Ra Hà Nội dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX - 2015, nhà văn Nguyễn Bá Thâm và tôi được bố trí ở chung phòng 121 khách sạn La Thành. Tôi cười bảo với ông: “Đây là cơ hội trời cho. Em sẽ hành anh để lấy tư liệu viết một cái gì đấy về anh”. Ông cũng cười: “Được thôi! Già rồi, tao ít ngủ, đêm nằm cứ thao thức mãi. Mày với tao vừa khề khà uống trà, vừa trò chuyện cho đỡ buồn. Mà này, mày viết bài đăng báo, nhận nhuận bút nhớ khao tao một chầu”. Tôi phẩy tay: “Chuyện nhỏ! Anh đâu có uống được nhiều như ngày xưa? Chưa hết hai ve đã lắc đầu quầy quậy”. “Bây giờ hưu rồi, thỉnh thoảng tao thích ra quán xá ngồi tụ bạ với bạn bè cốt vui là chính!” - ông cười thật thà.
Chân dung nhà văn Nguyễn Bá Thâm. |
Dấu ấn đời văn
Năm 1971, học xong lớp viết văn cấp tốc phục vụ chiến trường, Nguyễn Bá Thâm lên đường vào Nam, công tác tại Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ cùng với các anh Vương Linh, Cao Duy Thảo, Nguyễn Khắc Phục, Bùi Minh Quốc, Trần Vũ Mai, Thanh Quế… Ông kể, lúc bấy giờ đang là giai đoạn khó khăn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sống ở vùng rừng núi Trà My, chỉ sốt rét rừng và đói ăn là thừa thãi, còn lại mọi thứ đều thiếu thốn. Nhiều lần đói rã họng, ông và bao bạn bè văn nghệ phải chặt cây dương xỉ lấy đoạn thân non mềm nạo ra đem luộc ăn. Hẳn nhiên, “món đặc sản” đó đánh lừa cảm giác đói mà thôi, bởi lúc nào bụng cũng sôi òng ọc. Để tồn tại, bắt buộc ai cũng phải sản xuất. Nguyễn Bá Thâm có sức khỏe, lại quen với nghề nông, ông miệt mài lao động bù cho những anh em đau ốm triền miên. Da dẻ đen nhẻm. Tóc dài chấm vai. Lại ở trần đóng khố. Có lần cán bộ cơ quan đơn vị khác cùng ở chiến khu thấy ông mang gùi sắn cứ ngỡ người dân tộc, lôi nhúm muối ra nằn nì xin đổi. Ông bảo: “Đói quá thì bốc lấy mấy củ đem về luộc ăn, đổi chác gì!”. Lúc đó họ mới té ngửa ra ông là “con Kinh” thứ thiệt!
Nguyễn Bá Thâm quê ở thị xã Cửa Lò - Nghệ An. Vào chiến trường khu 5, sống và công tác tại căn cứ Trà My tháng 5.1971 và trở thành “người con của núi rừng” từ đấy. Gắn bó với Quảng Nam và ông xem Quảng Nam là quê hương thứ hai của mình. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả của hai tập ký: Đất của máu và lửa, Đi dọc đường biên. |
Đi và viết là điều mà Nguyễn Bá Thâm cũng như anh em cơ quan Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ luôn khát khao ao ước, cuối cùng cũng được cấp trên giải quyết. Nguyễn Bá Thâm đi công tác dài ngày ở vùng tây bắc Quảng Nam. Chuyến đi này, ông viết được một bài thơ và hai bút ký. Đó là bài thơ Ngôi nhà của Bác mà bà con Cơ Tu ở La Dêê dựng lên thờ khi Bác mất; bút ký Gió chuyển mùa viết về trận đánh Thượng Đức và bút ký Làng đầu nguồn phản ánh về trận đánh đồn Bốt Xít ở Chà Vàl của bộ đội chủ lực tỉnh. Trong ba tác phẩm viết trong chuyến đi thực tế dài ngày, Nguyễn Bá Thâm cho biết, bút ký Làng đầu nguồn được anh em trong cơ quan Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ đánh giá cao hơn cả. Đó không chỉ là bút ký văn học đầu tiên viết về đơn vị H59 - lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh xung trận và giành chiến thắng vang dội, mà còn phản ánh về mối tình quân dân trong quá trình trinh sát điều nghiên, lên sa bàn tác chiến. Qua những sáng tác trình làng, Nguyễn Bá Thâm nhận thấy mình có duyên với văn hơn với thơ nên ông ngả hẳn sang văn với “thể loại văn học xung kích” (chữ dùng của nhà văn Tô Hoài): Bút ký. Từ đó, cái tên Nguyễn Bá Thâm được mọi người biết đến.
Chiến tranh kết thúc. Nguyễn Bá Thâm công tác ở Ty Văn hóa - thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng, sau chuyển sang Hội Văn học - nghệ thuật (VHNT) Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông vẫn thường xuyên đi về các vùng nông thôn, các vùng chiến khu xưa để tìm hiểu cuộc sống người dân ở những nơi ấy có gì đổi thay. Bút ký Thao thức Ngọc Linh ông viết năm 1989, đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương và được Đài Tiếng nói Việt Nam phát trong chương trình Đọc truyện đêm khuya, gây tiếng vang lớn. Đọc bút ký Thao thức Ngọc Linh, tôi nhớ mãi hình ảnh ông già dân tộc gùi cả một gùi quế thanh đem ra cửa hàng bách hóa Nước Xa bán được một gùi tiền toàn tờ 200 đồng và 500 đồng. Không biết làm gì với gùi tiền đó, ông già uống rượu say, ôm mặt khóc vì tiếc cả vườn quế đã hóa thành mấy chục bó tiền lẻ nhàu nhĩ… Năm 1992, sau chuyến đi thực tế dọc biên giới Việt - Lào với ông Hồ Văn Điều - Trưởng ban Dân tộc miền núi Quảng Nam - Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội khóa IX, Nguyễn Bá Thâm viết bút ký Đi dọc đường biên. Thiên bút ký này gây xôn xao dư luận cả nước. Và rồi ba năm sau - 1995, Chương trình 135 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ra đời. Đấy là chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nguyễn Bá Thâm cười bảo với tôi: “Đó là dấu ấn đời văn của mình”.
Bước chân không mỏi
Năm 1997, Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Lúc bấy giờ các cơ quan, đơn vị, đoàn thể nào cũng chia đôi, trừ Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng. Nguyễn Bá Thâm vào Quảng Nam để cùng với anh Hồ Duy Lệ tập hợp anh em văn nghệ xứ Quảng để thành lập Hội VHNT tỉnh. Cuối năm 1998, Hội VHNT tỉnh tổ chức đại hội. Nguyễn Bá Thâm được bầu làm Phó Chủ tịch Hội kiêm Phó Tổng biên tập Tạp chí Đất Quảng. Mãi sau này ông mới lên chức Tổng biên tập đâu chừng một năm rồi nghỉ hưu. Người ta bảo “cấp phó có cũng như không” song với Nguyễn Bá Thâm không hẳn như thế! Anh Hồ Duy Lệ tuy làm Chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập Tạp chí Đất Quảng nhưng mải lo cho tờ báo Quảng Nam (vì làm Tổng biên tập tờ báo) nên mọi việc đều giao phó cho Nguyễn Bá Thâm lo liệu. Làm anh nhà văn thì phải sáng tác nhưng vì gánh vác trọng trách được giao, ông đành gác những dự định của mình, dành thời gian lo cho anh em. Nhờ vậy, từ chỗ chỉ có vỏn vẹn 48 hội viên đến khi ông nghỉ hưu, Hội VHNT tỉnh có hơn 150 hội viên thuộc 8 chuyên ngành.
Nhà văn Nguyễn Bá Thâm trò chuyện với ông Hồ Văn Điều. Ảnh: LÂM BÌNH THÁI |
Lãnh đạo Hội VHNT tỉnh hơn 10 năm, Nguyễn Bá Thâm đã làm được rất nhiều việc cho anh em văn nghệ, nhất là thiết kế những chuyến đi thực tế sáng tác ở trong và ngoài tỉnh. Với kinh nghiệm của một đàn anh, ông tổ chức cho anh em đi theo nhóm 10 - 15 người ở các chi hội văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật… đến các huyện miền núi Quảng Nam như Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang. Hết nhóm này đến nhóm khác. Mỗi chuyến đi kéo dài cả tuần được ông chuẩn bị chu đáo thuốc men, lương thực thực phẩm phòng khi ốm đau hoặc nhỡ độ đường. Ông cũng không quên mua quà cáp tặng bà con dân tộc ở các bản làng có hoàn cảnh khó khăn. Đều đặn vài năm ông lại tổ chức cho anh em đi thực tế ngoài tỉnh, đến Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hòa Bình… rồi xuôi nam về với các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Qua những chuyến đi như vậy, anh em văn nghệ Quảng Nam không những có điều kiện giao lưu với bạn bè văn nghệ ngoài tỉnh, mà còn sáng tác được những tản văn, những bài thơ, những bức ảnh ưng ý. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Hà mỗi lần gặp tôi lại nhắc về những chuyến đi do Nguyễn Bá Thâm làm “chủ xị”. Bởi anh và nhiều đồng nghiệp cùng “săn ảnh” luôn “gặt hái được những mùa vàng bội thu”.
Nguyễn Bá Thâm luôn đặt công việc lên hàng đầu. Bao bận đăng cai triển lãm mỹ thuật, ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên tại Quảng Nam, nhiều khoản lặt vặt như mua dây nhợ treo băng rôn khẩu hiệu, mua đinh ốc treo tranh ảnh… ông móc tiền túi ra chi, lấy hóa đơn về thanh toán sau. Khổ nỗi, Hội VHNT tỉnh “tiền lúc nào cũng thiếu”, không trả cho ông được. Hôm ông dọn đồ đạc, bàn giao công việc cho người kế nhiệm, tình cờ tôi đến chơi, thấy một chiếc phong bì to dày, tò mò cầm lên xem. Đó là mớ hóa đơn mà Hội VHNT không thanh toán được, ông gom lại đem về nhà cất làm kỷ niệm. Tôi viết một bài báo ngắn đăng trên báo Tiền Phong, sau đó Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam đăng lại với tựa đề: Nhà văn Nguyễn Bá Thâm “viêm màng túi”. Nhắc lại chuyện này, ông bảo với tôi: “Bài báo của mày đã đến tay ông Nguyễn Đức Hải - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khi đó. Ổng mời tao đến cơ quan Tỉnh ủy trò chuyện và cho tao 10 triệu đồng”. “Chuyện như vậy, sao anh không nói?”. “Nói làm chi? Lỡ mày bắt tao dẫn đi nhậu thì lại “viêm màng túi” lần nữa à?”. Ông cười. Và tôi cũng cười.
NGUYỄN TAM MỸ