Nguyễn Ngọc Hạnh phơi cơn mưa lên đời

NGUYỄN THỤY KHA 03/03/2018 10:57

Phơi cơn mưa lên chiều” (NXB Hội Nhà văn, tháng 2.2018) là tập thơ đáng đọc, một bước đi khá xa trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Những bài thơ có tiêu đề ngỡ như một định nghĩa, triết lý mà lại không nghe tác giả giãi bày hay to tiếng cùng ai. Mỗi tứ thơ bình dị cứ “phơi” ra giữa cuộc đời này bằng chính sự trải nghiệm của một con người gần cả đời mình đắm đuối cùng thơ.

Bìa tập thơ “Phơi cơn mưa lên chiều”.
Bìa tập thơ “Phơi cơn mưa lên chiều”.

Tôi đã đọc thơ Hạnh nhiều, không biết vì sao lần này khi đọc mấy bài thơ mà tiêu đề Nguyễn Ngọc Hạnh chỉ dùng có một chữ, tôi có cảm nhận sự chiêm nghiệm trong thơ anh đã rắn lại, tinh tế, sâu lắng hơn xưa nhiều. Với bài thơ “Cha”, Hạnh viết thật chắt lọc: “Mấy chục năm rồi người đi xa/ Tóc con bạc như tóc cha ngày ấy”/... /“Tóc bạc rồi, cha ơi quá muộn/ Con giật mình nước mắt lại trào lên”. Nước mắt trào lên, tôi chưa nghe bao giờ! Còn trong bài “Lụy”: “Một đời lụy với câu thơ/ Còn bao nhiêu chuyến bao giờ đò ơi?”. “Vấp” thì rất lạ: “Hình như ai vấp chân mình/ Hớ hênh chân lại gập ghềnh bàn chân”. Rồi “Muộn”: “Khi tóc bạc mới thương ngày thơ bé/ Để bây giờ yêu muộn thuở còn xanh”. Đến “Lạc” thì quá bơ vơ: “Một mình đứng tựa bơ vơ/ Sông xưa đã lấp đôi bờ cỏ khô”. Khi “Quên” thì ngơ ngác: “Quên là đang nhớ đắm say/ Quên mà đêm mới chạm ngày, đã yêu”, đến lúc “Nhầm” lại vô cùng đau đớn: “Nửa đời phiêu bạt/ Nhầm một câu thơ/ Nhầm dòng sông chảy/ Tìm không thấy bờ”.

Bởi thế nên Nguyễn Ngọc Hạnh mới đúc kết chọn cách để “Yêu”: “Đâu chỉ yêu là dâng hiến/ Yêu là cho không nhận lại gì/ Yêu là được bao điều đã mất/ Và sẽ còn mất nữa để yêu”. Mất để yêu, điều ấy thật dữ dội. Chỉ với sự trầm tĩnh, Hạnh mới có thể có những bài thơ vượt lên chính mình, tự khẳng định một bước mới của mình trong thơ hiện đại. Tôi rất thích những thi ảnh mới mẻ của Hạnh.

- Mưa cong vút lên trời hoàng hôn
- Em bồng bềnh hay thu đang trôi
- Một chiếc lá vàng rơi rất thấp
  Rơi theo chiều tôi đang rơi

(Thu rơi)

“Rơi theo chiều tôi đang rơi” quả là câu thơ rất đáng nhớ, nhất là với những người đã ở tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”. Cũng chiếc là vàng ấy, ở một ngữ cảnh khác, trong một tu từ khác, ta lại thấy nó hiện ra phấp phỏng như kiếp người trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh:

Khi em cầm ngọn gió cuối thu
Chiếc lá vàng rơi vào bài thơ tình phai nhạt

 (Giấc mơ)

Chỉ riêng với cái tên tập thơ “Phơi cơn mưa lên chiều” cũng dễ làm cho người đọc ấm lòng, san sẻ. Giữa những bài thơ có tiêu đề như một định nghĩa, triết lý như “Hạnh phúc”, “Chiêm bao”… tự nhiên thật mềm mại khi “Nghe boléro nhớ tình xưa”. Bài thơ này có một ngụ ý rất sâu sắc. Con người cứ ngỡ phải đổi thay, mới là hiện đại, là thức thời, nhưng đổi thay mãi rồi cũng lại quay về chốn cũ:

Boléro em hát một thời
Tôi thì đã khuất xa từ dạo ấy
Bao giai điệu xập xình đời tôi nhún nhảy
Khi nghiêng ngả thăng trầm
Lúc gập ghềnh dâu bể
Lòng bồn chồn nhớ lại dáng hình xưa

Nguyễn Ngọc Hạnh có nhiều câu thơ rất thảng thốt, không ra vẻ tân kỳ gì cả, nhưng lại khẳng định vị thế của mình trong bối cảnh thơ ca đa chiều hiện nay. Mỗi lần nhắc đến Nguyễn Ngọc Hạnh, nhiều người thường nhớ câu thơ “Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi” của anh. Còn trong tập thơ “Phơi cơn mưa lên chiều” này có những câu thơ làm tôi giật mình: “Ai rót vào đêm giọt lệ ly tan/ Ai dán tiếng cười con tôi rong rêu bia đá/ Ai nỡ vô tình dao kéo tuổi xuân”, hay “Phờ phạc đêm lối về phố cổ/ Nhìn đâu cũng thấy thiếu một người”... Những câu thơ như thế đáng “phơi” lên cuộc đời này để mọi người thưởng thức, cùng sẻ chia và chiêm nghiệm. Mong rằng, Nguyễn Ngọc Hạnh ngày càng trầm tĩnh, sâu lắng hơn để tiếp tục phơi một cơn mưa khác lên chiều nặng hạt...

NGUYỄN THỤY KHA

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguyễn Ngọc Hạnh phơi cơn mưa lên đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO