“Bằng một cách nào đó, đi miền núi với mình không phải là “đi điền dã” nữa. Mà là đi về. Đi về miền núi. Vì đó là nhà mình”. Nguyễn Tri Hùng nói, miền núi Quảng Nam và anh, như là “duyên nghiệp” vậy.
Anh nói say mê. Cứ như thể đụng vào vùng cao là chạm ngay vào mạch máu đang chảy, như là gan ruột trong con người này. Có kỷ niệm vui, có sự hoang mang và rất nhiều những trăn trở. Người ta cảm nhận được một Nguyễn Tri Hùng uyên thâm với vốn văn hóa của đồng bào Cơ Tu, thì cũng nhận ra được đó là bởi trái tim của anh đã chân thành với bản làng, với người dân vùng núi Quảng Nam.
1. Hơn 34 năm trước. Một cậu sinh viên ngành Khảo cổ học của Đại học Huế đã nhen nhóm ý nghĩ làm sao để biết hết về người vùng cao, trong đó đặc biệt muốn đi sâu vào đời sống đồng bào Cơ Tu. Và Nguyễn Tri Hùng khi ấy, ngay sau tốt nghiệp năm 1984, đã rời bỏ thị thành xứ Huế quê hương để chọn về sống cùng đồng bào. Chọn cách ngồi bệt xuống mâm cơm bên bếp lửa, nói với người già rằng, “hãy xem con như là con của người Cơ Tu, con của ama, amế”, cùng ở, cùng ăn, cùng uống rượu. Nguyễn Tri Hùng nói đó là việc đầu tiên để anh bước vào cuộc sống của họ. Tri thức ư, anh nói, nó ở đầy trong các cuốn sách về đồng bào, của Le Pichon, của George Condominas. Nhưng có một nền văn hóa khác, một “loại hình sống” khác, mà chỉ khi anh là người Cơ Tu, tức là con người đứng bên trong các mối quan hệ xã hội ở chính môi trường sống của họ, anh mới biết được. Và sự khởi đầu từ lòng chân thành muốn hòa nhập với đồng bào, đã bén vào cuộc đời anh một mối duyên, một cái nghiệp với người Cơ Tu, với người Tà Riềng, người Ve, người Ca Dong, người Co ở Quảng Nam. “Đừng nghĩ rằng mình là người đa số ở đất nước này mà cho mình là người văn minh hay hiểu biết hơn bất cứ tộc người nào khác. Bình đẳng hết. Hơn nữa, nếu những ai làm công tác dân tộc mà không đặt mình vào cuộc sống của đồng bào, là con, là cháu của đồng bào, thì đừng mong đến chuyện họ mở lòng ra với mình” - Nguyễn Tri Hùng chia sẻ.
Người đàn ông gầy guộc này đã đến với đồng bào bằng con đường đó. Anh hòa nhập cùng cuộc đời của rất nhiều thế hệ người Cơ Tu, được họ coi như con, được họ “nuôi” và được họ tỏ bày những điều sâu kín nhất. Cho đến tận bây giờ, khi đã quá tuổi của những bước chân xông xáo, mạnh mẽ, khi chỉ còn chừng vài tháng nữa là thôi công việc - trước tiên là công việc của một người làm về ngành dân tộc học - Nguyễn Tri Hùng đã tự “hòa tan” mình, đắm chìm mình vào cái chiều sâu văn hóa khôn cùng của người miền núi. Anh trở thành một người miền núi, theo một cách nào đó, là người miền núi đáng tin cậy, của cả những già làng đã khuất, như Bríu Prăm, hay cánh chim triêng Y Kông, hoặc già “điêu khắc” Bríu Pố… Và anh nghiễm nhiên trở thành người nắm giữ sâu sắc tri thức bản địa vùng cao, ở vai trò một nhà nghiên cứu, nhà dân tộc học.
2. Những chuyến đi về vùng đất cũ. Bao giờ, Nguyễn Tri Hùng cũng được chào đón như một đứa con xa về nhà. “Bà mế, là vợ của bố Y Kông, thấy mình là mang rượu ra. Vì bà biết, à, thằng Hùng thì chỉ có rượu thôi” - anh cười - “Vùng đất cũ? Không bao giờ” - Nguyễn Tri Hùng khẳng định chưa bao giờ anh xem miền núi Quảng Nam là “đất cũ” trong tâm thức mình. Nó là cái hiện hữu, lúc nào cũng nằm trong lòng anh, có khi bằng một cuộc rượu giữa phố với “người anh em” trên núi xuống thăm, có khi bằng những chuyến chạy xe máy một mình từ thành phố về bản làng. Uống với người già ở làng những cuốc rượu tà vạt, ba kích, ngồi bên bếp lửa, đôi khi lặng thinh nghe họ hát khan, hát lý. Rồi sớm mai lại một mình về xuôi. Anh nói lạ lùng lắm, hơn 30 năm rồi, vẫn nguyên sơ tấm lòng đón nhận tình cảm của đồng bào, chưa bao giờ thôi nghĩ mình là con của người Cơ Tu. Một đứa con, thì hẳn, sẽ đau lắm khi nhìn thấy, nghe thấy những mất mát của cộng đồng mình. “Đúng rồi. Nhiều nỗi trăn trở. Rất nhiều phong tục nhân văn của đồng bào mất đi. Như người Cơ Tu, theo mình biết, không bao giờ đánh con, họ dạy con không bằng vũ lực. Và mình có hai đứa con. Mình học đồng bào cách sống này. Nhưng bây giờ, ở ngay trong cán bộ người Cơ Tu, mình đã nhìn thấy họ dùng roi vọt với con” - anh đau đáu. Và còn nhiều lắm, theo lời Nguyễn Tri Hùng, cuộc sống hiện đại của người dưới xuôi đã tác động mạnh vào chiều sâu cuộc sống cộng đồng của đồng bào. Có những sự chối bỏ - từ cung cách sống đến phong tục - nhìn thấy được ở lớp người trẻ, như câu chuyện họ không muốn làm nhà sàn, coi âm nhạc, nhạc cụ, nghệ thuật của đồng bào mình là lạc hậu. Anh nói: “Mà đây là điều nguy nhất, khi họ mang bản sắc mình đi đối sánh với nghệ thuật hay các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của số đông. Nhưng cũng may, dù rất ít, có một bộ phận người khác lại đi chắt chiu tìm từng thứ để giữ gìn”.
Nhiều người nói, Nguyễn Tri Hùng có chút “máu điên”. Nhưng không phải. Tôi nghĩ, vì anh sống chân thành, hết mình. Nguyễn Tri Hùng có được kiến văn đến vậy, 100% là nhờ những câu chuyện, những hiểu biết anh thu nhặt được trong những buổi tối ở bản làng, khi người đàn ông đi rẫy trở về, người đàn bà vừa kịp nhóm lên bếp lửa. Thì rượu dọn ra. Vui cùng họ, buồn cùng họ. Trong hơn 30 năm, Nguyễn Tri Hùng vừa làm rẫy, vừa uống rượu, vừa làm công việc của một nhà “dân tộc học”, quan sát, ghi chép. Anh nói gần như đồng bào quên anh là một nhà nghiên cứu, vì sự thân thiết, thân tình giữa anh và họ, hình như không có khoảng cách.
3. Từ việc định danh tên gọi làng, đến câu chuyện tiếng nói, chữ viết, món ăn, quà cưới, hội lễ, Nguyễn Tri Hùng rành rọt tới thứ nhỏ nhất. Nghe anh nói một chút về câu chuyện tên gọi của bản làng: “Tên làng, thôn ở người Cơ Tu nói riêng và các tộc người thiểu số khác ở vùng núi Trường Sơn - Tây Nguyên liên quan đến thiết chế kinh tế, văn hóa của cộng đồng dân cư và nó là tâm tư, tình cảm, là tên gọi của niềm tự hào văn hóa của người dân. Hãy hỏi dân và trả lại cái tên vốn có mà cha ông bao đời đã truyền cho con cháu. Tên con người có thể đặt đi, đặt lại nhiều lần nhưng tên quê hương, làng thôn chỉ một mà thôi”. Hay chuyện anh một mình thầm lặng đi tìm cái tên gọi để “chính danh định phận” cho người Ca Dong trong bản đồ tộc người Việt Nam. Anh hiền lành đó, xuề xòa đó, nhưng quyết liệt. Những ấn phẩm ra đời trong hơn 34 năm góp nhặt với đồng bào, đã xác quyết điều đó. Từ “Tìm hiểu người miền núi Quảng Nam” đến “Truyện cổ Cơ Tu”, “Truyện cổ Giẻ Triêng” cùng hàng trăm bài báo khoa học đã như một nhịp cầu nối giữa tri thức và cộng đồng, nối văn hóa xã hội của những tộc người với nhau.
Những câu chuyện cứ đan xen giữa hoài niệm và thực tại, giữa cái còn lại và mất mát, giữa những tiếng thở dài về sự phát triển và bảo tồn. Anh nói, có một việc mà từ khi sống giữa đồng bào đến lúc đi đi về về giữa thị thành và vùng núi, từ khi chân ướt chân ráo “xin” cùng chung sống với đồng bào Cơ Tu đến khi chuẩn bị về hưu ở thời điểm này, vẫn đau đáu chưa làm được. Và cả không thấy ai muốn làm. Đó là “bảo tồn sống”, bảo tồn “cái vốn là như vậy” ngay trong cộng đồng. Nguyễn Tri Hùng nói, trong chừng mực nào đó, thì đã có nhen nhóm tia vui ở Tây Giang. Nhưng phần lớn, ở các địa phương, bảo tồn theo kiểu “sân khấu hóa” là chủ yếu. Những giá trị văn hóa phi vật thể, dân tộc học… chỉ thực sự có ý nghĩa, thật sự được bảo tồn nguyên gốc khi góp mặt trong đời sống. “Làm sao để từ ý thức của đồng bào hiểu được những giá trị cổ truyền của dân tộc mình là vốn quý, phải tự mình bảo tồn trong đời sống hằng ngày trước, chứ không phải đợi nhà nước dựng lên các hội lễ” - anh nói. Và tiếp nhận vốn văn hóa khác, đương nhiên, là một điều tốt. Nhưng chắt lọc, gạn đục khơi trong để mở lòng đón nhận thì e quá khó. “Sự phân định tốt xấu mong manh như một làn sương. Ai là người làm nên sự phân định đó cho đồng bào? Tri thức bản địa của cư dân miền núi và chính môi trường sống của họ tạo nên bản sắc, không ai có thể phủ nhận nó. Họ dùng tri thức đó để ứng xử với môi trường tự nhiên. Nên những sự đầu tư từ phía Nhà nước, cần phải nắm rõ ràng nguyên tắc đó” - anh trầm ngâm.
Và người nhận mình chỉ là kẻ làm công việc chắt chiu, cũng tới lúc tóc ngả về chiều, trong một quán quen, nhấp một cốc rượu mà lòng lại mơ tưởng về những ngày cũ. “Phải có rượu, để đỡ nhớ chính mình”, anh nói đó, chắc nói cũng với… chính mình - một người được coi như con, như cháu của người Cơ Tu. Và dĩ nhiên, sống ở phố!
SONG ANH