Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn tưởng đã dứt bỏ nghề giáo khi chuyển sang nghiên cứu văn hóa và làm báo, đến cuối đời lại bất ngờ “tái sanh duyên”. Cũng như tâm thức nhớ quê qua bút danh Tần Hoài Dạ Vũ, ngỡ chỉ là cảm giác thoáng qua của tuổi học trò, nhưng ở tuổi xưa nay hiếm vẫn nguyên vẹn nỗi khát thèm quy cố hương…
Trang facebook cá nhân của ông Bổn vừa tràn ngập hình ảnh hội ngộ 60 năm thành lập trường THPT Trần Cao Vân – Tam Kỳ, nơi ông từng đứng trên bục giảng giai đoạn 1969-1971 với lứa học trò đầu tiên thành danh như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Tấn Sĩ… Ở tuổi 70, người đàn ông hào hoa này đang trải qua tháng ngày thực sự bình lặng, đúng như những gì người xưa từng ao ước: lão giả an chi.
Tự lần “chuỗi hạt số phận”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn. |
Nhưng sao dễ nguôi quên quá khứ sôi nổi và dậy sóng. Tuổi học trò dậy sóng với bút danh Tần Hoài Dạ Vũ. Bước vào nghề giáo, dậy sóng với những cuộc thuyên chuyển nhiệm sở. Lao vào nghiên cứu văn hóa dân gian, rồi làm báo, cũng dậy sóng theo một nghĩa nào đó ở khía cạnh dấn thân…
Hãy bắt đầu từ làng quê yên bình Giao Thủy (Đại Lộc), nơi Nguyễn Văn Bổn sống mấy năm đầu đời với ông nội - một nho sinh lỡ vận từng tham gia kỳ thi Hương cuối cùng của triều Nguyễn. Được ông nội dạy chữ Hán trước khi dạy chữ quốc ngữ, đến năm 1953 mới xuống Hội An ở với cha mẹ. Ra Huế học lớp 10 ban Văn chương sinh ngữ trường Quốc học từ năm 1962, hơn 7 năm sau ông cùng lúc nhận bằng cử nhân văn chương Đại học Văn khoa Huế lẫn bằng tốt nghiệp ban Việt – Hán trường Đại học Sư phạm Huế. Khởi sự bằng nghề giáo, dạy ở trường Trung học Trần Cao Vân (Tam Kỳ - Quảng Tín cũ) chừng 2 năm, ông đã bị thuyên chuyển. Hồ sơ cảnh sát quốc gia ghi nhận ông là đối tượng khuynh tả, theo Việt cộng. Từ năm 1971 vắt qua đến năm 1977, ông “trôi dạt” ở Huế, hết làm giám học, hiệu trưởng rồi chuyển xuống hiệu phó tại các trường Trung học Quảng Điền, Quốc học, Nguyễn Huệ…
Lá đơn xin ra khỏi ngành năm 1977 để quay về xứ Quảng nghiên cứu văn hóa dân gian là ngả rẽ đầu tiên. Nỗi buồn thân phận khiến ông vạ vật một thời gian, sau “hốt nhiên đại ngộ” khi tìm gặp tư tưởng buông bỏ sẽ có hạnh phúc của Bertrand Russell viết trong cuốn “Chinh phục hạnh phúc”, mới thư thái xách ba lô lên và đi. Năm 1988, ông xin nghỉ hưu non ở tuổi 42, rẽ một lối khác vào TP.Hồ Chí Minh theo nghiệp báo, làm qua các tờ Thanh Niên và Kiến thức ngày nay. Gần 24 năm sau, ông lại quay về nghề giáo khi nhận lời mời của ông Lê Công Cơ đảm nhận chức vụ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội của trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng). Xem như vừa khép một vòng xoay.
Ở tuổi cổ lai hy, ông Bổn gọi những “ngả rẽ” mà mình trải qua là chuỗi tràng hạt. Chúng tôi vẫn giữ bức thư ông gõ bằng máy chữ gửi về Quảng Nam trước khi ra mắt tập thơ “Suy niệm hoàng hôn” năm 2006. Trong thư, ông nhắc nhiều đến thái độ sống của mình, thái độ của một người tự thức: “Cuộc đời này/ đã xâu những đau khổ của ta/ thành một chuỗi tràng hạt/ và ta không còn biết làm gì hơn/ là lần chuỗi hạt của số phận/ với một nụ cười”.
Nặng lòng với nhân vật
Thủ Thiệm (cụ Nguyễn Tấn Nhơn) được xếp cùng chiếu với Trạng Quỳnh, Xiển Bột, Ba Giai - Tú Xuất… trên văn học sử Việt Nam, có công lớn của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn. Nhưng ông khiêm tốn bảo, chính ông Trương Giảng - Trưởng phòng văn nghệ (Sở VHTT Quảng Nam – Đà Nẵng) đã “kết nối” ông với di sản Thủ Thiệm. Một người khác nữa, nguyên giám đốc Sở VHTT Quảng Nam – Đà Nẵng Nguyễn Đình An, cũng gây ấn tượng mạnh. Ông tâm sự: “Anh Nguyễn Đình An gọi công việc sưu tầm văn hóa dân gian của chúng tôi là “đãi cát tìm vàng” và rất ủng hộ. Đó là một người giàu kiến văn và độ lượng”.
Lần in đầu tiên năm 1987, cuốn Truyện cười Thủ Thiệm chỉ vỏn vẹn 65 truyện cười, chưa đầy 80 trang. “Khi đó, tôi thậm chí chưa tìm ra mộ và có duyên gặp hậu duệ cụ Thủ Thiệm, chưa được đọc gia phả. Sau này, tôi trở lại điền dã vào năm 2002, tìm được mộ và huyền tôn của cụ Thủ Thiệm là ông Nguyễn Tấn Cự nên đã bổ khuyết, cho xuất bản cuốn Thủ Thiệm, tiếng cười dân gian độc đáo xứ Quảng năm 2007”, ông kể. Như một người nặng nợ với nhân vật, ông từng lo lắng khi hay tin mộ Thủ Thiệm ở Núi Thành đối diện nguy cơ sạt lở. Giờ mộ Thủ Thiệm đã được địa phương cải táng, ông lại nghĩ đến một con đường, một nhà lưu niệm mang tên Thủ Thiệm. Ông sẵn sàng chia sẻ khoản lương hưu để vận động kinh phí, sẵn sàng “biên tập” lại những mẩu chuyện cười để hấp dẫn du khách cho tour du lịch còn nằm trong tưởng tượng: dạo sông Trường Giang - viếng mộ - thăm nhà lưu niệm nghe kể chuyện cười Thủ Thiệm…
Quy cố hương
Năm học lớp 9, Nguyễn Văn Bổn có thơ in trên tờ Văn nghệ tiền phong (Sài Gòn) với bút danh “Tần Hoài”, ngụ ý nhớ quê mẹ. Ấy là ông mượn điển tích bên Tàu liên quan đến Địch Nhân Kiệt trong câu “Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại” (Mây bay ngang núi Tần Lĩnh không biết nhà ta nơi nào), và cũng phảng phất thi hứng vong quốc hận từ bài “Bạc Tần Hoài” danh tiếng của Đỗ Mục. Ra Huế, đêm nằm trên căn gác nghe mưa càng nhớ quê, ông thêm vào bút danh 2 chữ “Dạ Vũ”.
Nguyễn Văn Bổn (Tần Hoài Dạ Vũ) quê gốc Đại Lộc, lớn lên ở Hội An; hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam. - Đã in: Văn nghệ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng (2 tập), Văn học dân gian Quảng Nam (miền biển), Truyện cổ các dân tộc miền núi, Truyện cười Thủ Thiệm, Thủ Thiệm - tiếng cười dân gian độc đáo xứ Quảng; Chân dung thơ, Vươn tới tương lai (ký sự nhân vật), Phác họa chân dung thế hệ (in chung), Tiếng hát những người đi tới (biên soạn chung), Giấc mơ Duy tân (viết chung). - Thơ: Thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ, Ngọn lửa quạnh hiu, Tình yêu và vầng trăng lửa, Suy niệm hoàng hôn… |
Bài thơ đầu tiên ký tên Tần Hoài Dạ Vũ - “Giã từ quá khứ”, in trên tạp chí Bách khoa số 105 ra ngày 15.5.1963, khi ông học lớp 10 với nhuận bút “khủng” 100 đồng. Số in kế tiếp đăng “Bài ca mùa hạ”, nhuận bút vọt lên 200 đồng (trong khi tiền cơm tháng chỉ tốn 400 đồng). Kể từ đó, ông đĩnh đạc bước vào làng thơ, cả thơ tình và thơ tranh đấu. Ông sôi nổi sinh hoạt văn nghệ, tham gia nhóm Việt ở Đại học Huế, phụ trách tờ Tranh thủ - Huế, ủy viên chương trình phát thanh sinh viên Huế, phụ trách tạp chí Đối diện - Sài Gòn… Ông viết nhiều, được chọn in trên các ấn phẩm như Thơ của thế hệ nhà thơ chống Mỹ cứu nước, Bài ca thống nhất, Tình bạn – tình yêu (dịch ra tiếng Pháp)… Nhưng phải ngót gần 3 thập niên sau, ông mới cho in tập thơ tình đầu tiên.
Chàng học sinh đêm nằm ở Huế nghe mưa càng thấm câu Kiều “Đoái thương muôn dặm tử phần/ Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa”. Sau mấy mươi năm luân lạc, dải mây Tần trong ông vẫn ám ảnh. “Quá tuổi 60, ai cũng muốn quay về quê cũ. Giờ tôi đã 70, lòng càng muốn trở lại Quảng Nam sống, mỗi năm in một cuốn sách là mãn nguyện rồi” - Tần Hoài Dạ Vũ thổ lộ.
Khi hoạt động bí mật trong Ban cán sự chi bộ giáo chức TP.Huế (thời điểm làm giám học bên phá Tam Giang năm 1973), Nguyễn Văn Bổn từng đón ông Lê Công Cơ - thành ủy viên Thành ủy Huế - từ trên rừng về nhà mình ở suốt 3 tháng để hoạt động. Ai đọc tập tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu” (trong bộ “Bay qua cõi chết”) của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, dễ nhận ra Lê Công Cơ chính là nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Phi. Mối liên hệ gần gũi đó giúp Nguyễn Văn Bổn viết chung với Lê Công Cơ cuốn “Giấc mơ Duy tân”, vừa được NXB Trẻ ấn hành tháng 8.2015… Sau ngót 40 năm sau, đến lượt ông Cơ đón ông Bổn trở lại xứ Quảng. Mấy ai ngờ, bài thơ “Những cuộc chia tay và trở lại” ra đời 33 năm trước lại được Tần Hoài Dạ Vũ viết cho cuộc hồi hương của chính mình: “… Những dòng sông trôi đi, cuộc sống vẫn còn dài/ Cơn gió cũ qua rồi đời vẫn mát/ Một góc phố, một khoảng trời xanh ngát/ Lại đưa ta về trong ánh mắt của tình yêu”.
HỨA XUYÊN HUỲNH