Nguyễn Văn Hạnh trong công cuộc đổi mới văn học

PHẠM PHÚ PHONG 23/11/2023 14:25

(QNO) - Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh vừa từ biệt chúng ta ra đi vào cõi thiên thu vào lúc 22h30 ngày 19/11/2023 (nhằm ngày 7/10 năm Quý Mão), tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh (1931 - 2023) qua nét vẽ của Huỳnh Dũng Nhân.
Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh (1931 - 2023) qua nét vẽ của Huỳnh Dũng Nhân.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh sinh ngày 1/1/1931 tại Điện Bàn, Quảng Nam. Tập kết ra Bắc năm 1954. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông được cử sang Liên Xô học đại học (1957) rồi tiếp tục làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Ngữ văn (1963), tại trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốv (Liên xô cũ), là vị thầy khả kính của nhiều thế hệ học trò, trong đó có tôi.

Sau “cú đúp” lấy hai bằng cử nhân và tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp Matxcơva (1957-1963), nếu không tính thời gian làm chủ nhiệm bộ môn lý luận văn học Đại học Sư phạm Hà Nội (1963-1975) chưa có gì nổi trội, thì sự nghiệp giáo dục và hoạt động văn học của Nguyễn Văn Hạnh nổi bậc vào thời kỳ gắn liền với công cuộc đổi mới, có thể đã manh nha từ thời làm Trưởng ban điều hành (Viện trưởng) Viện Đại học Huế (1975-1977) và sau đó, bắt đầu từ khi ông rời chức vụ Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Huế (1977-1981), ra làm Phó trưởng ban Văn hóa – Văn nghệ Trung ương (1981), rồi chuyển về làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục (1983), đến khi tướng Trần Độ quay trở về tiếp tục làm Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương (1987), ông lại quay về làm Phó trưởng ban.

Không phải ngẫu nhiên mà hai lần ông từ bỏ những cương vị công tác có thể được coi là “đức cao vọng trọng” trong ngành giáo dục lúc này tương đối còn êm ả, để lao vào “điểm nóng” của sự nghiệp đổi mới và có đến mười năm lăn lộn, gắn bó, chịu bao nhiêu “hòn tên mũi đạn” với khát vọng góp phần xây dựng một nền văn hóa văn nghệ lành mạnh, dân chủ, nhân văn. Bởi lẽ, tư tưởng và khát vọng đổi mới đã có từ cốt tính trong con người ông, thể hiện rõ nhất qua từng trang viết, nhất là về mặt tư duy lý luận.

Ông đến với công cuộc đổi mới, trước hết với phẩm chất mẫn cảm của người nghệ sĩ và ý thức của một công dân khi đất nước cần/đòi hỏi, sau đó mới đến trách nhiệm của người được tin giao trọng trách.

Ở cương vị là một trong những người lãnh đạo cao nhất về tư tưởng, ông luôn tâm niệm rằng: “Làm công tác tư tưởng nói chung và làm văn học nghệ thuật nói riêng mà lẩn tránh sự thật, không dám nói lên được sự thật, thì không thể nào biết mình đang là ai, đang đứng ở đâu, phải làm gì và tiến lên như thế nào. Giả dối làm tê liệt thần kinh và cằn cỗi tâm hồn, xúc phạm lương tri và nhất định sẽ dẫn đến hỏng việc, nhưng nó thường ngọt ngào, trau chuốt, phỉnh nịnh. Sự thật thì mộc mạc, trần trụi, với những mặt tích cực, cao đẹp của nó và có khi với những cái cay đắng, đau lòng của nó. Chỉ có sự thật mới phát huy được ưu điểm và mới sửa chữa được khuyết điểm và sai lầm, đưa công việc đến kết quả, định hướng đúng cho suy nghĩ và hành động, bảo đảm sức sống và tiến bộ không ngừng cho sự nghiệp cách mạng” [Chuyện văn chuyện đời, Nxb Giáo dục 2004, tr.105]. Ông lật lại các vấn đề đã cũ nhưng yêu cầu nhận thức không hề cũ, đã từng có những ý kiến trái chiều gây không ít những cuộc tranh luận sôi nổi và âm thầm...

Đặc biệt, ngay từ đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước (1972), khi lý thuyết về mỹ học tiếp nhận mới được hai giáo sư Hans Robert Jauss và Wolfgan Iser ở Đại học Konstanz thuộc Cộng hòa liên bang Đức vừa mới đặt những bước thăm dò đầu tiên trước đó vài năm, thì ông đã quan tâm đến vai trò của người đọc, để rồi gần ba mươi năm sau, trong không khí đổi mới của đất nước, vấn đề này được nhiều người quan tâm và tiếp nhận văn học trở thành môn học trong chương trình đào tạo đại học và sau đại học ở nước ta.

 
 Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và một học trò

Nguyễn Văn Hạnh còn là nhà phê bình văn học, là tác giả nhiều chân dung văn học đặc sắc: Nguyễn Trãi, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Nguyễn Minh Châu, Phạm Tiến Duật... Đặc biệt, ông ngưỡng vọng bao danh sĩ đất Quảng, những con người luôn có khát vọng canh tân xứ sở, từ Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... đến Phan Khôi, Phạm Hầu, Nam Trân, Hằng Phương và nhiều người khác nữa. Kèm với đó là phân tích những vần thơ tỏ chí khí với thời cuộc, tỏ lòng với nước non, thấm đẫm ý nghĩa nhân văn đối với con người, đặt trong từng bối cảnh lịch sử của đất nước và tiến trình phát triển thơ ca của một vùng đất. Với những tri thức uyên bác về sự kiện, con người và bản lĩnh văn hóa,

Nguyễn Văn Hạnh không chỉ “là nhà khoa học hàng đầu trên lĩnh vực lý luận phê bình văn học ở nước ta” [Huỳnh Như Phương, báo Thanh Niên, 10/10/2010], mà còn có thể tôn vinh ông là một “nhà Quảng học” với tất cả ý nghĩa vốn có của từ này.

Nhà văn, trước hết là nhà văn hóa, kể cả người hoạt động sáng tác (văn chương tưởng tượng) lẫn người nghiên cứu lý luận phê bình (văn chương lý trí). Nguyễn Văn Hạnh còn là nhà văn hóa giáo dục. Thái độ ứng xử văn hóa trước thời cuộc, nhất là trong giai đoạn đất nước đang chuyển mình trong sự nghiệp đổi mới, tất yếu là có lắm điều cần phải trăn trở, nghĩ suy trên “tinh thần dân chủ và ý thức trách nhiệm cao của tác giả đối với việc xây dựng một nền lý luận phê bình tiên tiến, hiện đại và một nền văn học có phẩm chất dân tộc và giá trị nhân văn sâu sắc”. Ông quan tâm đến các vấn đề như khái niệm văn hóa, trí thức và văn hóa, tính cách người Việt Nam, hiện đại hóa khoa học xã hội và nhân văn...

Ở đây, những suy nghĩ miên man trong mạch tư duy của ông về đất Quảng dường như vẫn chưa dứt, ông lại tiếp tục trình bày về phát huy dân chủ để xây dựng văn hóa đất Quảng, mà theo ông văn hóa bao giờ cũng là văn hóa nhân văn, và ông nhấn mạnh về phẩm chất và bản lĩnh văn hóa của con người xứ Quảng chủ yếu là: “Con người đất Quảng hiền lành, chất phác, siêng năng, cần kiệm, tính tình ngay thẳng, bộc trực, có tinh thần năng động, tháo vát, hiếu học, cũng là người rất quan tâm đến những vấn đề chung của cộng đồng, của đất nước, có ý thức và nhạy cảm về chính trị, về lẽ công bằng, có đầu óc thực tế, thích suy nghĩ, có ý kiến, tranh luận về mọi điều liên quan. Với tính cách cứng cỏi, người Quảng Nam sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thách thức, có thái độ phản ứng mạnh mẽ sự bất công, áp bức” [Sđd, tr.600].

Ông nói cứ như “suy từ bụng ta”. Chính con người ông là tấm gương phản chiếu cho những điều ông vừa kiến giải. Nơi đây là đất “chưa mưa đà thấm”, nên con người sinh ra nơi đây hết sức nhạy cảm. Nhạy cảm với những buồn vui, thăng trầm, số phận của đất nước. Nhạy cảm với thiên nhiên, cây cỏ, với cái đẹp. Nhạy cảm với những cái mới. Nhạy cảm trước những dự báo. Nhạy cảm trước những đổi thay. Và, tất nhiên, nhạy cảm luôn gắn liền với sự khám phá, phát hiện cái mới và luôn ở vị trí tiên phong trong những đổi mới. Nguyễn Văn Hạnh là một trong những con người có không ít những phẩm chất và bản lĩnh văn hóa ấy.

Nguyễn Văn Hạnh không chỉ là nhà lý luận phê bình, nhà văn hóa giáo dục, mà còn là nhà chính trị - tư tưởng, người tham gia hoạt động chính trị trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, nghệ thuật. Và, cũng từ góc độ này, đã bộc lộ những ưu điểm và cả những nhược điểm trong hệ thống quan điểm của ông: ông nhìn mọi vấn đề đều ít nhiều thông qua lăng kính của nhà chính trị/lập trường chính trị, đôi khi dẫn đến ông cường điệu đến mức chính trị hóa mọi điều, nhưng ngược lại, luôn thể hiện khát vọng và tấm lòng nhiệt thành yêu nước, yêu thể chế chính trị, trung thực và chân thành, sống và hành xử có trách nhiệm và đúng với cương vị xã hội mà mình đảm trách. Ông sống và ứng xử toàn vẹn trong tư cách là nhà văn hóa - tư tưởng.

Là một giáo sư văn học được đào tạo một cách chính quy, chuẩn mực, ông lại mang cốt tính của văn hóa quê ông, nên tuy ông trung thực, ngay thẳng, bộc trực và trung thực với chính sự ngay thẳng, bộc trực ấy, nhưng ông lại có cả phẩm chất mô phạm của một nhà giáo, vì vậy, ông khác với người đồng hương Phan Khôi và nhiều người khác nữa, ông nói có người nghe và nhiều người chịu nghe ông nói.

Đối tượng trực tiếp của ông là giới trẻ, là học trò, lớp người mới, thế hệ của tương lai. Ông luôn đặt mình vào vị trí của người tiếp nhận để giãi bày, thuyết phục với sự đồng cảm sẽ chia. Ví như, trước một vấn đề lớn của xã hội, mọi người đều quan tâm, ông đặt vấn đề một cách khiêm tốn rằng đạo đức suy thoái trong xã hội hiện nay, đặt hy vọng vào lớp trẻ lại cần thấy cái khó của họ. Hoặc hầu hết các bài viết của ông, đến cuối bài đều hướng đến đối tượng tiếp nhận: “Tôi cho rằng, người nghiên cứu, giảng dạy bài thơ Thề non nước cần chỉ cho người đọc, cho học sinh thấy được phần đáng trân trọng và phần hạn chế của bài thơ cả khi nó ra đời và đối với chúng ta ngày nay...” [Lý luận phê bình văn học miền Trung thế kỷ XX, Nxb Đà Nẵng, tr.507]. Ông không chỉ khẳng định nhân cách và ngòi bút của mình trên văn đàn mà còn luôn sừng sững, sâu đậm trong tâm tưởng nhiều thế hệ học trò trong cả nước.

Tôi là người học trò nhỏ của Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, từng ngồi trong giảng đường đại học, nghe như nuốt từng lời trong giáo trình lý luận văn học của Thầy vào những năm sau 1975. Lại là người đồng hương xứ Quảng, rồi sau đó lại tiếp bước con đường của Thầy trở thành giảng viên đại học và cũng trở thành người viết lý luận phê bình văn học. Tôi có được chút gì hôm nay là nhờ sự tỏa bóng của Thầy, không chỉ là ở kiến thức, mà chủ yếu là ở nhân cách - một con người Quảng Nam trung thực, cương nghị, rắn rỏi, sống có chủ kiến và theo đuổi đến cùng với những gì mình dốc lòng tâm huyết - một bản lĩnh văn hóa đáng noi theo.

Dẫu biết rằng, sinh lão bệnh tử là lẽ tất yếu của đất trời, con người không ai có thể cưỡng lại được, nhưng sao nghe tin thầy ra đi vẫn cứ thấy bàng hoàng và hụt hẫng, hoang mang. “Cuộc ra đi nào buồn đến vậy” (Nguyễn Khoa Điềm), lòng cứ dặn lòng rằng đừng có buồn, mà sao vẫn cứ buồn đến cháy lòng, Thầy kính yêu ơi!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguyễn Văn Hạnh trong công cuộc đổi mới văn học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO