Nói đến sự ra đời của chữ Quốc ngữ ngoài việc vinh danh các giáo sĩ Dòng Tên cũng không nên quên công lao của Tổng trấn dinh Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ, người đã tạo điều kiện cho “hạt giống Phúc âm nẩy mầm” trên mảnh đất tốt này!
Tổng trấn Nguyễn Phúc Kỳ
Nguyễn Phúc Kỳ làm Tổng trấn dinh Quảng Nam từ 1614 đến 1631. Ông là con trai trưởng của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và Hoàng hậu Mạc Thị Giai. Không có tài liệu nào nói về năm sinh của ông. Ta suy đoán có lẽ ông sinh vào khoảng 1595 - 1596. Suy đoán vậy vì đây là năm mà Mạc Thị Giai lấy Nguyễn Phúc Nguyên và khi Nguyễn Phúc Kỳ lên làm Tổng trấn vào năm 1614, lúc đó ông đã trưởng thành, ít ra là phải đủ… 18 tuổi!
Khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng mất năm 1613, Nguyễn Phúc Nguyên lên thay, Nguyễn Phúc Kỳ được cử thay cha điều hành dinh Quảng Nam vào năm 1614. Về nguyên tắc là con trưởng lại từng trải qua chức Tổng trấn Quảng Nam ông sẽ là người kế nghiệp cha ở ngôi chúa. Nhưng ông vắn số, mất vào năm 1631, khi chúa cha vẫn còn tại vị.
Dinh Quảng Nam dưới thời Nguyễn Phúc Kỳ được đánh giá là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất: “Cũng như cha là chúa Sãi, công tử Nguyễn Phúc Kỳ vừa có tài lại vừa có đức, được quân dân cảm mến và trong 18 năm dưới quyền cai trị của ông, nhân dân Quảng Nam đã được vui sống trong cảnh an cư lạc nghiệp” (Phan Du, Quảng Nam qua các thời kỳ, Nxb Cổ học tùng thư, 1974, trang 78). Đây là giai đoạn Nguyễn Phúc Nguyên cố thực hiện lời dặn của chúa cha Nguyễn Hoàng trước lúc lâm chung: “Nếu biết an dân, luyện binh… thì (vùng Thuận Quảng) đủ để xây dựng sự nghiệp muôn đời” (Phan Khoang, Việt sử Xứ Đàng Trong, Nxb Khai Trí, trang 164). Để xây dựng “sự nghiệp muôn đời” Nguyễn Phúc Nguyên tỏ ra cương quyết (hơn cả chúa Tiên Nguyễn Hoàng) trong việc đối kháng với phương Bắc (họ Trịnh) nên đầu tư nhiều hơn cho Quảng Nam, nơi được xem là “hậu phương” cho Bắc cự (chống Trịnh) và “bàn đạp” cho Nam tiến (mở cõi). Phan Khoang cho biết: “Sự ly khai với triều đình nhà Lê, và đối kháng chiến tranh với họ Trịnh bắt đầu từ đời Thụy quận công” (Việt sử xứ Đàng Trong, trang 166).
Cũng với mục tiêu này, họ Nguyễn đẩy mạnh thực hiện chính sách mở cửa tăng cường giao thương với các nước Âu Á. Thông qua cảng thị Hội An, ngoài người Trung Hoa và Nhật Bản, chúa Sãi còn giao thiệp với người Bồ và người Hà Lan. Chính sách mở cửa đã tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, không những đối với các ngành nông lâm, ngư nghiệp (khai thác nông - lâm - hải sản xuất khẩu) mà cả các ngành tiểu thủ công nghiệp (dệt lụa, làm đường mía…). Người dân lại được khuyến khích sản xuất bằng chính sách cho phép dùng sản phẩm sản xuất để đóng thuế. Hàng hóa do các thuyền buôn mang đến cũng hết sức dồi dào.
Chính sách mở cửa không những tạo thuận lợi cho các thương nhân mà cho cả các nhà truyền giáo phương Tây. Phan Du viết: “Với chủ trương mở cửa tiếp xúc cùng các nước Âu Á của Đàng Trong, Quảng Nam dinh không những chỉ lôi cuốn các thương thuyền, thương khách từ viễn xứ tấp nập đổ về mà còn lôi cuốn cả đám ngư phủ tinh thần là đám giáo sĩ Thiên chúa giáo vì nơi đây đúng là vùng đất tốt để gieo hạt giống Phúc âm, là cái thủy phận dễ bề tung lưới và thu nhiều kết quả” (trang 101).
Tổng trấn Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ cũng như chúa Sãi tỏ ra có nhiều thiện cảm và đã dành cho họ mọi sự dễ dàng trong việc truyền đạo. Phan Khoang cho biết: “Trong khoảng từ 1615 - 1626 đã có khoảng vài mươi giáo sĩ Dòng Tên qua xứ Đàng Trong. Họ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau như Bồ Đào Nha, Nhật Bản và Pháp” (Sđd, trang 576). Đặc biệt Tổng trấn Nguyễn Phúc Kỳ tận dụng triệt để kiến thức về thiên văn học, toán học và y học của các giáo sĩ cũng như nền kỹ thuật và công nghệ tiên tiến của phương Tây. Nhờ chính sách này một “sự kiện độc đáo hàng đầu” đã diễn ra ở Quảng Nam. Đó là sự hình thành chữ Quốc ngữ gắn với tên tuổi của các giáo sĩ như Christoforo Borri, Francesco Busomi, Diego Carvallo, Francis de Pina, Alesxandre de Rhodes…
Ngày nay nói đến công lao những người tạo ra chữ Quốc ngữ ngoài các giáo sĩ Dòng Tên cũng nên nhắc đến những người Việt Nam cộng tác với các giáo sĩ như ông Nghè Bộ, Paphaen Rhodes (cậu bé Thanh Chiêm 13 tuổi) và cũng không được quên công lao chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và nhất là của Tổng trấn Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ.
Nhật thực năm 1621
Ngày nay nói đến nhật thực và nguyệt thực thì ai cũng biết, đó là hiện tượng mặt trời hay mặt trăng bị che khuất một phần hay toàn phần, xảy ra do vị trí của các hành tinh mặt trời, mặt trăng và trái đất trên quỹ đạo của nó. Nhưng thời trước vẫn xem đây là những hiện tượng huyền bí, báo hiệu những chuyện bất thường. Họ tin rằng nhật thực, nguyệt thực là do mặt trời, mặt trăng bị rồng ăn, gấu nuốt. Vì thế mỗi lần xảy ra hiện tượng này thì triều đình cho bắn súng thần công, đại bác, đốt pháo… còn dân chúng phải đánh chiêng trống, khua chuông, gõ mõ, đập thùng thiếc, nong nia để xua đuổi rồng và gấu, bắt nhả mặt trời, mặt trăng ra, trả ánh sáng lại cho trời đất.
Năm 1621, quan Khâm thiên giám ở phủ Chúa dựa vào lịch Tàu cho biết sẽ có nhật thực vào ngày 21 tháng 5. Triều đình ra lệnh cho các địa phương phải đề phòng, chuẩn bị đối phó. Ở Dinh trấn Thanh Chiêm, Tổng trấn Nguyễn Phúc Kỳ được các giáo sĩ giải thích nguyên nhân của hiện tượng này theo khoa học và cho rằng ngày đó có nhật thực nhưng sẽ không diễn ra ở khu vực Đàng Trong. Nguyễn Phước Kỳ nghe theo nên không ra lệnh cho dân chúng chuẩn bị. Ông bị chúa Sãi khiển trách về tội khinh suất, không nghe lời Vương phủ. Nguyễn Phúc Kỳ liền viết thư cho cha trình bày lý do và nhấn mạnh là hiện ở Dinh trấn Thanh Chiêm ông có nhiều nhà thiên văn giỏi hơn các quan coi về lịch pháp ở Vương phủ và đến ngày đó sẽ không xảy ra điều “bất tường” nào cho xứ sở.
Đến 15 giờ ngày 21 tháng 5 - thời gian mà quan lịch pháp thông báo sẽ xảy ra hiện tượng, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên liền dẫn toàn bộ triều thần ra ngoài để xem nhật thực. Quả nhiên, hiện tượng nhật thực không xảy ra, ngày hôm sau cũng không có. Lúc này Nguyễn Phúc Nguyên mới thực sự tin là con mình nói đúng. Dịp này, Nguyễn Phúc Kỳ liền tấu trình về phủ Chúa niềm hãnh diện của ông về những nhà thiên văn tài giỏi, không những giúp ông đoán trước các hiện tượng mà còn trong việc hướng dẫn dân chúng trong sản xuất nông nghiệp, trị thủy… Sau sự kiện này, uy tín của các giáo sĩ tăng mạnh ở xứ Đàng Trong, không những với Tổng trấn Nguyễn Phúc Kỳ và cả với chúa cha, Nguyễn Phúc Nguyên. “Nhờ uy tín này các giáo sĩ được các Chúa tin dùng vì các chúa Nguyễn đã sớm nhận thức được cái lợi của kỹ thuật Tây phương trong công cuộc hưng nghiệp” (Phan Du, sđd, trang 102).