Nghe tên anh, người ta đã thấy có cảm tình. Đúng như cụ thân sinh Nguyễn Quang đặt cho từ lúc anh mới chào đời (năm 1929). “Nghĩa sở đương vi, đừng sợ nhé/Dân giai hoài vọng, thiệt vui thay” (thơ Nguyễn Quang). Tạm dịch là “Việc nghĩa thì nên làm…/Dân đều là niềm hy vọng…”. Sống và làm việc với anh càng ngày càng nghiệm đúng như vậy. Là người cùng quê Quảng Nam, tôi có may mắn biết anh hồi ở Đại học Sư phạm và được cùng làm việc nhiều năm sau khi anh nghỉ hưu, tôi càng thấy anh quả đúng với cái tên cúng cơm và thấy rõ thêm anh là người mang đậm cốt cách Quảng Nam.
Trong kháng chiến chống Pháp, anh dạy Trường Trung học Đại Thành, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Hòa bình lập lại, anh về học Đại học Sư phạm rồi ở lại trường làm cán bộ giảng dạy, sau đó là Phó Chủ nhiệm khoa Văn, tự nguyện giữ trách nhiệm bảo vệ nhà trường ở Cầu Giấy, với tư cách là Chính trị viên Tiểu đoàn tự vệ của trường. Rồi đi giúp Lào xây dựng đại học sư phạm, về Bộ Giáo dục làm Phó Chánh văn phòng. Nghỉ hưu, anh tham gia hội cựu giáo chức, làm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ nhà giáo, Phó Trưởng ban Tuyển chọn thơ Tấm lòng nhà giáo của Bộ Giáo dục và hội cựu giáo chức, đồng thời tham gia Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Ở công việc nào cũng thấy nổi lên ở anh đức tính cần cù, chăm chỉ, chịu thương chịu khó, thanh bạch, nghĩa tình của người Quảng Nam. Được phân công nhận và biên tập thơ của các nhà giáo vùng Bắc Trung Bộ, anh thư từ qua lại, đặt quan hệ gần gũi với anh chị em. Và khi họ gửi bài về, anh đã xem, sửa chữa, bổ sung, trao đổi lại với từng người nên trong các tập thơ Tấm lòng nhà giáo, các tác giả ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mặt đều đặn và thơ của họ phần lớn là thơ hay. Được giao nhiệm vụ sưu tầm, giới thiệu, chú thích, bình luận thơ ca dân gian, trong thời gian ngắn anh đã cho ra mắt các tập “Lịch sử Việt Nam trong tục ngữ ca dao”, “Lòng yêu nước trong văn học dân gian”, “Văn hóa ẩm thực trong tục ngữ cao dao Việt Nam”, “Tục ngữ các dân tộc về giáo dục đạo đức”, “Đồng dao Việt Nam”. Và gần đây, khi anh đã mất, Hội Văn nghệ dân gian còn in tiếp cho anh tập “Văn hóa dân gian về tình yêu lứa đôi trong ca dao người Việt”, dày gần 700 trang (do NXB Khoa học - xã hội ấn hành). Nhận tập sách này, do Nguyễn Dân Sinh - con trai anh biếu, tôi cảm thấy ngay, anh không những chăm chỉ làm việc của mình mà còn có cảm tình sâu đậm với bạn bè và các đồng chí có trách nhiệm ở Hội Văn nghệ dân gian.
Với tầm của người cán bộ giảng dạy đại học, trong biên tập và sáng tác, anh đã làm tròn nhiệm vụ. Với công việc bình thường như gửi sách cho các tác giả, anh cũng không nề hà, cùng xắn tay áo lên, đóng gói, niêm phong, ghi địa chỉ và cùng với anh chị em văn phòng ban tuyển chọn mang ra bưu điện gửi. Với Câu lạc bộ thơ nhà giáo, cuộc giới thiệu thơ nào anh cũng có bài cảm nhận trân trọng đọc tặng cho người được giới thiệu thơ, cho nên anh chị em trong câu lạc bộ đều quý anh và tiếp thu được từ anh nhiều ý kiến bổ ích.
Đồng hương Quảng Nam ở Hà Nội thấy ở anh một thành viên rất tích cực. Năm 2004, anh đã đoạt giải nhất cuộc thi Tìm hiểu quê hương do Ban liên lạc Đồng hương Quảng Nam tổ chức. Trả lời 6 câu hỏi ngắn gọn của Ban tổ chức cuộc thi, anh đã dành một tuần để tìm hiểu nghiên cứu và sáng tác bài trường ca “Quảng Nam quê hương ta”, gồm 308 câu. Mở đầu bản trường ca, anh dẫn câu ca dao hay của Quảng Nam: “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thắm/ Rượu Hồng Đào chưa nhắm đà say”.
Câu ca dao mà anh và tôi mỗi lần nói chuyện với nhau, hay trao đổi với bạn bè về Quảng Nam thường nhắc tới. Và 4 câu cuối của trường ca thể hiện tinh thần lạc quan tin tưởng ở tương lai của mảnh đất Quảng Nam quê hương, của đất nước: “Cả tỉnh cùng bước tới/ Dưới cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới/ Đồng tâm, đồng lực, đồng hành cùng cả nước tiến nhanh/ Xây dựng Quảng Nam, Việt Nam đời đời giàu mạnh”.
Trong tổng số Nhà giáo nhân dân của toàn quốc, Quảng Nam - Đà Nẵng có 5 người, chiếm 15%, một tỷ lệ khá cao. Trong số đó, 3 người là thầy giáo dạy tôi, đã mất; 2 người là bạn tôi: GS. Hoàng Ngọc Phiến và anh. Anh đã mất ngày 22.9.2015.
“Anh với tôi kể là hai
Mà lòng chỉ một không phai tấc lòng”.
Bài viết này và 2 câu thơ đó xin được coi như nén tâm nhang thắp ở bàn thờ anh, ngày giỗ đầu sắp tới.
TRẦN THÂN MỘC