(VHQN) - “Dinh Trấn võ” - ngay cái tên đã tự mang vác vào mình sứ mệnh phải làm gì để xứng đáng và rạng danh tên miền quê nhà. Đất dinh trấn Quảng Nam - ai người xứ Quảng không tỏ tường. Sự kiêu hùng của lịch sử vùng đất, hẳn là điều sâu thẳm để mỗi bước nhảy của đoàn lân Dinh Trấn võ luôn toát lên dáng diệu mạnh mẽ, oai phong...
Người làm nên cái tên Dinh Trấn võ gọi lên đầy tự hào trong mỗi cuộc tranh tài về múa lân sư rồng toàn quốc, thậm chí ở quy mô thế giới, không ai khác là Nguyễn Lê Thành Tây.
Thương hiệu đội lân Dinh Trấn võ
Những ngày này, thầy giáo - võ sư Nguyễn Lê Thành Tây khá bận rộn với lịch diễn kín đặc từ Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ... Và dĩ nhiên phải luôn có những đêm hội lân rộn ràng ở xứ đất La Qua, Điện Bàn.
Hình ảnh cả người lớn và trẻ em háo hức rồng rắn theo đội lân vào những đêm tháng 8 âm lịch, trở thành thứ ký ức đằm sâu với mỗi người dân xứ Quảng.
“Dinh Trấn võ” của Nguyễn Lê Thành Tây dẫu đã định danh một đoàn lân lớn, nhưng cuộc hội làng mình vẫn chưa bao giờ thiếu những bước nhảy điệu nghệ của đoàn lân sư này.
“Tôi nghĩ mình phải trân trọng quê hương, tôn trọng và ghi ơn với đất mình sinh ra, với những người đã chỉ dạy mình, thì mình mới lớn mạnh được” - Nguyễn Lê Thành Tây nói.
Đó cũng là tinh thần người thầy giáo đồng thời là một võ sư, truyền đến bao nhiêu thế hệ học trò mình. Chính tấc lòng với quê hương của thầy giáo trẻ trở thành kết nối, để từng ngày võ đường Dinh Trấn - nơi Nguyễn Lê Thành Tây thành lập tại Điện Phương (Điện Bàn) thu hút nhiều hơn các em thanh thiếu niên tại đây tham gia theo học.
Võ đường Dinh Trấn của Nguyễn Lê Thành Tây là một chi phái của võ đường Kỳ Sơn tại TP.Hội An. Bởi võ sư Tây vốn dĩ là đệ tử ngay từ nhỏ đã sống và sinh hoạt trong võ đường cùng thầy Trần Xuân Mẫn.
“Dinh Trấn võ” vốn bắt đầu như vậy, ngày càng phát triển bởi vừa mang tinh thần một sinh hoạt truyền thống của vùng đất vừa bằng tinh thần thượng võ của những người say mê võ cổ truyền dân tộc.
Năm 2006, Nguyễn Lê Thành Tây quyết định nâng tầm đội lân và lấy tên “Dinh Trấn võ” cho cả võ đường lẫn đội lân tại Điện Bàn, như một thôi thúc tiếp nối rạng rỡ từ lịch sử.
Liên tục những năm sau đó, anh chiêu sinh võ đường và nghiên cứu phát triển các động tác hình thể của lân kết hợp giữa võ cổ truyền và nghệ thuật múa lân, múa thiên cẩu của các sư trưởng, huynh trưởng trước đó.
Bây giờ, con số thanh thiếu niên gắn bó và trưởng thành từ Dinh Trấn võ đã có hơn 1.000 em. Với từng võ sinh, võ sư Nguyễn Lê Thành Tây không chỉ là người thầy mà còn là người anh, người bạn để tâm sự, sẻ chia những khó khăn, vất vả trong cuộc sống.
Độc đáo lân Kim Sư Phố
Năm 2017, khi đã đủ độ chín, Nguyễn Lê Thành Tây muốn tạo dấu ấn mới cho nghệ thuật múa lân sư sau khi Dinh Trấn võ ngày khẳng định tên tuổi. Anh tìm đến nghệ nhân chế tác đầu lân Nguyễn Hưng tại Hội An, nghĩ cách kết hợp từ kết cấu đến đường nét của thiên cẩu và lân Phật Sơn để chế tác ra mẫu đầu lân mới và đặt tên là Kim Sư Phố.
Cùng với diện mạo của con lân, võ sư Thành Tây bắt đầu tạo ra những bộ pháp để biểu diễn Kim Sư Phố mới, trên nền võ cổ truyền Việt Nam. Kim Sư Phố là tổng thể lai từ dòng lân thiên cẩu của Hội An cũng như tổng hợp từ các dòng lân Hoàng Phi Hồng đặc trưng của Trung Quốc.
Chính việc sử dụng Kim Sư Phố đã giúp đoàn Dinh Trấn võ đoạt được nhiều giải tại các sân thi đấu trong nước và quốc tế với 3 lần vô địch thế giới cùng hàng loạt giải thưởng trong nước.
Bao gồm: giải nhất môn Địa Bửu khu vực miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức tại Hội An 2017, giải ba toàn quốc tại Cần Thơ 2018, giải nhì quốc tế tại Đà Nẵng 2018, lọt vào top 5 quốc tế tại Malaysia 2018, giải nhất quốc tế tại Đà Nẵng 2019, giải nhất Địa Bửu và giải nhì Mai Hoa Thung quốc tế tại Thái Lan 2019, giải nhất Hội Lân Huế tại Huế 2019.
Mới đây nhất, Dinh Trấn võ tiếp tục trở thành đội lân được ghi nhớ tại Liên hoan Lân sư rồng đất võ Quy Nhơn năm 2022 - 2023 với giải nhất chung cuộc trong tổng số hơn 30 đội lân trong nước và quốc tế.
Nguyễn Lê Thành Tây nói, sở dĩ Dinh Trấn võ liên tục gặt hái thành công trong những giải đấu, liên hoan trong nước và quốc tế vì biết cách chuyển tải thông điệp văn hóa của vùng đất trong từng động tác hình thể lẫn kịch bản của một lần biểu diễn.
Mỗi cuộc biểu diễn, mỗi sân khấu, Dinh Trấn võ đều có kịch bản hẳn hoi. Tại đất võ Bình Định, Nguyễn Lê Thành Tây kết hợp tính độc đáo của Kim Sư Phố cùng thể điệu cổ truyền của tuồng Đào Tấn bên cạnh phục trang được biến tấu linh hoạt, mang đường nét của võ Tây Sơn.
Trước đó, ở lễ hội Lân sư rồng quốc tế tại TP.Đà Nẵng, Dinh Trấn võ đoạt vô địch thế giới với câu chuyện Kim Sư xuất động vượt dãy Ngọc Linh liên sơn. Từ âm điệu trống lúc khoan lúc nhặt cùng điệu nhảy Mai Hoa Thung trên nước, chưa kể hàng loạt động tác hình thể đẹp mắt mang thông điệp vượt qua những khắc nghiệt của thiên nhiên, Dinh Trấn võ để lại trong lòng người nhiều hơn là ý niệm một cuộc múa lân đơn thuần.
Chính những ấn tượng này đã giúp Dinh Trấn võ trở thành đoàn lân của Quảng Nam biểu diễn thường xuyên tại các sự kiện lớn mang tầm quốc tế ở các resort cũng như khu vui chơi lớn tại TP.Đà Nẵng, Hội An.
Vị thầy giáo trẻ của Trường THCS Nguyễn Du (Điện Phương, Điện Bàn) trìu mến nhắc nhở từng học sinh về tác phong, thái độ của mình khi tới trường. Nhưng ít ai biết, giấu sau sự điềm đạm này là một người trẻ tuổi nhất của Quảng Nam được phong võ sư năm 22 tuổi, là một chưởng môn của võ đường lớn, cũng đồng thời là người đang dìu dắt đoàn lân có số lượng người tham gia biểu diễn lên đến hơn 100 người.
Ngay khi thông tin Tết Trung thu được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, Nguyễn Lê Thành Tây tràn trề niềm hy vọng về một sản phẩm du lịch mang tên Múa Lân Sư Rồng. Nó sẽ là đặc sắc riêng có của xứ Quảng, với tiếng trống lân và điệu múa thuần thục nhưng không kém phần vững chãi, như chính tính cách của mỗi người Quảng Nam.