Nguyễn Dục qua Di sản Mộc bản triều Nguyễn

THƠM QUANG 22/12/2018 03:29

 Nguyễn Dục là người thầy giáo nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Ông được vua Tự Đức ca ngợi là “bậc mô phạm tốt đẹp hợp với vũ nghi, cố gắng mọi việc đều xong, không lười nhác”. Cuộc đời của Nguyễn Dục có khá nhiều tư liệu ghi chép lại. Nhưng thông tin từ Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới có giá trị chân thực nhất giúp nghiên cứu về con người và sự nghiệp của công thần Nguyễn Dục đối với quê hương, đất nước.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, năm 2004 và H62/3 Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, năm 2004 và H62/3 Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Cha con cùng đăng khoa

Nguyễn Dục (hay còn gọi là Nguyễn Văn Dục), tự Tử Minh, là một danh thần, một nhà giáo dục triều Nguyễn. Ông sinh năm 1807 tại làng Chiên Đàn, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh). Lúc nhỏ, Nguyễn Dục là người thông minh, nhanh nhẹn, lại nổi tiếng văn hay chữ tốt. Theo Mộc bản sách Quốc triều Hương khoa lục, quyển 2, mặt khắc 12 ghi lại, vào năm Đinh Dậu (1837), tại khoa thi Hương trường thi Thừa Thiên, Nguyễn Dục thi đậu cử nhân. Một năm sau đó, tức năm Mậu Tuất, niên hiệu Minh Mạng thứ 19 (1838), ông tiếp tục đỗ khoa thi Hội. Mộc bản sách Quốc triều Đăng khoa lục, quyển 1, mặt khắc 11 còn khắc ghi về nhà Khoa bảng Nguyễn Dục, như sau:

Nguyễn Văn Dục
Phó bảng
(Cha con cùng đăng khoa)
Sinh năm: Đinh Mão (1807).
Quê quán: Chiên Đàn, Hà Đông, Quảng Nam.
Đỗ cử nhân khoa thi năm Đinh Dậu (1837).
Đỗ phó bảng năm 32 tuổi.
Ông học giỏi, được nhiều kẻ sĩ Nam kỳ quý trọng.

Làm quan trải qua các chức: Tế tửu, lãnh chức Đốc học Quảng Nam, chuyển sung chức Giáo đạo Dục Đức đường; sau khi mất, được ban tặng hàm Tham tri.

Ông là cha của Tam giáp Nguyễn Thích.

Sau khi vinh quy, ông được bổ làm quan nhưng không nhậm chức vì lý do còn mẹ già đau yếu, xin về quê phụng dưỡng mẹ. Mãi đến năm Quý Mão (1843), sau khi mãn tang thân mẫu, ông được vua Thiệu Trị triệu về kinh giữ chức Kiểm thảo Hàn lâm viện. Sau đó, được cử làm Đồng Tri phủ Kiến Thụy, tỉnh Thái Bình, rồi chuyển về giữ chức Trước tác sung Biên tu Quốc sử quán, chuyển sang làm Hành tẩu Nội các.

Năm Đinh Mùi (1847), Nguyễn Dục bị bệnh xin về nghỉ dưỡng và mở lớp dạy học ở quê nhà. Trong 14 năm dạy học ở quê, ông đã đào tạo, dạy dỗ được nhiều người thành tài, đỗ đạt cao. Trần Văn Dư, một lãnh tụ của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam chống Pháp cuối thế kỷ 19, đậu tiến sĩ kỳ thi Hội năm Ất Hợi (1875), vừa là học trò vừa là con rể quý của ông. Hiện nhà thờ TS.Trần Văn Dư đặt gần nhà lưu niệm ông tại xã Tam An, huyện Phú Ninh. Con trai ông là Nguyễn Thích, đậu tiến sĩ khoa thi Giáp Thân (1884), học tính cương nghị của cha, thà chết chứ nhất định không chịu đầu hàng giặc Pháp trong ngày thất thủ kinh đô Huế.

Bảy mươi tuổi còn được thăng chức

Mãi đến năm Tân Dậu (1861), niên hiệu Tự Đức thứ mười bốn, sau nhiều lần có chiếu chỉ bổ nhiệm, Nguyễn Dục mới ra nhận chức Giáo thụ phủ Điện Bàn, Quảng Nam, rồi làm Đốc học ở Quảng Ngãi. Ba năm sau, ông được triệu về kinh đô Phú Xuân (Huế) giữ chức Viên ngoại, lĩnh Lang trung Bộ Lại. Năm Mậu Thìn (1868), ông được thăng Thị độc Đại học sĩ, rồi Đốc học ở Quảng Nam.

Không được bao lâu, Nguyễn Dục cáo bệnh về quê. Lúc bấy giờ, sinh viên trường Quốc tử giám phần nhiều bị thiếu, nhân đó vua Tự Đức hỏi Tham tri Bộ Lại là Phạm Phú Thứ rằng: “Cả tỉnh Quảng Nam có người nào phẩm hạnh đoan trang chính đính không? Phạm Phú Thứ thưa: Có Nguyễn Dục (đỗ phó bảng). Vua nói: Có người như thế, nếu chẳng ra làm quan, ở trong một làng cũng có thể dạy bảo thôn dân, lấy đức vọng thanh nhã để chỉnh đốn phong tục”. Ngay sau đó Nguyễn Dục được vua lệnh cất nhắc lên chức Tế tửu Quốc tử giám. Năm Nhâm Thân (1872), ông được phong Thị lang bộ Lễ sung Giáo đạo ở nhà Dục Đức, dạy các hoàng tử. Sở dĩ ông được chọn vào giữ chức Giáo đạo ở nhà Dục Đức bởi theo vua Tự Đức, Nguyễn Dục có học hạnh, nhiều người ngợi khen, cho nên mới có đặc ân ấy. Trong quá trình dạy các hoàng tử, với tác phong đạo mạo, tính tình nghiêm nghị nên các hoàng tử luôn kính sợ mỗi khi ông lên lớp dạy học.

Năm Bính Tý (1876), do bị bệnh, ông xin từ quan. Vua đặc cách cho nghỉ hạn 3 tháng, lại ban cho 50 lạng bạc, sắc sai quan địa phương phải thường xuyên đến hỏi thăm, khi mãn hạn lại phúc tấu. Năm Đinh Sửu (1877), Nguyễn Dục vì mắc bệnh lâu ngày chưa khỏi nên dâng sớ xin ở lại làng. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 33, mặt khắc 7, 8 còn khắc ghi lời dụ của vua như sau: “Nguyễn Dục có đức hạnh, thuần hậu, chính trực, lại lão luyện, làm việc rất cẩn thận, hay xem xét, chỉnh tề nên hoàng tử kính sợ còn hơn cả Đoàn Khắc Nhượng. Trước đây thường mắc bệnh xin về, trẫm cũng thương là già yếu nên gượng theo lời xin. Trẫm tưởng cũng còn trở lại nên đặc cách ban cho vàng mà chưa ban thêm ân mệnh. Năm nay đã ngoài 70 tuổi nên trẫm thăng cho chức Thự hữu Tham tri bộ Lễ, lại chi cho một nửa lương bổng, được ở làng, hễ thấy bệnh thuyên giảm thì nhanh vào cung nhận chức, để ơn tri ngộ trước sau được vẹn toàn và thỏa ý trẫm tôn trọng đạo thầy, quan tâm người ngay”.

Một kẻ sĩ có học hạnh

Cũng theo Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 33, mặt khắc 8 cho biết, sau khi nhận được lời dụ từ vua, Nguyễn Dục liền dâng sớ tâu lên như sau: “Ghi đức để định ngôi thứ, do có công mà được ban nhiều lộc, triều đình đã có lệ phép. Bề tôi phải có đức cao, công lớn như Đông các Đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn mới đáng được đặc cách gia ơn. Đến như thần vốn không có tài đức công trạng, nay vì ốm xin về, lại được ban cho là Á khanh, chi cho nửa lương bổng, thần không dám lại lạm dụng thế”. Vua không bằng lòng, đặc cách phê bảo rằng: “Không phải là lạm”.

Mùa đông năm 1877, ông mất tại quê nhà, hưởng thọ 71 tuổi. Quan quân địa phương tâu lên triều đình, vua Tự Đức chiếu lệ cấp tiền tử tuất và truy tặng chức Tham tri. Hiện nay phần mộ của ông nằm trên một khoảnh đất nhỏ ở quê nhà, đã được trùng tu khá khang trang. Ngôi mộ đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng và cấp bằng Di tích Lịch sử - văn hóa vào năm 2005.

Có thể nói, với những cống hiến to lớn cho nền giáo dục, Nguyễn Dục xứng đáng là tấm gương sáng cho các thế hệ thầy và trò noi theo. Hiện ở tỉnh Quảng Nam, có một ngôi trường phổ thông trung học và một con đường mang tên Nguyễn Dục như sự khắc ghi công đức của cụ. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 33, mặt khắc 9 còn dành tặng lời khen cho Danh nhân Nguyễn Dục như sau: “Nguyễn Dục là người đôn hậu, giản dị, điềm tĩnh. Văn chương của ông nho nhã, khoa thi Hội ông đứng đầu huyện, làm quan thì liêm chính, kẻ sĩ ở Nam Châu suy tôn ông là người có học hạnh”.

THƠM QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguyễn Dục qua Di sản Mộc bản triều Nguyễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO