từ các cấp, các ngành.

Chỗ chứa rác thải sơ sài như thế này vẫn còn phổ biến ở các bệnh viện.Ảnh: T.HỮU
Chỗ chứa rác thải sơ sài như thế này vẫn còn phổ biến ở các bệnh viện.Ảnh: T.HỮU

Bất cập

Rác thải y tế là một trong những loại chất thải rắn được xếp vào nhóm nguy hại hàng đầu cho sức khỏe con người, ẩn chứa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhiều năm qua, các bệnh viện (BV), cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai phân loại, thu gom chất thải rắn y tế nhưng khâu xử lý còn rất hạn chế. Thống kê cho thấy, toàn tỉnh có 11/27 BV chưa xây dựng nhà chứa rác (chiếm 40,7%), 16/27 BV đã có nhà chứa chất thải rắn thông thường, nhưng đa số xây tạm bợ bằng tôn, không có cửa chắn hoặc bê tông đã xuống cấp. Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện Phú Ninh, Nông Sơn... còn dẫn thẳng nước thải ra hố thu cuối cùng, hoặc hệ thống thoát nước chung trong khu vực. Riêng TTYT huyện Quế Sơn, nước thải phóng xạ phát sinh không qua một hình thức xử lý nào mà vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường đất.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6/27 bệnh viện chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. BV Đa khoa Quảng Nam và BV Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam dù đã trang bị hệ thống xử lý nước thải nhưng đã xuống cấp nặng do quá tải. Đáng lo ngại ở các địa phương miền núi là nước thải sau xử lý hoặc không qua xử lý đều cho thấm vào lòng đất; chất thải rắn đốt thủ công sau đó chôn lấp tại chỗ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống. Theo đánh giá của Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường), qua kiểm tra, quan trắc hệ thống xử lý chất thải rắn nguy hại, nước thải ở các BV, cơ sở y tế đều chưa đạt chuẩn theo quy định. Ở các địa phương miền núi do xử lý thô sơ, thủ công rác thải rắn nên khó kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường.

Ô nhiễm sông, hồ

Cần sớm thực hiện đề án xử lý chất thải y tế nguy hại


Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường, để khắc phục những yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường, các cơ sở y tế, BV cần sớm hoàn chỉnh và triển khai thực hiện đề án xử lý chất thải y tế nguy hại, có kế hoạch mua sắm và cung ứng đầy đủ các thiết  bị thu gom, phân loại, bảo quản chất thải y tế  đúng quy định. “Các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm túc Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30.11.2007 của Bộ Y tế, nhất là thực hiện nghiêm việc đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế và xử lý nước thải một cách triệt để, tránh gây ô nhiễm môi trường” - ông Dũng nói.

Tình trạng các cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề được dư luận và cử tri trong tỉnh quan tâm trong thời gian qua. Cử tri các phường An Xuân, An Mỹ (Tam Kỳ) luôn bức xúc về mùi hôi thối bốc lên từ các hồ điều hòa sinh thái Nguyễn Du, Duy Tân. Đây là những “túi đựng” nước thải xả ra từ các BV Đa khoa Quảng Nam, BV  Y học cổ truyền, TTYT TP.Tam Kỳ. Hồ điều hòa Nguyễn Du là nơi tiếp nhận nhiều nguồn nước thải khác nhau như nước sinh hoạt, dịch vụ, nước thải bệnh viện. Chất lượng nguồn nước gần đây có dấu hiệu bị ô nhiễm. Theo Sở Tài nguyên - môi trường, lượng nước thải từ  BV Đa khoa Quảng Nam và Y học cổ truyền thải ra tương đối lớn (khoảng 235m3/ngày), trong khi nước thải đổ trực tiếp ra hồ có nhiều chỉ tiêu chưa đảm bảo. Nước thải từ BV Y học cổ truyền chưa được xử lý (BV này chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung) trước khi đổ ra hồ.

Trong khi đó, quan trắc mẫu nước lấy tại hồ điều hòa Duy Tân vào tháng 5.2012, do Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường Quảng Nam thực hiện cho kết quả, tại thời điểm lập báo cáo, nước thải từ TTYT TP.Tam Kỳ chưa qua xử lý và đổ thẳng vào cống thoát nước. Phân tích các chỉ tiêu ô nhiễm cho thấy có nhiều chỉ tiêu TSS, BOD5, COD, Amoni vượt quy chuẩn rất nhiều lần. Điều này góp phần làm ô nhiễm nghiêm trọng nước hồ Duy Tân.

Tương tự, các dòng sông cũng trở thành “bể chứa” rác thải y tế độc hại. Sông Bàn Thạch trước đây là nơi đa dạng nguồn lợi thủy sản nhưng môi trường đang bị đe dọa. Con sông này ngoài tiếp nhận nước mưa, nước thải sinh hoạt từ cống thoát nước trên đường Nguyễn Văn Trỗi, còn phải hứng nước thải khoảng 40m3/ngày đêm từ hai BV Tâm thần và BV Lao phổi Phạm Ngọc Thạch (đóng tại phường An Phú, TP. Tam Kỳ). Đáng báo động nhất là sông Bến Ván, ngoài nước thải từ Khu công nghiệp Tam Hiệp, Khu công nghiệp hậu cần cảng Tam Hiệp đổ ra còn tiếp nhận nước thải khoảng 115m3/ngày từ BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Sông Bến Ván nằm gần cửa biển An Hòa, người dân tận dụng nguồn nước để nuôi trồng thủy sản nên chất lượng nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân trong khu vực. Theo ngành chức năng, hiện toàn tỉnh có 7 BV, cơ cở y tế đổ nước thải có nguồn tiếp nhận cuối cùng là sông. Nguy hiểm là một số cơ sở nước thải đã xử lý nhưng không đảm bảo, hoặc lén lút xả thẳng ra sông, gây ô nhiễm nặng nguồn nước.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguy hại từ chất thải y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO