Tác phẩm, tác giả

Nguyễn Thị Như Hiền: Quê nhà bám rễ trong từng con chữ

TÂY BÌNH 04/02/2024 10:15

Với Nguyễn Thị Như Hiền, chọn nghiệp văn chương là con đường nhọc nhằn, nhưng chính mỗi con chữ bám rễ phía quê nhà khiến cho hành trình này nhận về nhiều trái ngọt…

tnb-62950.jpg
Cây bút trẻ Nguyễn Thị Như Hiền.

Viết cho nỗi lòng xa xứ

Nguyễn Thị Như Hiền đến với văn chương rất sớm, từ cấp 2, cấp 3 đã có sáng tác được đăng trên báo Thiếu niên tiền phong, trang văn nghệ thiếu nhi Đài tiếng nói Việt Nam, báo Quảng Nam.

Thời sinh viên nhiều truyện ngắn đăng trên Áo Trắng, vài tờ tạp chí văn nghệ địa phương… Năm 2012, Như Hiền tốt nghiệp đại học và ngưng sáng tác bởi những bộn bề cuộc sống của một người từ tỉnh lẻ tìm kiếm cơ hội giữa thành phố hoa lệ.

Những tưởng văn chương đã bỏ mình, nhưng chính những ngày dịch giã với nhiều đau thương, xáo trộn của năm 2019, cảm xúc lại cựa mình để Như Hiền có thêm tác phẩm tiếp nối quãng nghỉ khá dài ấy. “Đó là lúc dòng người tha hương từ Sài Gòn tìm mọi cách về quê như vỡ trận, có cả đồng hương xứ Quảng.

Nguyễn Thị Như Hiền sinh năm 1990, quê Nông Sơn, hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh. Cô đoạt một số giải thưởng như: giải nhất cuộc thi viết “Hương vị tết” - báo Người Lao Động năm 2023; Cuộc vận động sáng tác văn học dành cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam (2021 - 2025), tổng kết giai đoạn 1 (2021 - 2023) truyện dài “Đi bắt nỗi buồn” đoạt giải 3; giải nhất cuộc vận động sáng tác truyện ngắn và ký về đề tài “Người chiến sĩ công an cơ sở vì bản làng bình yên, vì nhân dân phục vụ” của Bộ Công an… Sách đã in: “Mưa qua triền rang” (NXB Thế Giới).

Trên hội nhóm, group đồng hương ngày nào cũng có vài ba tốp người chạy xe máy, vượt cả ngàn cây số theo con đường Trường Sơn để về quê.

Một buổi chiều khi chính quyền TP.Hồ Chí Minh ra chỉ thị “ai ở đâu ở yên đó”, quá xúc động trước hình ảnh nhiều người nằm nghỉ vật vạ trên hành trình chạy xe về quê, mình viết truyện ngắn “Nơi chốn bình yên” và được chọn đăng trên Quảng Nam cuối tuần.

Hành trình trở lại với văn chương từ chính những người đồng hương, đăng trên tờ báo quê nhà trở thành sợi dây kết nối, là duyên lành để mình tiếp tục bước về phía trước trên con đường chữ” - Như Hiền chia sẻ.

Biết quan sát và đồng cảm với những câu chuyện trong đời sống, Như Hiền đưa nhân vật vào truyện rất tự nhiên.

“Cách đây vài tháng, mình nghe một bà mẹ ở trọ kể về đứa con trai chạy Grab bị cướp đâm ở Sài Gòn. Từ câu chuyện có thật đó, mình đã viết nên truyện ngắn “Bờ lau xao xác” đăng trên Văn nghệ quân đội. Những câu chuyện như thế, nếu mình không phải là người viết thì sẽ không thể nghe được” - Như Hiền nói.

Cách kể chuyện của Như Hiền nhẹ nhàng nhưng không hời hợt mà trầm lắng như chính cơn gió quê nhà thổi qua từng mạch xúc cảm giữa chốn phồn hoa. Chính sự khác biệt ấy tạo nên giọng văn của Như Hiền, chạm đến trái tim bạn đọc.

Về quê trên từng con chữ

Khi đọc và theo dõi hành trình văn chương của Nguyễn Thị Như Hiền, dễ dàng nhận ra bàng bạc trong tác phẩm là dòng sông, cánh đồng, các mẹ, các chị nơi vùng đất đầu nguồn quê nhà.

Tại sao không phải phố thị mà là quê nhà yêu dấu trong từng con chữ? Truyện của Như Hiền không gai góc, đôi lúc mang đến cho bạn đọc cảm xúc như gặp lại cố nhân, gặp lại chính mình trong ngày mùa đông nhiều mây và đầy gió...

Như Hiền chia sẻ: “Tính đến thời điểm hiện tại, mình có 14 năm học tập, sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh nhưng trong lòng luôn có cảm giác mình không thuộc về phố thị.

Tha hương nhiều năm, cảm giác cô đơn, lạc loài giữa xứ người thường cứ trở đi trở lại, chỉ cần một bận nào đó hàng cây trở mình trút lá cũng xao xác nhớ nhà. Viết về quê hương cũng là một cách để xoa dịu nỗi nhớ nhung quê cũ. Và mình đã có cuộc trở về quê bằng chính con chữ”.

Là con nhà nông, lớn lên với ruộng đồng quê mẹ, hình ảnh hay xuất hiện trong truyện ngắn của cô như dòng sông, cánh đồng, các mẹ các chị hiền lành ở quê… chính là những điều đã gắn bó từ thuở ấu thơ, tự nhiên như hơi thở. Thêm một truyện ngắn về quê nhà là thêm một lần tô đậm tình yêu với quê hương.

Nhiều người dùng chữ “lành” để nhận xét về truyện của Hiền. Văn chương với cô không cần đao to búa lớn hay lên gân, minh họa cho một đạo lý cao siêu nào đó.

Cô nói: “Chỉ mong ai đó đọc truyện của mình, họ cảm thấy bình yên, thấy hy vọng, tươi sáng… Chợt nhớ có lần viết về một người đàn bà bán gánh ở quê. Có một người đọc đã nhắn tin trên Facebook cho mình rằng “Đọc bài viết đó giống y như em đang tả về mẹ của anh. Cảm ơn em đã cho anh gặp lại mẹ. Mẹ anh mất cũng hơn mười năm rồi!”. Với một người viết như mình, chỉ cần vậy thôi là đủ”.

tnb-62950-01.jpg

Tôi đồ rằng, những kẻ mang thân phận tha hương từng đọc “Nơi chốn bình yên” của Như Hiền sẽ không kìm được giọt nước mắt mà để tuột dài theo từng thổn thức, bâng khuâng: “…Mà ở xứ này, nhà nào chẳng có người trẻ ly hương. Quê ông, mỗi năm bão cứ quét qua quét lại như người ta cứ nhằm mãi chỗ đau mà cứa. Những đứa con nít đầu tóc cháy vàng hoe vì nắng cũng mong mình lớn thật nhanh để rời xa đồng ruộng.

Thành thử, những ngôi nhà nằm lẻ loi bên sườn đồi vốn đã buồn ngày càng buồn hơn. Hằng ngày ông bà cũng chỉ quẩn quanh heo gà, với mấy đám ruộng nằm xiêu vẹo theo dáng hình của núi. Tối về nấu cơm ăn rồi đi ngủ sớm. Làng của ông bà chỉ thật sự hồi sinh khi tết đến. Đó là lúc những đứa con đi xa trở về”.

Một giọng quê duyên dáng và đặc biệt

Trong những truyện ngắn gửi cộng tác với Báo Quảng Nam, nhận ra Nguyễn Thị Như Hiền mạnh dạn đưa giọng nói và món ngon quê hương vào tác phẩm.

Phải chăng, chính quê xứ nên cái chất rặt Quảng không cần khỏa lấp mà cứ thế hiện diện duyên dáng: “Nội quên gì thì quên, chứ mùi của con mắm thính sao mà nội quên được. Bây chê nó mặn, nó dở nhưng nhai kỹ với miếng cơm nóng mới thấy nó béo, nó thơm.

Mấy chục năm rồi mà vị mắm người ta vẫn giữ được như những ngày cũ” (Ở bên bờ quên nhớ)” hay “Thấy ba tôi vác cuốc đi ruộng, tôi nháy mắt với nó đi tắm sông. Nó gật đầu liền.

Từ bữa đó, nó hay kiếm cớ qua ăn chực nhà tôi. Mít non kho, dưa mắm, măng trộn, mướp xào… má tôi nấu nó khen lấy khen để, bảo má tôi nấu ăn ngon nhứt làng Mênh Mông. Má cười, mắt hấp háy vui” (Để lại những dấu chân)…

“Một nhà văn không hẳn chỉ viết về những thứ mình thích, mà cần ý thức nghiêm túc về nghề nghiệp và trách nhiệm của mình. Con người Quảng Nam, tính cách Quảng Nam, món ăn Quảng Nam, văn hóa Quảng Nam…những điều ấy đáng để đưa vào trang viết của mình lắm chứ!

Có rất nhiều nhà văn đã quảng bá quê hương của họ với bạn đọc cả nước thậm chí là thế giới, vậy tại sao mình không làm điều đó? Hơn nữa, quê hương đã cho mình quá nhiều thứ, viết về quê mẹ cũng là một cách để trả những ân tình.

Trong truyện ngắn “Ngồi xuống uống một ly trà” vừa được Bộ Công an trao giải A cho cuộc vận động sáng tác truyện ngắn và ký về đề tài “Người chiến sĩ công an cơ sở vì bản làng bình yên, vì nhân dân phục vụ”, mình đã đưa tiếng Quảng vào truyện này. Truyện lấy bối cảnh chính là vùng núi quê mình khi mùa mưa bão tới.

Khi gửi truyện này đi dự thi, mình phân vân rất nhiều bởi biết rằng ban giám khảo chủ yếu người miền Bắc không biết có đồng cảm với các từ “chi, mô, răng, rứa” hay những câu nói đậm chất Quảng…

Khi truyện được trao giải A, mình nhận ra rằng sử dụng ngôn ngữ quê hương cũng là một cách để tạo cho truyện mình có điểm nhấn, mang màu sắc riêng biệt khi được xếp kề với những tác phẩm của người khác.

Giọng Quảng Nam rất đặc biệt, việc dùng phương ngữ trong truyện ngắn chính là một cách định danh tính Quảng trong truyện của mình” - Như Hiền bộc bạch.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguyễn Thị Như Hiền: Quê nhà bám rễ trong từng con chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO