Nguyễn Phong Việt và những hạnh ngộ ngược sáng

TỐNG PHƯỚC BẢO 18/12/2022 08:16

Đều đặn 10 năm qua, Nguyễn Phong Việt là nhà thơ duy nhất giữ phong cách xuất hiện vào đúng dịp Giáng sinh với một tập thơ như món quà dành cho độc giả của mình. Tuy nhiên, năm nay Nguyễn Phong Việt lại xuất hiện sớm hơn và bằng tập tản văn, để cùng bạn đọc giải mã câu hỏi: “Chúng ta sống, là vì...?”.

Tập sách mới nhất của Nguyễn Phong Việt “Chúng ta sống, là vì...?”.
Tập sách mới nhất của Nguyễn Phong Việt “Chúng ta sống, là vì...?”.

Hành trình cảm xúc không bao giờ tắt lửa

Nguyễn Phong Việt sinh năm 1980 ở Tuy Hòa, Phú Yên. Chính phong cách thơ riêng biệt đã cho anh vị trí trong lòng bạn đọc. Thơ Nguyễn Phong Việt xác lập tư duy mới, độc đạo bởi sự dẫn dắt của cảm xúc, sự thả trôi của câu chữ. Những dòng thơ như chính lời tâm sự, thỏ thẻ chia sẻ cùng bạn đọc, rót vào lòng bạn đọc sự đồng điệu nhất quán.

Đó là sự thấu cảm của Nguyễn Phong Việt với độc giả của mình. Chẳng tạo nên những câu thơ hàm chứa đa tầng lắm nghĩa. Chẳng cố tâm dụng ý trưng trổ kỹ thuật viết lách hàn lâm, lại càng không bao giờ tìm thấy ở thơ Nguyễn Phong Việt những hoa từ mỹ ý cài cắm.

Thơ Việt rất riêng, rất Việt. Như chính sự giản đơn của ngôn ngữ đời thường, cấu thành những câu chữ nhẹ nhàng, nhưng thấm thía. Cứ vậy mà len lỏi trong ngóc ngách tâm hồn bạn đọc.

Hành trình thơ của Nguyễn Phong Việt là hành trình giàu cảm xúc. Tập thơ “Đi qua thương nhớ” hơn 10 năm trước gây ra sự bùng nổ khi chưa chính thức phát hành đã tái bản lần 2, với cuối cùng con số in lên đến 30.000 bản trong một giai đoạn thơ đang đứng chững với độc giả.

Tập thứ 2 và cho đến tập thơ ấn hành năm 2021 cũng luôn được công chúng săn đón. Cơn sốt Nguyễn Phong Việt từ đó cho anh những độc giả thân thương đến hẹn lại lên ngóng chờ thơ anh vào mỗi mùa Giáng Sinh.

Tôi nhớ tập thơ “Đã đi qua thương nhớ” anh in vào tháng 12/2021 là tập thứ 10, khi xuất bản đã nhanh chóng được đặt trước với hàng ngàn bản, bởi cái tin anh sẽ khép lại chặng đường dài với thơ khiến độc giả ráo riết săn lùng.

Buổi ký tặng ở quán cà phê nhỏ, đêm đó Sài Gòn lộng gió, nhiều độc giả kiên nhẫn đứng chờ. Có những độc giả đến với anh từ khi còn là sinh viên đến nay đã có gia đình, họ nắm tay nhau và bồng những đứa trẻ đến. Anh luôn nhớ họ. Cũng có những phụ nữ trạc tuổi trung niên, đến với buổi ký tặng và trầm lắng ngồi lại cùng ly cà phê lần giở từng trang sách.

Tôi ngồi ở góc quán và chăm chú xem anh cười cùng độc giả, hỏi han những người quen biết. Đó không phải là một buổi giao lưu, càng không nghe anh nói gì về chính mình. Tất cả những gì cần thiết, anh đã viết trong thơ. Đêm muộn nhưng hàng dài độc giả vẫn chờ anh, như chờ những yêu thương không hề có hạn kỳ.

Thoảng khi ngồi cùng anh, vẫn là những góc phố ngắm xe cộ và bên ly cà phê một sớm Sài Gòn, mới thấy hóa ra anh với thơ cũng gói gọn vào hai chữ cảm xúc. Chân thành và kỹ càng, anh sống cũng như viết đều bằng niềm tin vào những tốt đẹp luôn nảy nở sau những đớn đau. Như chính anh chia sẻ đã đến lúc anh khép lại hành trình thơ nhưng không có nghĩa là Nguyễn Phong Việt không còn viết lách. Bởi với anh hành trình cảm xúc là hành trình không bao giờ tắt lửa.

Luôn có những niệm lành hy vọng

Chọn khép lại hành trình thơ nhưng Nguyễn Phong Việt lại mở ra cho mình một hành trình mới. Đó là một Nguyễn Phong Việt ăm ắp yêu thương những tập tản văn thấm đẫm triết luận về cuộc đời. Đã đi qua hơn nửa đời người với những thác ghềnh dâu bể, gieo neo phận người, Nguyễn Phong Việt đủ độ lắng để trải lòng bằng nhiều hình thức văn chương khác chứ không chỉ riêng là thơ.

Chân dung Nguyễn Phong Việt.
Chân dung Nguyễn Phong Việt.

Anh đã cho in 2 tập thơ song ngữ thiếu nhi: “Xin chào những buổi sáng” (NXB Văn hóa văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, 2018), “Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ” (NXB Thế giới, 2021). Với tản văn, Nguyễn Phong Việt cũng đã kịp cho ra mắt vào tháng 5/2021 mang tên “Chúng ta sống có vui không” do NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành.

Riêng năm nay, vì quãng thời gian Giáng sinh và tết quá cận kề, Nguyễn Phong Việt chọn tái ngộ sớm với bạn đọc bằng tập tản văn “Chúng ta sống, là vì...?”. Tập tản văn lần này với 44 bài viết về sự chiêm nghiệm của hành trình sống.

Hành trình khởi nguồn bằng câu hỏi: Chúng ta sống, là vì? Câu hỏi gói gọn trong ít chữ nhưng để đi tìm lời giải thì chẳng phải dễ. Từ trải nghiệm đến suy niệm và tìm ra cho mình sự hạnh ngộ với cuộc đời này, tập tản văn bắt đầu khởi nguồn từ ký ức.

Suy cho cùng, ai rồi cũng có lúc đối diện với chính mình, ở lứa tuổi nào đó, ở khoảng đời nào đó, ở thời khắc nào đó mà mình đủ độ lắng. Giữa huyên náo của cuộc sống, mình bị cuốn vào hay tách biệt, hoặc dung hòa? Chính xác nhất là chính mình chọn lựa.

Như trong bài viết “Lại nhớ những ngày huyên náo” Nguyễn Phong Việt bày tỏ: “Suy cho cùng, khoảnh khắc nào trong cuộc đời này cũng có giá trị... Lúc huyên náo chính là lúc mình biết trân trọng hơn những giây phút lặng im. Lúc lặng im kéo dài mới nhớ, thì ra huyên náo là một thử thách, khiến mình có cơ hội trưởng thành trong từng lựa chọn và suy nghĩ”.

Đó là thời khắc thành phố đang trong giai đoạn giãn cách của cơn đại dịch. Một thành phố năng động hối hả từng ngày bỗng chìm trong im lặng và lòng người cũng lắm nỗi nghĩ suy. Những ngày nhàn tản ban đầu dần dà thay thế bằng sự bức bí và túng cùng.

Tuy nhiên, với người đã đi qua những va vấp, đã đủ nếm trải, đã chẳng còn soi chiếu cuộc đời bằng ánh nhìn tiêu cực thì chính quãng lắng của thành phố này, lại là thời khắc mình biết lắng nghe chính mình, sự lắng nghe luôn làm người ta trưởng thành hơn.

Với lối viết chân phương trong từ ngữ và kết cấu đi theo cung bậc cảm xúc, tập tản văn dễ dàng đem đến cho độc giả sự đồng cảm. Như loài cây bén rễ, đủ nắng, đủ mưa, trổ ra những xanh lá rực hoa, mỗi tản văn là một suy niệm chín muồi. Đọc vào thấy giản đơn nhưng quy kết những tinh tế của cả khoảng đời.

Nguyễn Phong Việt đi từ biển, chạm phố thị và chọn nơi này để gắn kết. Đó không phải là chặng đường trải đầy hoa hồng, cũng không lắm gai nhọn, tất cả trải nghiệm của anh vừa vặn để bạn đọc lật từng trang sách tựa hồ như nghe anh kể chuyện.

Chuyện vụn, chữ phơi, nhưng lòng thì đầy. “Hành trình của con người cuối cùng chỉ cần tìm ra đúng khoảnh khắc của nhận thức này - không vì ai ở lại nhưng cũng không vì ai mà rời đi. Chỉ cần vì mình!” (Hành trình của con người).

Nguyễn Phong Việt luôn mang dấu ấn riêng, với thơ là con đường khai phá tạo nên những luồng dư luận âm ba suốt 10 năm qua. Nhưng với tản văn cũng thế, một màu sắc không lẫn vào đâu của dòng sách tản văn hàng ngày vẫn đều đặn xuất hiện trên thị trường.

Tản văn Nguyễn Phong Việt có sự chắt chiu ý tứ, như thể được đẽo gọt từ niềm buồn nhân thế, từ nỗi vui sự đời, từ đắng đót ngọt ngào chính mình và những ki cóp góp nhặt của tha phương thập phần. Và mỗi câu chuyện anh mang ra như một loại món ăn bày biện trên mâm cỗ. Ngon hay không là do bạn đọc tự thấu cảm và hạnh ngộ. “Món ăn đáng nhớ nhất trong cuộc đời bạn là gì? Vì đó là một món ăn thật sự ngon? Hay vì đó là một hồi ức đẹp?” (Món ăn đáng nhớ).

Đã đi qua những thương nhớ, những tháng ngày thiên di và cả những được mất của nửa quãng đời người, dự phần còn lại của hành trình sống này Nguyễn Phong Việt mở ra một chiều kích để độc giả tự mình soi chiếu và đưa ra câu trả lời từ câu hỏi: “Chúng ta sống, là vì...?”. Tuy nhiên, như chính tác giả đã thổ lộ trong bài viết mang tên tập sách: “Chúng ta đang sống, vì điều gì, cũng được. Nhưng hãy sống với niềm vui, vì chúng ta xứng đáng với điều đó, nhất là trong hình hài một con người trong kiếp này!”.

Vì điều gì mà sống có quan trọng hơn là cách sống? Chúng ta chọn lựa gì để hành trình mình đi nhẹ nhàng như mây, thong dong như gió và sống như những ngày hạnh ngộ với tất thảy niềm đau nỗi vui. Sự hạnh ngộ ấy, may mắn thay, đó là một ngày ngược sáng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguyễn Phong Việt và những hạnh ngộ ngược sáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO