Nguyên Chủ tịch ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Phạm Thị Minh Chiến: Góp chút sức, cho ngày mới nắng lên

PHAN HOÀNG 21/05/2016 09:06

Tôi cứ băn khoăn khi bắt đầu câu chuyện với chị. Không hẳn bởi chị từng một thời là “người đàn bà quan chức”… Tôi gọi đến chị, một cuộc hẹn sau gần 10 năm không gặp, mặc dù cả hai chỉ loanh quanh ở thành phố nhỏ như lòng bàn tay con trẻ này.

1. Thỉnh thoảng, vì yêu cầu từ công việc, tôi tạt qua thông tin về chị, biết chị ở đó, bình an và hạnh phúc vì mỗi năm có hàng trăm suất học bổng của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, qua nhịp cầu của chị và cộng sự, đã đến với hàng trăm học sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn. Chuyện khuyến học, trừ các công việc hành chính linh tinh lang tang; chỉ riêng việc kêu gọi tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ cho học sinh sinh viên, thì đến lúc chị làm, tôi phải thán phục.

Tuổi trên 65  - đã ở ngưỡng tai nghe chuyện gì cũng thuận (lục thập nhi nhĩ thuận), chị Phạm Thị Minh Chiến vẫn giữ được nụ cười ấm áp. Vẫn cách nói chuyện điềm đạm. Ngoại trừ một nửa chân tóc đã chuyển màu bạc thì thời gian như ngừng lại cho người đàn bà này - dung nhan ở tuổi ngoài năm mươi.

Chị Phạm Thị Minh Chiến.
Chị Phạm Thị Minh Chiến.

Ở tuổi ấy, người ta dễ mở đầu mỗi câu chuyện bằng… ngày xưa, nhưng suốt buổi trò chuyện với chị, tôi chẳng gặp mô tip thường thấy như người khác, rằng mình hồi đó làm thế này thế nọ, mình đã lập công trạng thế nọ thế kia. Khi tôi lái chuyện, để chị kể về ngày xưa, thời chị được người đời đặt để bằng cái tên người đàn bà của chính trường, chủ tịch mặt trận tỉnh; thì sẽ có một cú rẽ rất ngọt khi chị dẫn quay về với à này anh nọ anh kia ở báo bây giờ còn làm không, đã phát triển tới đâu rồi... Y như chị cách đây mươi năm. Cách dẫn chuyện, cách truyền đạt với cấp dưới luôn khiến người đối diện cởi mở, và họ trải lòng với chị, từ ngóc ngách thẳm sâu. Như cái cách chị đi xuống cơ sở, xuống từng khu dân cư tổ đoàn kết, mà đi như con thoi. Không bao giờ dừng lại ở những cuộc làm việc hay kiểm tra trên giấy và trong phòng họp của cán bộ xã, huyện. Guồng máy làm việc thời đó cứ ầm ầm và đầy màu sắc, đầy năng lượng như vậy.

2. Lướt qua đầu tôi, đoạn phim ngắn. Người đàn ông gầy nhom, mặc bộ quần áo cũ nhàu, cuộn trong bọc ni lon một mớ giấy tờ đủ loại. Ông thập thò ở cổng trụ sở ủy ban mặt trận tỉnh, nói với nhân viên văn phòng, con tui bịnh nặng lắm, không có tiền uống thuốc, vợ chết mấy năm trước do tai nạn giao thông, ở nhà không còn chi để bán. Tui hết chỗ gõ cửa rồi. Chị nghe, đọc mớ giấy tờ ông đem theo và yêu cầu linh hoạt nguồn giải quyết ngay 1 suất hỗ trợ. Không nhiều nhưng đủ an lòng người cha khốn khó.

Lại nhảy vào cảnh khác, đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử về, chị tranh thủ đò sang xóm mồ côi giữa lòng hồ Phú Ninh, xóm thuộc Tam Lãnh. Rồi lội bộ qua quãng đồng để thắp hương cho một đồng đội mà hôm ông ấy mất, chị bận công cán, không kịp về tiễn đưa. Đò chòng chành. Ký ức về những ngày chị “nằm vùng” cùng đồng đội cũng chòng chành theo nhịp chèo khua nước.

Lại lướt qua đoạn phim của ngày lễ Phật đản. Hình như bao giờ cũng vậy, khi chị ngồi với quý sư - thầy, cả chủ lẫn khách đều cho tôi cảm giác ấm áp, chân thành.

Lại một cảnh mới, chị cùng các vị ở  ủy ban trung ương mặt trận đi trao nhà đại đoàn kết ở các huyện, thành trong tỉnh. Dấu ấn nhà đại đoàn kết từng một thời gian dài làm nổi bật vai trò của mặt trận các cấp. Và chị, trong cách triển khai thực hiện, luôn tâm huyết và lấy quyền lợi của người dân nghèo đặt để đầu tiên.

Cứ chuyện nọ xọ chuyện kia. Chị cười, tôi nhớ làm chi dữ, mệt đầu.

3. Tôi kéo chị về với mối quan tâm liên quan đến các vấn đề thời sự của tỉnh, những xôn xao của dư luận trên các báo gần đây. Chị rằng thôi, chừ nói không khéo người ta sẽ cho mình… nói vống. Về hưu rồi, nói chi phiền lòng người khác mà lại không giải quyết được chuyện gì. Cũng có chỗ này chỗ nọ bất cập nhưng nói chung các anh đang làm rất tốt mà.

Lòng dân như thác lũ. Thời đại thông tin chạy như tên lửa, mạng xã hội ầm ầm… người làm công tác mặt trận, người đại biểu của dân càng khó khăn hơn trong việc tuyên truyền vận động, trong việc tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của dân và phản ánh điều đó với chính quyền, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho dân. Khi lòng dân đồng thuận thì việc gì cũng thành công. Chị bảo mình chia sẻ những điều đó với vị chủ tịch mặt trận tỉnh khi người đó vừa nhậm chức, đến thăm chị. Người cán bộ luôn tranh thủ mọi cơ hội để lắng nghe dân, thì sẽ làm được nhiều việc tốt cho dân. Chị mong bất kỳ người đại biểu của dân nào cũng đều lưu tâm điều đó. Các ứng cử viên đại biểu quốc hội và HĐND đang những ngày vận động bầu cử, chị nói cứ nhìn vào liên danh từng đơn vị bầu cử, người dân sẽ có sự lựa chọn chính xác người đại biểu cho mình. Dân bây giờ người ta hiểu biết lắm.  

“Chị Phạm Thị Minh Chiến là một người trung thực, nhân hậu, điềm tĩnh, chín chắn, dễ hợp tác trong công việc, chắc chắn mà không chậm, có khả năng tập hợp mọi người và tổ chức tốt công việc, có quan điểm rất đúng đắn về nhân dân. Chị là một đồng nghiệp mà tôi quý mến và rất tôn trọng”.
(Ông Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam)

Nghỉ hưu, định chỉ “dính líu” đến công việc vài năm thôi, vừa tận dụng những mối quan hệ để tìm kiếm học bổng cho học sinh nghèo ở vùng đất mà chị sinh ra và lớn lên, vừa cho cái chân vốn quen đi đỡ bồn chồn khi bắt đầu phải dừng lại sau bao nhiêu năm. Nhưng rốt cuộc lại “dây dưa” tới tận 10 năm. “Tham quyền cố vị thiệt ha. Mà cũng tại tính mình, lỡ nhận nhiệm vụ nào rồi thì phải làm cho bằng được, không thả dở nữa chừng. Sang năm đại hội, sẽ có người thay thế để tiếp tục duy trì phong trào khuyến học Quảng Nam tốt hơn”. Đó là chị nói tới chuyện mình giữ chức chủ tịch hội khuyến học tỉnh. Tôi nửa đùa nửa thật, người ta thường nói, hai thứ đàn bà không nên có quá nhiều, đó là tiền bạc và quyền lực. Hai thứ đó mà có quá nhiều, đàn bà sẽ hỏng. Chị bật ngay, bậy hết sức. Chuyện chi cũng phải xét trên tổng thể, đừng lấy từng trường hợp cụ thể mà áp cho số đông. “Nhưng đó là mẫu số chung”, tôi tiếp. Không có mẫu số chung cho đàn bà. Càng không có mẫu số chung cho đàn bà tham chính. Đàn bà tham chính cũng có nhiều lợi thế như đàn ông. Vấn đề ở chỗ nên khiêm tốn, học hỏi và tế nhị. Cộng với tài năng, đàn bà tham chính sẽ làm được tất cả những việc mà đàn ông làm được. Mình nhớ một doanh nghiệp nào đó nói đại ý “Thế kỷ 21 là thế kỷ của nữ cầm quyền. tôi chọn nữ cầm quyền, vì ít ra sẽ đỡ khoản phí lót tay bằng chân dài và rượu ngoại”. Câu này không hoàn toàn đúng nhưng cũng thú vị ha! Chị cười bằng đuôi mắt chi chít chân chim.

4. Chuyện gì cũng từ tốn nói, từ tốn kể, chỉ duy cái bản năng đàn bà, khi đụng đến con cháu, thì vẫn vậy. Nói chuyện mấy đứa cháu lớp 1 lớp 2, giọng chị trở nên xốc nổi hẳn. Con nít con nôi học cả ngày ở trường, chiều về lại quắn quít lên chạy hết lớp học này đến lớp học khác, thời gian nghỉ ngơi không kịp ăn trọn một que kem. Chị phản đối các con việc cho cháu đi học thêm. Quyết liệt nhưng rồi… không làm gì nổi, vì thời nay nó vậy.

Mình làm được công việc ngoài xã hội, là nhờ có hậu phương vững chắc. Không có ông ấy, chưa chắc mình hoàn thành nhiệm vụ. Giờ con cái không muốn mẹ làm nữa, bạn bè thời xưa thì rầy rà, răng cứ bám miết ở Tam Kỳ. Mình có tham lam cái chi đâu, nhưng rồi lấn cấn đủ thứ.

Phải rồi, mười mấy năm nay đi về một mình, người đàn ông của chị, hậu phương cho chị đã dời gót đi trước. Con cái trưởng thành, tự thân lập nghiệp, nên kiểu “dựa hơi lọng dù” đâu có khiến chị bận lòng. Cái lấn cấn của chị, có lẽ chỉ là mình còn sức, sao không giúp đời một chút, một chút nhỏ nhoi thôi, cũng đủ để chính chị thấy, ờ, ngày mới nắng lên, đẹp và thênh thang lạ lùng.

PHAN HOÀNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguyên Chủ tịch ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Phạm Thị Minh Chiến: Góp chút sức, cho ngày mới nắng lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO