Nguyễn Thành Ý: Nhà ngoại giao chuyên nghiệp

LÊ THÍ 20/01/2018 10:22

Dưới thời Nguyễn, Quảng Nam có nhiều người làm ngoại giao như Nguyễn Thuật, Phạm Phú Thứ, Lê Đỉnh… Nhưng có lẽ Nguyễn Thành Ý mới là nhà ngoại giao chuyên nghiệp và là người gặp nhiều khó khăn nhất vì ông làm việc trong giai đoạn quan hệ Việt - Pháp rất phức tạp, giữa những người Pháp đầy dã tâm và triều đình Huế lừng khừng “nửa nạc nửa mỡ”.

Mộ Nguyễn Thành Ý ở Điện Phước, Điện Bàn.
Mộ Nguyễn Thành Ý ở Điện Phước, Điện Bàn.

50 năm làm quan vẫn thanh bạch!

Nguyễn Thành Ý tự là Thiện Quang, hiệu là Túy Xuyên, sinh năm 1819 tại làng Túy La, huyện Diên Phước (nay thuộc thị xã Điện Bàn). Ông không thuộc gia đình có truyền thống khoa bảng. Thân phụ của ông chỉ giữ chức Thủ hạp của nguồn Ô Gia. Nhưng gia đình ông lại là gia đình học vấn tiêu biểu, được Tự Đức tặng danh hiệu “Ngũ tử đăng khoa” vì cả 5 anh em ông đều đỗ đạt, gồm 2 cử nhân là Nguyễn Thành Ý (1843), Nguyễn Tịnh Cung (1852) và 3 tú tài Nguyễn Chánh Tâm, Nguyễn Khắc Thân, Nguyễn Tu Kỷ.

Nguyễn Thành Ý đỗ cử nhân năm Quý Mão 1843 (khoa này em trai út của ông là Nguyễn Tỉnh Cung đỗ tú tài). Ông khởi đầu bằng một chức quan nhỏ ở kinh. Một lần, khi sứ thần Vạn Tượng (Lào) đến kinh, vua Tự Đức sai các quan làm thơ ca ngợi triều đại thái bình của mình và mối quan hệ tốt đẹp của hai nước. Đọc các bài thơ dâng lên, đến bài của Nguyễn Thành Ý, Tự Đức đã phải tán thưởng “Trẫm không ngờ người này lại làm thơ hay đến thế!”. Từ đó ông được nhà vua tin dùng. Ông từng trải qua các chức vụ Tri huyện Kiến Hòa, tri phủ Tân Bình, tri phủ Phước Tuy, Hộ đốc Gia Định, Quản đạo Phú Yên, Chánh Hải phòng sứ Quảng Nam, Khâm phái kiêm Lãnh sự Việt Nam tại Gia Định, Tham tri bộ Hộ, bộ Binh, Tổng đốc Hải An, Thượng thư bộ Lễ, Đô sát ngự sử. Khi về hưu được phong tước “Phụ đạo Đại thần Hiệp biện Đại học sĩ” (1894). Ông mất ở quê nhà năm 1897, thọ 78 tuổi.        

Trải qua hơn 50 năm làm quan, nhiều lần ra nước ngoài, làm đến tứ trụ triều đình, lại là thầy của vua, khi về hưu Nguyễn Thành Ý vẫn chỉ sống trong một căn nhà ba gian lợp tranh. Vì thế được người đời phong tặng là “Nguyễn đại thần thanh tháo như băng”.

Vị lãnh sự đầu tiên trong lịch sử ngoại giao    

Nguyễn Thành Ý tự học đến mức nói thông thạo tiếng Pháp - một khả năng hiếm có trong giới quan lại thời bấy giờ, lại có nhiều năm làm quan ở Nam kỳ nên rất am tường về vùng đất này (khi làm tri phủ Phước Tuy ông đã mộ gần 4.000 nghĩa dõng gửi vào kháng Pháp dưới cờ của Trương Định). Mặt khác với “biệt tài tranh cãi” và am tường cách thức đối ngoại, Nguyễn Thành Ý đã sớm được triều đình biệt phái làm công việc ngoại giao. Năm 1874, sau hiệp ước Giáp Thân, ý đồ xâm lăng của Pháp đã lộ rõ, triều đình lấy làm lo lắng. Vì thế, khi đang giữ chức Chánh Thương biện Hải phòng Quảng Nam, Nguyễn Thành Ý được gọi về kinh, thăng Hồng Lô tự khanh và cử làm Khâm phái kiêm Lãnh sự tại Gia Định với nhiệm vụ thương lượng với Pháp nhằm ngăn chặn một cuộc xâm lăng toàn diện. Ông chính là vị lãnh sự đầu tiên trong lịch sử ngoại giao của nước ta.

Nguyễn Thành Ý rất khôn khéo, mềm dẻo nhưng cương quyết, trong suốt 9 năm (1874 - 1883) trên cương vị này (có gián đoạn mấy lần) dù hết sức cố gắng nhưng kết quả đạt được vẫn không như mong muốn vì điều kiện làm việc hết sức khó khăn giữa những người Pháp “hừng hực tham vọng xâm lăng” và một triều đình Huế bạc nhược luôn “nửa nạc nửa mỡ”!

Năm 1877 ông được thăng Quang Lộc tự khanh, lãnh chức Chánh Khâm phái dẫn đầu phái đoàn Việt Nam đem hàng hóa và đặc sản đi dự đấu xảo quốc tế tại Paris. Năm 1879, lại dẫn đoàn học sinh Việt Nam sang học tại Trường cơ khí Toulon (Pháp). Năm 1880, khi về nước lại tiếp tục làm Khâm phái kiêm Lãnh sự tại Gia Định. Cuối năm ông được điều về làm Tổng đốc Bình Định rồi về kinh giữ chức Tham tri bộ Binh.

Từ năm 1882, với ý đồ của Pháp muốn mở rộng chiến tranh ra bắc, mối quan hệ giữa triều đình Huế và Pháp xấu đi nên một lần nữa vua Tự Đức phải nhờ Nguyễn Thành Ý vào Sài Gòn để tiếp tục đàm phán.

Rồi giặc Pháp chiếm thành Hà Nội, Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết; nghĩa quân ta chặn đánh địch khắp nơi và đã giết đại tá Pháp là Henri Rivière ở Cầu Giấy; mối bang giao Việt - Pháp lại càng căng thẳng. Thêm vào đó là việc Pháp phát hiện ra Lãnh sự Nguyễn Thành Ý đang âm thầm ủng hộ các cuộc kháng chiến ở Nam kỳ, nên giữa năm 1883, Pháp ngang nhiên bãi bỏ tòa Lãnh sự Việt Nam tại Nam kỳ và trục xuất Nguyễn Thành Ý ra khỏi thuộc địa của Pháp trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Cuối năm 1883, vua Tự Đức băng hà. Quan tài còn đang quàn tại điện Càn Thành thì Pháp ngang nhiên đưa tàu chiến vào cửa biển Thuận An, uy hiếp kinh thành Huế. Triều đình lại cử Nguyễn Thành Ý, lúc này đang là Tham tri bộ Binh cùng với Phạm Như Xương và Nguyễn Trọng Hợp đi thương lượng. Người Pháp rất “ngán” nhà ngoại giao người Quảng Nam này nên viện cớ chính phủ Pháp đã trục xuất ông khỏi Nam kỳ, khước từ việc cùng ngồi thương thuyết với ông. Cuộc đời ngoại giao của Nguyễn Thành Ý vì thế mới phải dừng lại để chuyển sang những trọng trách khác. Chỉ 9 năm làm ngoại giao nhưng trong quan hệ Việt - Pháp nơi nào khó khăn nhất đều thấy có mặt Nguyễn Thành Ý.

Chuyến đi đấu xảo đầu tiên của nước ta

Sách Đại Nam thực lục cho biết, tháng 10.1877 theo lời mời của nước Pháp, triều đình đã cử Nguyễn Thành Ý làm Chánh Khâm phái dẫn một đoàn gồm 22 người sang dự đấu xảo ở Pháp. Ý đồ của Tự Đức là nhân dịp này sang do thám thái độ của người Pháp. Đoàn đã ở lại đây gần một năm, sau đó 14/22 người trong đoàn về nước, còn 8 người theo Nguyễn Thành Ý sang thăm Y Pha Nho (Tây Ban Nha). Đoàn đã ở Tây Ban Nha 28 ngày. Sách cũng cho biết chi phí cho chuyến đi là 32.938 quan tiền do Pháp tài trợ (trong đó Tây Ban Nha chi 8.960 quan).

Sau khi đoàn đi về, Tự Đức đã gọi Nguyễn Thành Ý và Nguyễn Tăng Doãn lên để hỏi tình hình. Năm nội dung chính mà hai ông tâu lên Tự Đức là:

- Nước Pháp là nước hùng mạnh chỉ thua Nga La Tư (Nga) và Anh Cát Lợi (Anh).

- Quân đội của họ kết hợp cùng các nhà buôn tạo ra tiền của cho quốc gia.

- Không thể nắm được ý đồ thực của người Pháp vì Pháp là nước dân chủ “quyền dân” được coi trọng, quốc trưởng không thể tự tiện làm mọi việc mà phải tuân theo quyết định của lưỡng viện quốc hội.

- Ở Pháp khoa học kỹ thuật rất phát triển. Họ đang có tàu chạy bằng hơi nước, nghiên cứu phát triển tàu chạy dưới đáy biển.

- Phong tục tập quán rất tiến bộ nhất là việc hôn nhân (chế độ một vợ một chồng), việc tang ma (Chết chôn trong vòng 3 ngày, chết chôn trong nghĩa trang xa khu dân cư, mộ xếp ngay hàng thẳng lối…).

Thay vì nghiên cứu những lời tâu của hai ông để thực hiện canh tân đất nước, Tự Đức lại nổi giận cho rằng: “đề cao quá mức nước Pháp, tâu bày phần nhiều nói hão” nên giao cho đình thần bàn. Kết quả là: “Nguyễn Tăng Doãn bị giáng về hàm cũ (tả Tham tri) còn Nguyễn Thành Ý bị cách lưu”.

LÊ THÍ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguyễn Thành Ý: Nhà ngoại giao chuyên nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO