Hiện nay, bóng bay được bày bán khá phổ biến ở các điểm vui chơi công cộng, trường học và nhiều người lớn mua về cho trẻ con chơi hoặc dùng trang trí trong các buổi tiệc, lễ hội. Đáng lo, bóng bay có thể gây ra tai nạn cho người sử dụng.
Mới đây nhất, vào ngày 19/12/2023 xảy ra vụ nổ bóng bay khiến bé T.T.S. (4 tuổi, xã Ninh Phước, Nông Sơn) bị bỏng 9% ở vùng mặt, cổ và đầu. Nhờ sự can thiệp kịp thời của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam nên tình trạng sức khỏe của bệnh nhi tiến triển tốt sau 4 ngày điều trị. Đây không phải là vụ nổ bóng bay gây bỏng người đầu tiên mà trước đó đã xảy ra ở nhiều tỉnh thành khác.
Theo các chuyên gia, nguyên lý để quả bóng bay được trong không khí là bởi nó được bơm vào bên trong một loại khí nhẹ hơn khí oxy. Hiện nay, trên thị trường có hai loại khí công nghiệp được sử dụng để bơm bóng bay là khí heli và khí hydro.
Khí hydro là loại khí dễ cháy nổ, chỉ cần tiếp xúc gần nguồn lửa như tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, nến đang cháy cũng khiến nó phát nổ và tỏa nhiệt rất mạnh. Bởi khí hydro có cấu trúc phân tử rất bé, có thể dễ dàng thẩm thấu cực nhanh qua màng bóng bay, chỉ cần tiếp xúc với bóng đèn, hay gặp không khí nóng, khi đi ngoài trời nắng là có thể đủ điều kiện kích hoạt phản ứng, khiến một trái bóng có thể nổ tung.
Thông thường khoảng cách cầm bóng rất gần với tay và mặt, vì vậy khi nổ sẽ rất nguy hiểm, có thể gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt, bỏng tay. Các chuyên gia khuyến cáo cần thận trọng khi sử dụng loại bóng bơm khí hydro để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Cũng theo các chuyên gia, do có nguy cơ cháy nổ lớn nên hydro bị nhiều quốc gia phát triển cấm bơm vào bóng bay. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa ban hành lệnh cấm bơm hydro vào bóng bay, và giá khí hydro chỉ bằng 1/4 giá khí heli, nên một số người bán vẫn bơm hydro vào quả bóng. Từ năm 2019, Bộ GD-ĐT đã khuyến khích ngày khai trường không có bóng bay.
Hiện nay, loại bóng bay này được bày bán công khai tại các điểm vui chơi như quảng trường, công viên, khu công cộng. Nhiều phụ huynh thường mua bóng bay cho con để làm đồ chơi và người lớn mua về trang trí tại các sự kiện lễ hội, buổi tiệc khai giảng năm học mới…
Việc mua và sử dụng tùy tiện bóng bay có chứa khí hydro có thể phát nổ khi gặp điều kiện thuận lợi là điều khó tránh khỏi. Cạnh đó, bóng bay trang trí khá bắt mắt, được làm từ chất tạo màu và có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng cũng khá nguy hiểm đối với trẻ em khi tiếp xúc trực tiếp.