Ẩm thực

Nguyên tiêu thưởng chiếc bánh trôi

TRẦN HUYỀN TRANG 09/02/2025 09:00

Dù có nhiều món ngon truyền thống nhưng bánh trôi với ý nghĩa vẹn toàn vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều người để dâng cúng trong dịp tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng).

Bánh trôi (chè trôi nước) miền Nam là món ngon viên mãn trong Tết Nguyên Tiêu
Bánh trôi (chè trôi nước) miền Nam là món ngon viên mãn trong Tết Nguyên Tiêu

Đêm Nguyên tiêu, trên trời có mảnh trăng tròn, dưới nhân gian, có mâm lễ cũng tròn đầy tâm thành của gia chủ. Mọi thứ giao hòa trong ánh sáng thuần khiết của tạo vật. Cho nên, lễ nghi trong dịp tết Nguyên tiêu là thứ lễ nghi trang trọng, không thua kém bất cứ lễ nghi nào.

Món ngon viên mãn

Từ lâu, rằm tháng Giêng được xem là ngày rằm lớn nhất, quan trọng nhất trong năm. Nhiều người chăm chút những món ngon trong mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng chỉn chu, tỉ mỉ.

Ngoài những món bánh trái khác cho mâm cao cỗ đầy, bánh trôi chính là món tưởng đơn sơ nhưng lại trang trọng nhất. Những viên bánh trôi nước vo tròn mịn màng ôm trọn lớp nhân đậu mềm mại bên trong; ẩn mình trong thứ nước đường nâu nhạt thơm phức mùi gừng, thêm chút nước cốt dừa sánh đặc béo bùi...

Ước vọng một năm mới công việc diễn ra suôn sẻ, trôi chảy, thuận lợi, gia đạo an hòa, con cái cha mẹ sum vầy đoàn viên… đều gửi gắm hết trong những viên trôi nước đẹp đẽ kia. Dưới ánh trăng sáng đêm rằm tháng Giêng, người ta luôn dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất.

Nguồn gốc bánh trôi của người Việt bắt nguồn từ loại bánh thang viên, hay còn gọi là bánh Nguyên tiêu của người Hoa, vì thường được dâng cúng tết Nguyên tiêu. Món bánh vốn có xuất xứ từ Trung Hoa cổ đại, sau lại được lưu hành, phổ biến rộng rãi tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Chè trôi nước lá dứa - bản biến tấu của chè trôi nước truyền thống
Chè trôi nước lá dứa - bản biến tấu của chè trôi nước truyền thống

Bánh trôi của người Việt có hai loại khác nhau: bánh trôi cúng Hàn thực của miền Bắc và chè trôi nước của miền Nam. Tuy cách làm bánh trôi 2 miền có phần giống nhau, nhưng cách trình bày món ăn lại mỗi miền mỗi kiểu.

Bánh trôi cúng Hàn thực thường là những viên bột nếp chỉ lớn hơn đầu ngón tay, được xếp cạnh nhau trên mặt đĩa, bên trên mặt bánh rắc thêm nhúm mè rang, có ít hoặc không có nước đường. Chè trôi nước miền Nam lại là những viên bột lớn, bên trong là nhân đậu xanh.

Viên bánh trôi coi vậy mà rất hòa thuận với thứ nước đường gừng, khoe hết vẻ đẹp tròn đầy trong chén. Bên trên, người ta nhấn nhá thả thêm mấy sợi dừa nạo, chế thêm muỗng nước cốt dừa dằn bớt cái sự ngọt đậm của nước chè. Cái màu bột nếp già lửa ngả sang màu ngà, nhưng thứ vỏ bột áo được nhào nặn kỹ thành ra mặt bánh cứ láng o mịn màng, quyến luyến mắt nhìn.

Văn hóa ẩm thực lâu đời

Theo thời gian, món bánh trôi miền Nam dần dà được biến tấu trong cách chế biến để có hình thức bắt mắt hơn, chủ yếu là “tô màu” cho lớp vỏ áo: bánh trôi gấc, bánh trôi thanh long, bánh trôi lá dứa, trà xanh… Nhưng về cơ bản, đó vẫn là món bánh trôi dựa trên nền văn hóa ẩm thực lâu đời.

Bột bếp già lửa ngả sang màu ngà nhưng viên bánh láng mịn bắt mắt
Bột nếp già lửa ngả sang màu ngà nhưng viên bánh láng mịn bắt mắt

Một số món ăn truyền thống đã ít nhiều mai một, nhưng với món bánh đầy ý nghĩa này, cứ mỗi dịp tết Nguyên tiêu hay ngày đưa ông Táo về trời, tết Đoan Ngọ lại thấy rộn ràng trên mâm cúng.

Thưởng thức viên trôi nước dẻo thơm không chỉ với tâm nguyện mong cầu mọi thứ viên mãn. Món ăn còn để vị giác tìm về cội rễ của thức quà bánh dân dã nguyên lành. Tôi nhớ lời má nói: “Viên trôi nước tròn hay méo cũng phần nào thể hiện tâm trạng người làm ra nó. Ai có thể vo viên trôi nước tròn đầy khi lòng nơm nớp lo âu, phiền muộn?”.

Vậy đó, chỉ một món ăn mà gói ghém bao điều trong đó. Cho tới bây giờ, tôi vẫn không hiểu bằng cách nào mà má nhón mỗi cục bột chưa đầy lòng tay lại có thể nhào nặn ra những viên trôi nước đều nhau như làm bằng máy.

Có lẽ không phải chỉ vì làm nhiều quen tay, không cần cân đo đong đếm vẫn ước lượng, áng chừng “như thần”, mà là do má làm món này bằng cả cái tâm thành của mình. Chỉ cần nhìn viên trôi nước tròn hay méo, biết người làm thành tâm hay hững hờ. Người xưa nói không sai: “Tâm mình ở đâu, thành quả ở đó”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguyên tiêu thưởng chiếc bánh trôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO