Thuở còn là sinh viên ở Huế, tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu” của nhà văn Nguyễn Khắc Phục có sức lôi cuốn tôi rất dữ. Học chuyên ngành lịch sử, tôi mê “Học phí trả bằng máu” bởi ở đó có những trang viết đặc tả về đời sống con người, về chiến tranh ở một vùng quê xứ Quảng. Ngoài ra “Học phí trả bằng máu” còn cho tôi cảm nhận được một lát cắt sinh động và không kém phần bi tráng về cuộc đấu tranh ở Hà Lam - Chợ Được vào những ngày đầu sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết.
Ngày ấy, tôi cứ nghĩ, Nguyễn Khắc Phục là một người con xứ Quảng, mà phải là người vùng cát mới có những trang văn vừa bi hùng lại không kém phần thơ mộng khi ông tả về cây đa dù, một hình ảnh rất quen thuộc của dân vùng cát Thăng Bình: “Làm sao quên nỗi cây đa dù kia mỗi chiều ngả bóng, để mặc bò gặm cỏ, mấy đứa quanh đội xúm xít quanh gốc cây đánh tam cúc ăn bắp rang và khoai chà Tiên Đỏa. Giữa bãi cát mênh mông bên cạnh bầu sen mát mẻ, cây đa tỏa tán lá xum xuê như tán dù, cuối hè, đầu thu khí trời thoáng đãng, mây xanh rờn chói nắng…”. Sau này, khi được gặp Nguyễn Khắc Phục, tôi mới vỡ lẽ ông là người gốc Nam Định, sinh ra ở Sài Gòn, nhưng cuộc đời lại có nhiều duyên nợ với Quảng Nam.
Ảnh: H.X.H |
Cái duyên ấy bắt nguồn từ việc ông được chọn và cử đi học lớp bồi dưỡng những nhà văn trẻ khóa IV của Hội nhà văn Việt Nam rồi sau đó được cử vào chiến trường khu V làm công tác tuyên huấn - dân vận. Chính từ mảnh đất khói lửa ác liệt nhất miền Trung những năm chiến tranh này, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã có cảm xúc mạnh mẽ để viết nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó có “Học phí trả bằng máu” và “Bay qua cõi chết”. Những năm tháng sống, chiến đấu và viết trên chiến trường Quảng Nam trải dài từ miệt nguồn Trà My cho đến cuối dòng sông Thu, Nguyễn Khắc Phục đã chứng kiến biết bao kỳ tích và cả những đau thương mất mát của quân và dân đất này, kể cả mất mát đau đớn của những người bạn, đồng đội cùng thời với ông dọc đôi bờ dòng sông Thu Bồn như Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Phương Thảo, Văn Cận, Nguyễn Mỹ... Trong lời đề từ chương đầu tiên của tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu” Nguyễn Khắc Phục viết: “Kẻ thù giết ta, mỗi nấm mộ chôn ta giấu một kho súng và một niềm hy vọng”. Có lẽ đó cũng là tâm thế của người cầm bút hiểu sâu sắc cái giá của một cuộc chiến tranh. Nhưng Quảng Nam đối với Nguyễn Khắc Phục đâu chỉ là những năm tháng gồng mình trong mưa bom, bão đạn để rồi khi bước ra khỏi cuộc chiến trở về với đời thường lại thấy day dứt khôn nguôi với ý nghĩ mình đã nợ đất và người xứ Quảng một món nợ ân tình... Khi, ông còn là con rể của quê hương tơ tằm Duy Xuyên.
Năm 2011, Đài PT-TH Quảng Nam (QRT) bắt tay thực hiện bộ phim tài liệu nhiều tập với tên gọi “Mẹ Thu Bồn” do nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết kịch bản kiêm Tổng đạo diễn. Tôi may mắn trong nhiều tháng ròng được cùng đi, cùng làm việc và kể cả “rong chơi” với nhà văn của “Học phí trả bằng máu”. Mặc dù là một người rất bận rộn trong nghề viết với nhiều tiểu thuyết dang dở, nhiều kịch bản sân khấu chưa hoàn thành và cả đống kịch bản các chương trình lễ hội khắp nước, nhưng khi được lãnh đạo QRT mời làm phim tài liệu “Mẹ Thu Bồn” thì dường như Nguyễn Khắc Phục nhận lời ngay, không trù trừ tính toán thời gian, hơn thiệt. Ông bỏ hàng núi công việc ở Hà Nội để vào Quảng Nam chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho nội dung kịch bản và những chuyến ghi hình. Nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo Quảng Nam trước và trong khi bấm máy phim Mẹ Thu Bồn, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đều khẳng định rằng, nhận lời làm kịch bản và Tổng đạo diễn cho bộ phim tài liệu này chính là cách để ông trả món nợ ân tình với xứ Quảng. Tôi biết, Quảng Nam luôn nóng ấm trong trái tim ông.
Được cùng ông qua những miền quê xứ Quảng, tôi nhận ra một điều, ông đi với tâm thế của người con trở về xóm làng, đồng bãi quê hương mình, không xa lạ, không lạc lõng mà gần gũi thân thiết với những người dân như thể họ quen biết nhau tự thuở nào. Trên đường đi, gặp cụ già ông khơi gợi về những ngày tháng cũ; gặp người cùng thời ông nhắc nhớ một vài kỷ niệm trong chiến tranh khói lửa hay nói nhiều về những nơi chốn bạn bè văn nghệ sĩ của ông đã hy sinh chỗ nhánh sông này, đoạn suối kia; gặp em nhỏ, ông hiền từ cho tiền mua quà, khẽ khàng bông đùa vài ba câu chuyện tiếu... Nguyễn Khắc Phục là thế, sẵn sàng dốc hết bầu tâm sự và sẵn sàng sẻ chia.
Ở Hà Nội Nguyễn Khắc Phục có một câu nói vui với bạn bè văn chương: “Ngày nghỉ chỉ cần hai cốc bia hơi và một bát bún bung là tớ có thể viết suốt đêm...”. Vào Quảng Nam, ông lại có câu rất hóm với chúng tôi: “Ở Quảng Nam, tớ chỉ cần ăn mỳ Quảng thôi là có thể đủ sức để làm phim Mẹ Thu Bồn”. |
Tôi không thể nào quên được chuyến đi mười ngày cùng nhà văn Nguyễn Khắc Phục ngược ngàn Trà My, tìm về ngọn nguồn dòng chảy của sông Mẹ Thu Bồn. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục gọi chuyến đi ấy là “Cuộc phiêu lưu cuối cùng” của ông. Bởi lẽ, ở tuổi gần kề bảy mươi, lại đã ba lần vào bệnh viện phẫu thuật cùng nhiều bệnh thường niên trong người nên rất khó để có thêm một chuyến đi xa đèo dốc như thế nữa. Chúng tôi đã đi qua những bản làng heo hút trên sườn non, cảm nhận nét hoang sơ và cuộc sống quá nhiều thiếu thốn. Những ngôi nhà sàn xiêu vẹo, những cô bé, cậu bé Xê Đăng chân trần, tóc xoăn, rám nắng ngơ ngác nhìn khách lạ, những cụ già đầy khắc khổ chào chúng tôi bằng nụ cười như từ thuở hồng hoang... Tất cả điều này càng khiến nhà văn “Bay qua cõi chết” nặng trĩu tâm can. Ông nói với già làng Hồ Văn Reo - người con ưu tú của núi rừng Trà My, chúng tôi còn nợ đồng bào nhiều lắm. Và, bước chân ông nặng nề hơn, ánh mắt buồn xa xăm hơn trước hiện thực cuộc sống đồng bào dẫu đã có ít nhiều thay đổi.
Lúc đứng giữa núi non thăm thẳm rừng già của đỉnh Ngọc Linh hùng vĩ, giữa tiếng thác réo rắt từ dòng Nước Na tuôn chảy, nhà văn Nguyễn Khắc Phục trào dâng xúc động mà thốt lên rằng: Mẹ Thu Bồn ơi, chúng con đã về đây bên Mẹ. Chúng con đã nghe tiếng Mẹ thì thầm từ đỉnh núi này để tạo nên một dòng sữa mát lành cho sự sống Quảng Nam… Chuyến đi ấy, tôi có cảm giác, dường như có một sức mạnh kỳ bí nào đó đã đưa ông tới tận đỉnh Ngọc Linh ở độ cao hơn 2.500m so với mực nước biển mà không hề gặp bất cứ trục trặc nhỏ nào về sức khỏe. Quả là điều kỳ diệu.
Tôi cảm nhận được ở nhà văn Nguyễn Khắc Phục sự giản dị, đơn sơ trong cuộc sống cá nhân, tấm chân tình rộng mở ông dành cho mọi người và một thái độ làm việc nghiêm túc, không mệt mỏi. Khi vào Quảng Nam để bắt tay thực hiện xê-ri phim Mẹ Thu Bồn, ông không chịu ở khách sạn đầy đủ tiện nghi mà lặng lẽ xin Ban giám đốc đài bố trí một căn phòng làm việc nhỏ, đặt một tấm nệm đơn sơ vừa vặn một chỗ nằm. Ở đó, ban ngày nhà văn theo chân anh em ê-kip làm phim rong ruổi qua những nẻo đường xứ Quảng, tối đến ông thức gần trọn đêm chỉnh sửa kịch bản và xem lại toàn bộ những thước phim đã quay được rồi còn tranh thủ làm thêm những công việc viết lách dang dở của mình. Ăn uống đơn sơ, đặc biệt ưa thích mỳ Quảng. Ở Hà Nội ông có một câu nói vui với bạn bè văn chương: “Ngày nghỉ chỉ cần hai cốc bia hơi và một bát bún bung là tớ có thể viết suốt đêm...”. Vào Quảng Nam, ông lại có câu rất hóm với chúng tôi: “Ở Quảng Nam, tớ chỉ cần ăn mỳ Quảng thôi là có thể đủ sức để làm phim Mẹ Thu Bồn”.
Bây giờ tôi vẫn thường nghĩ, với thế hệ nhà văn chống Mỹ như Nguyễn Khắc Phục, được đi - về nơi mà một thời chưa xa mình từng sống, từng chiến đấu vào sinh ra tử rồi từ đó mà có cảm xúc viết nên những tác phẩm văn chương để đời... thì mỗi tên đất, tên làng, tên sông, tên suối của ngày tháng cũ ấy, vùng đất cũ ấy cứ réo gọi ký ức. Tôi tin một cách sâu sắc rằng, với nhà văn Nguyễn Khắc Phục, dòng sông Thu Bồn, nơi mà bạn bè ông có người nằm lại vĩnh viễn dưới dòng nước xanh rồi hóa phù sa đắp bồi đồng bãi xứ Quảng sẽ mãi là tiếng gọi thiết tha giục giã ông quay về như có lần nhà văn từng thốt lên: Quảng Nam hai tiếng yêu thương/Thiết tha tiếng mẹ Thu Bồn gọi con...
ĐẶNG TRƯƠNG KHÁNH ĐỨC