Ở các vạn chài trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), trước khi ra khơi đánh bắt, ngư dân đều thông qua các cụ già gửi lời nguyện cầu mưa thuận gió hòa về chuyến bám biển Hoàng Sa.
Vào mùa biển, ngày nào ở dinh bà Thiên Y A Na cũng vang lên tiếng cầu nguyện, gọi tên thuyền trưởng, đọc từng số tàu, nhắc tên của những hòn đảo ở Hoàng Sa như Bạch Quy, Đá Lồi, Bom Bay, Phú Lâm… Các cụ già đọc sớ bằng giọng hơi run run, kéo dài, phải lắng nghe thì mới hiểu nội dung lời nguyện cầu đó là mong chuyến hành trình của con tàu được thuận lợi.
Ông Ngô Vân (70 tuổi), là người có vẻ bận rộn so với các đồng nghiệp khác bởi theo lời dí dỏm của ông là “tôi cúng thì bà con đi đánh cá gặp hên”.
Hôm gặp chúng tôi ở dinh bà Thiên Y A Na, ông Vân chỉ trả lời vắn tắt rồi lại hối hả chạy xe máy đến các miếu khác để gửi lời nguyện cầu cho nhiều tàu cá ở xã An Vĩnh ra khơi. Sau này gặp lại và có nhiều thời gian hơn, ông mới chia sẻ về việc mình làm chủ bái đã hơn 10 năm trời. Hiện nay ông thường xuyên đọc sớ cho 30 tàu đi Hoàng Sa và 40 chiếc tàu làm nghề đánh lưới rút. Qua lễ nghi cúng bái, tôi chú ý nhất là cụm từ được ông nhắc đi nhắc lại 3 lần, đó là “tôi giúp các thuyền ghe ra khơi để bám biển, giữ vùng biển biên cương của Tổ quốc, cúng cho các tàu đi đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa, trình báo trước với ông bà rồi mới xuất trạm biên phòng chạy đi làm”.
Ông Vân thổ lộ rằng, con cháu ra đảo cũng cần lắm sự phù hộ của ông bà ngày xưa đi giữ đảo rồi mất tích ngoài đó. Sự gửi gắm này cũng giúp cho vợ con các thuyền trưởng và ngư dân yên lòng.
Đảo Lý Sơn có nhiều đình, miếu là nơi các ngư dân nhờ các lão ngư đứng ra kính, cáo với ông bà về chuyến xuất hành đi Hoàng Sa, Trường Sa. Trong số đó thì dinh bà Thiên Y A Na được người dân tin là nơi linh thiêng nhất, nơi có thể gửi gắm lời nguyện cầu của họ về chuyến biển đến ông bà, tiên linh. Dinh bà Thiên Y A Na nằm khuất sâu trong một con đường nhỏ, cách xa khu dân cư. Trước dinh là một con lân bằng đá màu đen mốc. “Đừng sờ vào con lân” là lời nhắc cho những ai lần đầu tiên đến dinh bà Thiên Y A Na.
Vì sao lại sợ con lân bằng đá? Các cụ giải thích rằng, thời trước người dân làng vớt được cùng một lúc 2 con lân, một con trống và một con mái. Con mái đưa về chùa Vĩnh Ân còn con đực đưa xuống dinh bà. Sau khi đặt con lân ở dinh thì nó bắt đầu hiển linh và ai chạm tay vào thì về nhà sẽ bị phù nề, sưng nhức khắp người.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, người gác dinh bà dẫn chứng cụ thể với giọng có vẻ nghiêm trang: “Hồi trước ông Nguyễn Khả lấy tay bốc vô mông con lân, về nhà bị đau nên phải cúng heo; anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Đông, xã An Hải đã quá chén và mửa vào người ông lân, sau đó bị tai nạn cụt 2 tay rồi chết…”.
Những câu chuyện không rõ thực hư khiến cho dinh bà Thiên Y A Na càng thêm huyền bí. Ngư dân xem đây là chốn linh thiêng, là nơi gửi gắm niềm tin tâm linh trước những chuyến biển ở Hoàng Sa...