Cụ Nguyễn Kế (Nguyễn Y Kế, Nguyễn Kỵ) ở thôn Vân Trai, xã Tam Hiệp, Núi Thành, là một nhà nho yêu nước, cũng là một thầy thuốc bắc rất nổi tiếng và giàu lòng nhân ái. Vì vậy, nhân dân trong vùng thường gọi thầy Kế.
Cụ Nguyễn Kế (Nguyễn Y Kế, Nguyễn Kỵ) ở thôn Vân Trai, xã Tam Hiệp, Núi Thành, là một nhà nho yêu nước, cũng là một thầy thuốc bắc rất nổi tiếng và giàu lòng nhân ái. Vì vậy, nhân dân trong vùng thường gọi thầy Kế.
Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo năm 1916, Nguyễn Kế đã vận động thanh niên trai tráng trong làng luyện tập võ nghệ, mua sắm vũ khí để cùng với nhân dân các xã lân cận như Diêm Trường, Xuân Quang, An Hòa đánh đồn Thương chánh Hiệp Hòa (nay thuộc xã Tam Quang). Kế hoạch cuộc khởi nghĩa bị lộ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp những người tham gia cuộc khởi nghĩa, trên địa bàn xã Tam Hiệp, Nguyễn Kế bị địch đã bắt giam tại nhà lao tỉnh.
Sau khi ra tù, Nguyễn Kế cùng với cụ Võ Dương (Võ Nghiệm, người xã Tam Xuân, Núi Thành - thân sinh của nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công), Đào Quang Hiển (Tam Ngọc, Phú Ninh) và Nguyễn Chỉ, người Diêm Trường (nay là xã Tam Giang, Núi Thành) lập ra Hội buôn bán lâm thổ sản nhằm che mắt địch và tuyên truyền tinh thần yêu nước. Đồng thời tích cực tham gia phong trào đấu tranh yêu nước của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Qua các hoạt động này, các cụ nhanh chóng tiếp thu đường lối cách mạng vô sản.
Với những hoạt động tích cực của mình, tháng 7/1933, được sự phân công Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam, đồng chí Phan Truy - Bí thư Chi bộ An Hòa đã quyết định kết nạp Nguyễn Kế vào Đảng Cộng sản Việt Nam và sinh hoạt tại Chi bộ Diêm Trường, bí danh D (chi bộ đầu tiên của vùng đất Tam Giang), do đồng chí Nguyễn Chỉ làm Bí thư. Với sự kiện này, Nguyễn Kế trở thành đảng viên đầu tiên của xã Tam Hiệp. Để đẩy mạnh phát triển đảng viên, Nguyễn Kế được chi bộ phân công liên lạc và kết nạp cụ Võ Dương vào Đảng.
Đến giữa năm 1935, phong trào cách mạng trên địa bàn Quảng Nam liên tục bị đánh phá, bể vỡ. Lúc bấy giờ, cụ Nguyễn Kế bị bắt và kết án 5 năm tù, giam tại nhà lao tỉnh Quảng Nam. Sau thời gian giam cầm, ông được thả và tiếp tục tìm cách liên lạc hoạt động cách mạng.
Trong những năm 1940 - 1942, khu vườn nhà ông trở thành nơi liên lạc, đứng chân của cơ quan Tỉnh ủy, đồng thời là nơi đón tiếp nhiều đồng chí tù chính trị, cán bộ lãnh đạo của Phủ ủy, Tỉnh ủy, Xứ ủy về hoạt động, như đồng chí Tố Hữu, Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Nguyễn Sắc Kim, Phan Thị Nễ… Đây cũng là trạm liên lạc của các chiến sĩ từ Lạng Sơn về Ba Tơ.
Trong Hồi ký “Thời sôi động”, Đại tướng Chu Huy Mân đã viết: “Cụ Kế làm nghề thuốc bắc, còn vợ làm nông trên mấy sào ruộng gần nhà nên gia cảnh khá khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, khi cơ quan Tỉnh ủy về đứng chân, gia đình cụ đã hết lòng nuôi giấu, che chở, lo nơi ăn chốn ở cho cán bộ yên tâm hoạt động. Đặc biệt, khi đến mùa gặt, gia đình cho đắp đống rơm rất to rồi làm căn hầm bí mật trong đó để khi có động thì cán bộ vào trú ẩn, khi an toàn mới gọi cán bộ vào nhà ăn cơm và vào giường ngủ”.
Sau một thời gian hoạt động, Tỉnh ủy đã thành lập Phủ ủy Tam Kỳ, liên lạc được với cơ sở các phủ, huyện Tam Kỳ, Hội An, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình. Trên cơ sở đó, tháng 2/1945, Tỉnh ủy chọn đứng chân tại nhà cụ Nguyễn Kế để tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy.
Tại Hội nghị này, Tỉnh ủy nhận định tổ chức đảng ở nhiều phủ, huyện chưa được phục hồi, cán bộ hoạt động đang thiếu nghiêm trọng. Nhiệm vụ cấp bách của Tỉnh ủy trong lúc này là phải lập lại tổ chức đảng và Mặt trận Việt Minh các huyện; trong thời gian ngắn phải đẩy phong trào toàn tỉnh lên theo kịp với phong trào chung của cả nước.
Hội nghị bổ sung đồng chí Nguyễn Thúy mới thoát tù ở Buôn Ma Thuột về vào Tỉnh ủy và phân công từng đồng chí phụ trách các phủ, huyện, phân công đồng chí Nguyễn Văn Ưng liên lạc với các nhà lao rút cán bộ thoát tù về hoạt động. Sau hội nghị, cơ sở cách mạng nhà ông Nguyễn Kế trở thành nơi liên lạc đón cán bộ thoát tù về hoạt động.
Trong những năm lăn lộn bám cơ sở, xây dựng phong trào cách mạng, đồng chí Võ Chí Công luôn được nhân dân che chở, đùm bọc, những cơ sở cách mạng ở Tam Hiệp như nhà cụ Nguyễn Kế (ở Vân Trai), nhà ông Lê Đạt (cả Đáng, ở Thọ Khương)… luôn ghi dấu chân của đồng chí. Tháng 6/1985, trong chuyến về thăm và làm việc tại xã Tam Hiệp, đồng chí Võ Chí Công đã đến thăm gia đình cụ Nguyễn Kế.
Nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Tam Hiệp, đồng chí Võ Chí Công nhấn mạnh: “Mỗi khi trở về thăm quê hương Tam Hiệp, tôi rất xúc động trước tình cảm sâu đậm, sự gắn bó keo sơn, lòng kiên trung của đồng bào, đồng chí ở đây đối với Đảng và cách mạng trong thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất”.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, cụ Nguyễn Kế nhiều lần bị địch bắt giam, tra tấn, tù đày. Mỗi lần bị bắt, lại thêm rèn luyện bản lĩnh, ý chí để sau này được thả, cụ lại tích cực và quyết tâm ý chí hơn trong hoạt động cách mạng, trở thành cơ sở kiên trung. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, do tuổi cao sức yếu, Nguyễn Kế không trực tiếp tham gia kháng chiến mà động viên con cháu tham gia kháng chiến, còn mình làm cơ sở liên lạc, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ.
Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Nam, Đại tướng Chu Huy Mân đã đến thăm cơ sở cách mạng ở xã Tam Hiệp, thăm cụ Nguyễn Kế, Đại tướng không quên công ơn của cụ và gia đình đã hết lòng nuôi giấu, che chở mình vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Đại tướng xúc động nói: “Tôi sống và hoạt động trên quê hương thứ hai này, thời gian chưa nhiều nhưng nghĩa tình sâu sắc… Ông bà cụ Kế với đống rơm làm hầm che chở cho những người hoạt động cách mạng… nghĩa khí trung kiên đã nuôi nấng, che chở những người đảng viên cộng sản trên con đường hoạt động cách mạng gian nan”.
Nhằm tưởng nhớ, tri ân những đóng góp của cụ Nguyễn Kế, người đảng viên và là cơ sở cách mạng kiên trung, năm 2005, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 4269 công nhận Cơ sở cách mạng nhà ông Nguyễn Kế là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện nay, di tích đã được chính quyền các cấp đầu tư khôi phục, gồm khu vườn và nhà ở. Nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương.