Kể về hành trình viết cho trẻ nhỏ, nhà văn Nguyễn Bá Hòa bảo, mình không hề mất đi thứ gì, mà ngược lại lãi rất nhiều niềm vui. “Tôi không cố ép mình theo thời thế, bởi được làm chính mình là hạnh phúc” - ông nói.
Trong 10 đầu sách đã xuất bản, Nguyễn Bá Hòa có đến 5 truyện dài viết cho thiếu nhi: “Vạn dế than” (NXB Hội nhà văn 2015), “Mõm đen ngày trở về” (NXB Kim Đồng - 2018), “Bình minh trên sông Hoài” (NXB Kim Đồng - 2019), “Hân cổ tích” (NXB Hội nhà văn - 2021), “Người dưng thương nhau” (NXB Kim Đồng - 2021) và tập thơ sắp ấn hành “Tiếng chim vui”. Hiếm có nhà văn xứ Quảng nào viết cho thiếu nhi được NXB Kim Đồng chọn in nhiều như Nguyễn Bá Hòa.
Chất Quảng đậm đặc trang viết
Trước đây, Nguyễn Bá Hòa đã có nhiều tác phẩm được ấn hành nhưng phải đến khi nghỉ hưu, ông mới có thời gian suy nghiệm về chặng đường viết lách của mình.
Ông bảo, hình ảnh trẻ con đứa nằm đứa ngồi trong siêu thị sách say sưa đọc cứ ám ảnh. Là một nhà giáo, hơn ai hết ông biết trong thư viện trường học truyện tranh nước ngoài nhiều hơn truyện của tác giả Việt. Những trăn trở ấy là cơ duyên để ông theo đuổi các nhân vật dành cho trẻ nhỏ.
- "Trong mỗi người đều có tình yêu đối với trẻ con, nhưng cất lên được tiếng nói ấy cần niềm đam mê. Ai cũng từng trải qua thời thơ ấu, vậy tại sao mình không chịu lắng nghe, yêu thương thế giới ấy. “Vạn dế than” là tác phẩm thiếu nhi đầu tay và được đón nhận, là động lực để tôi tiếp tục theo đuổi điều mình đã chọn" - Nguyễn Bá Hòa bộc bạch.
* Những ám ảnh về quê xứ chừng như cứ bàng bạc trong tác phẩm của ông?
- “Bình minh trên sông Hoài” ghi dấu nhiều kỷ niệm tuổi thơ tôi. Lúc nhỏ gia đình nghèo khó phải gửi tôi về quê ngoại Hội An sống. Từng con đường, dòng sông mặc nhiên uốn lượn quanh ký ức. Trước khi khởi bút viết “Bình minh trên sông Hoài”, tôi chạy xe một mạch ra phố Hội, ở lại hai đêm để tìm lại những cũ xưa.
Tấc lòng ấy đã được tôi gửi gắm qua nhân vật Tuyết và Sơn: “Con Tuyết chẳng nghe các bạn tranh luận, mắt cứ đăm đăm hướng về phía xa xăm nào đó. Nơi đó, có thể là đại dương mênh mông?
Nơi cha mẹ của Sơn đã đi tìm kiếm cái ăn cái mặc cho Sơn và không bao giờ trở về! Cũng có thể là một làng chài nghèo khó trăm thương nghìn nhớ? Nơi Sơn sinh ra nhưng chưa hề biết đất đai ngọt mặn thế nào, nơi hai bà cháu Sơn bắt đầu một chuyến đi”.
Sau này, trong “Người dưng thương nhau”, Tam Kỳ nơi tôi sống được khắc họa đậm nét: “Sưa được trồng nhiều ở vùng quê Quảng Nam. Riêng Tam kỳ, nơi mẹ con Hùng sống, sưa được trồng khắp phố phường. Mùa hoa sưa nở, thành phố nhỏ phủ kín sắc vàng, đẹp ơi là đẹp!”.
* Vì trăm thương nghìn nhớ, nên chăng dễ dàng tìm thấy phương ngữ Quảng Nam trong các truyện thiếu nhi của anh?
- Đúng vậy, những từ “mô, tê, răng, rứa” rất nhiều, đến nỗi NXB Kim Đồng có nhắn với tôi tiết chế bớt từ địa phương để phù hợp với bạn đọc cả nước. Tôi gắng tìm đọc phản hồi của bạn đọc, cũng có ý kiến rằng họ vẫn hiểu và thú vị với các từ đặc biệt ấy. Viết về trẻ con xứ Quảng, chẳng có lý do gì lại thiếu “mô, tê, răng, rứa”.
Viết cho trẻ trước hết phải có tính giáo dục
Nhà văn Nguyễn Bá Hòa say sưa kể về từng nhân vật của thế giới thiếu nhi mà ông sáng tạo. Khi được hỏi tác phẩm thiếu nhi nào tâm đắc nhất, ông cười hiền, thật ra các em thích thú với tác phẩm nào của mình mới là điều quan trọng. Bởi viết cho trẻ con mà đọc y như ông già thì thua.
Dẫu vậy, ông vẫn nói nhiều về “Hân cổ tích”. Tuyến nhân vật chính gồm cả con người và con vật là chim chóc. Đôi khi, có những điều phải gởi gắm thông qua tưởng tượng, mượn lời muông thú để thông điệp về bảo vệ môi trường dễ dàng đi vào tâm hồn các em.
- "Trong các tác phẩm viết cho thiếu nhi của tôi, phải có một thông điệp giáo dục nhẹ để các em tiếp cận. Làm sao để các em đọc vui vẻ là điều tôi hướng đến" - nhà văn bày tỏ.
Và vì lẽ ấy, nên những câu chuyện giáo dục nho nhỏ ẩn mình trong khắp các truyện thiếu nhi của Nguyễn Bá Hòa. Với “Người dưng thương nhau”, tác giả lồng ghép bài thơ ngắn về tình yêu gia đình, khi nhân vật Hoàng ngân nga: “Yêu cây khế ngọt cuối vườn/ Yêu giàn hoa lý đưa hương trước nhà/ Yêu cha yêu mẹ ông bà/ Với em bé tí cũng là yêu thôi”. Thật giản dị mà sâu sắc.
* Vậy giữa thơ thiếu nhi và truyện thiếu nhi, địa hạt nào làm khó ông hơn?
- Với tôi, làm thơ cho thiếu nhi khó hơn truyện. Trước đây, tôi từng có bài thơ viết cho thiếu nhi được giải thưởng nhưng sau này đọc lại vẫn thấy chưa thoát được một - người - lớn làm thơ trẻ nhỏ. Trải qua một chặng dài dành tâm huyết cho văn chương thiếu nhi, bây giờ cảm xúc đến rất tự nhiên, vì vậy những tứ thơ, câu chuyện không còn gò ép, khiên cưỡng.
Càng có tuổi, tôi nhận ra thời điểm này các em rất cần sách, nhất là sách có thông điệp giáo dục để đọc. Vì vậy, tôi muốn đóng góp một chút gì đó, để cùng các em lớn lên, hồn nhiên, nhân hậu như các nhân vật mình gửi gắm.
Cần bà đỡ cho văn học thiếu nhi
Tại sao ngày càng hiếm người viết cho thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Bá Hòa cho rằng, ngoài việc không đủ đam mê, tình cảm dành cho các em, thì hiện nay thiếu kênh đăng tải các tác phẩm này. Đối với cấp tỉnh, trước hết là Sở GD-ĐT có thể phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh ra mắt tập san trong hệ thống nhà trường, để đăng tải các sáng tác của thiếu nhi và dành cho thiếu nhi.
- Phải mạnh dạn đề xuất để có được kênh dành cho văn chương thiếu nhi, kích thích sự sáng tạo trong lĩnh vực vốn rất kén người viết. Tôi may mắn khi 3 lần được nhận hỗ trợ văn nghệ sĩ phổ biến tác phẩm từ UBND tỉnh. Với các đầu sách này, tôi đã tặng Phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ 300 cuốn “Hân cổ tích” và 200 cuốn “Bình minh trên sông Hoài”. Riêng với tập thơ sắp ấn hành “Tiếng chim vui”, dự kiến sẽ tặng Phòng GD-ĐT Quế Sơn 300 cuốn. Món quà nhỏ ấy những mong sẽ đến được thư viện các trường, để các em có thêm niềm vui.
Có bà đỡ về vấn đề xuất bản, tôi thêm động lực để viết. Không niềm vui nào hơn khi tác phẩm mình viết ra được nhà xuất bản uy tín về sách thiếu nhi đón nhận và hạnh phúc hơn được bạn đọc nhỏ yêu mến. Phải nói rằng, dù nghề viết không thể nuôi sống mình, nhưng nếu không viết cho thiếu nhi, ắt hẳn tôi không thể cúi xuống tuổi thơ của mình lần nữa, để chắt lọc và hóa thân thành câu chuyện với một đời sống mới ý nghĩa.
* Có những được mất nào khi ông dành tâm huyết trong ngòi bút của mình cho thiếu nhi?
- Không hề mất gì mà ngược lại được rất nhiều. Tôi từng xuất bản một số tác phẩm dành cho người lớn với những khen chê, mặc định chất văn hiền quá không đủ gai góc để bạn đọc khắc sâu nhớ lâu. Ở thế giới thiếu nhi, tôi thỏa sức được là mình một cách tự nhiên nhất.
Với lợi thế vừa có thể viết truyện và làm thơ về thiếu nhi, những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bá Hòa luôn được NXB Kim Đồng đón nhận. Rõ nét nhất trong tác phẩm “Người dưng thương nhau”, nhiều bài thơ lồng ghép xuyên suốt câu chuyện một cách hợp lý, tạo nên điểm nhấn thú vị và đầy sức hút.
Kể về câu chuyện thân phận của một đứa trẻ là con nuôi, bài thơ “Chú vịt mồ côi” ở chương 7 đã hàm chứa thông điệp xúc động: “Mẹ gà nuôi một đàn con/ Hơn muời đứa nhỏ xinh tròn như nhau/ Chỉ một đứa hơi khác màu/ Dáng đi lạch bạch theo sau nhặt mồi/ Thì ra chú vịt mồ côi/ Mẹ gà tốt bụng thương rồi nuôi luôn”.
Và như thế, bút lực của Nguyễn Bá Hòa trước hết đã trở thành bà đỡ cho chính tác phẩm của mình.