Nguyễn Văn Huy: Bước qua sóng nước để lớn lên!

SONG ANH 27/12/2015 10:28

Tựa hồ thời gian hay sự già nua trong suy nghĩ khiến Nguyễn Văn Huy ngày càng trầm tính hơn. Lặng lẽ. Và miệt mài sáng tạo. Mặc những khen chê, mặc bao bạn bè đồng niên thúc giục Huy tìm đến phố thị…

Nguyễn Văn Huy và tác phẩm “Hiệu ứng cúi”.
Nguyễn Văn Huy và tác phẩm “Hiệu ứng cúi”.

Mới chỉ nhận lãnh trách nhiệm độc nhất trong mỗi tác phẩm điêu khắc chừng 5 năm nay, nhưng Nguyễn Văn Huy kịp tạo một “dấu triện” riêng trên con đường nghệ thuật. Nhiều thành tích, nhiều giải thưởng, rất nhiều tác phẩm. Và cũng không ít thị phi. Huy bình thản đón nhận mọi sự, luôn giấu mình trong mỗi cuộc hội ngộ, vui vầy, và cả khi đón những tỵ hiềm hơn thua. Một mình.

Nghệ thuật của Huy, thoáng nhìn, thoáng nghĩ cứ tưởng giản đơn, bằng trực giác có thể “đọc” hết mọi tâm can. Nhưng không, như một ngôi nhà nhiều lớp cửa, càng mở ra, ngắm nhìn, càng bị cuốn hút. Và càng hiểu vì sao chủ nhân phải kín kẽ sắm sanh nhiều cửa nẻo như vậy.

1. Căn xưởng nhỏ, tách biệt hẳn với mọi tạp âm, nằm cao vót trong một khu nhà. Huy dành nơi ấy để “độc thoại”, để một mình đe búa, một mình làm tất thảy công đoạn cho một tác phẩm điêu khắc. Thi thoảng bạn bè văn nghệ tới, cũng chỉ kịp nhìn thấy anh say mê làm việc, kịp qua loa vài câu chuyện nghệ thuật. Không hơn. Có lẽ người ta ngại ngần với cái thế giới chỉ vỏn vẹn vài mét vuông nhưng đầy những ánh mắt, những linh hồn, những “khối người” bất động nhưng toát ra nhiều thần thái. Qua cái ngưỡng 30, chưa đủ già để gọi trải nghiệm, cũng không còn trẻ để bất chấp hơn thua, bồng bột sống theo cảm xúc, trào lưu. Huy sâu chín hơn, định đoạt nghệ thuật của mình theo một con đường riêng. Có cảm tưởng như mọi tác phẩm của anh đều nhìn thẳng vào người đối diện, theo cả nghĩa đen lẫn bóng, bằng đôi mắt thật nhất, không sườn sượt đầy những u buồn, không van lơn ám ảnh. Chỉ đơn giản, nó biểu lộ cảm xúc, thần thái bao trùm toàn bộ cuộc đời của những người – những nhân vật anh chọn trong hành trình điêu khắc của mình.

Và Huy, đã sớm bộc lộ thiên hướng cũng như tài năng trong mảng điêu khắc chân dung. Mỗi gương mặt anh chọn thể hiện, đều rất đằm, rất đượm. Có lẽ, sự tạo tác này không hẳn chỉ là kỹ thuật, năng khiếu mà cần phải có cảm xúc. Huy nói cũng chẳng nhớ mình bắt đầu làm tượng chân dung khi nào, chỉ thấy mê nhạc, mê thơ, mê những con người nước Việt làm nên những “bản tình ca nghệ thuật”, mà bắt tay vào làm. Ngày về Quảng Nam của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, anh bình dị mang đến tặng ông bức tượng tạc chính ông, trong một góc quán café, người nhạc sĩ già lặng đi vì xúc động. Từ Công Phụng, Phạm Duy, Bùi Giáng…, anh tỉ mẩn làm như một tri ân của kẻ đã lỡ mê say. Không có những đắn đo, nâng lên đặt xuống của mỗi tên tuổi, vị thế họ trong dòng chảy lịch sử nước nhà, cuộc chơi này, như Huy nói, là cuộc dạo chơi của cảm xúc. “Làm, chỉ vì quá yêu mến, quá ngưỡng mộ” - Huy nói.

Nguyễn Văn Huy, sinh năm 1984, trở về Quảng Nam làm việc năm 2012, sau hơn 2 năm tạo lập sự nghiệp, và cũng đã có tên tuổi ở TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 2011 đến nay, anh liên tục đoạt 3 giải A, B, C của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam với các tác phẩm “Đôi mắt”,  nhóm tượng gồm 4 tượng “Hồn đất” và “Thằng bé”. Anh còn tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 5 năm (2005 - 2010) có 2 tác phẩm được chọn triển lãm là “Đôi mắt” và “Chân dung Bùi Giáng”. Đặc biệt, tác phẩm “Đôi mắt” được Bộ VH-TT&DL tặng Huy chương Đồng và giải A – giải thưởng VHNT Đất Quảng lần 2. Năm 2015, Huy tiếp tục gặt hái giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 5 năm (2010 - 2015) với tác phẩm “Hiệu ứng cúi”. Trước đó, cũng trong năm 2015, tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực lần thứ 20, tác phẩm “Hiệu ứng cúi” cũng đã giành được Huy chương Vàng.

Mới nhìn, sẽ dễ cảm nhận Huy là người lành hiền, trừ đôi mắt cương nghị. Huy dám làm và làm đến cùng. Cuộc chơi với nghệ thuật không phải dành cho những người chỉ biết lãng đãng, lưng chừng, nhất là với điêu khắc - bộ môn nghệ thuật của nhà giàu, như lời nhiều vị điêu khắc gia nói. Muốn được thỏa đam mê, thì đầu tiên phải nuôi được đam mê. Mà không phải nuôi suông, bằng nước bọt. Nó phải được nuôi bằng cơm ăn nước uống. Vậy nên, Huy gật đầu với nhiều đơn đặt hàng. Và cái kiểu làm việc hết mình, hăng say của anh, đã nhận được cảm tình ở khắp mọi nơi. Huy quen biết rộng. Nhưng anh không phải bỏ công sức nhiều cho những mối quan hệ. Sống chân thành và làm việc với năng lực tốt, người ta tìm đến anh. Chú tâm với từng đường nét nhỏ nhất, dù là tác phẩm đặt hàng của những tộc họ, những ngôi trường, công sở. Không chỉ có vậy, trách nhiệm của người nghệ sĩ biểu lộ rõ ràng thông qua cái cách anh tìm hiểu với từng gương mặt – từng nhân vật sẽ tạo hình. Đó là đọc tác phẩm của họ, tìm hiểu con đường sự nghiệp và những trúc trắc trên đường đời của họ, để từ đây nuôi cảm xúc với tác phẩm. Nên không thể nào phủ nhận, dù tượng điêu khắc ở thể loại nào, Nguyễn Văn Huy vẫn làm toát lên thần thái của con người đó.

2. Huy ngồi ở xưởng, như nhà khảo cổ ngồi giữa những khối hóa thạch đã từng sống, kể những câu chuyện đan xen về thủ pháp điêu khắc và hiện thực. Chỉ là thấp thoáng những dáng người co cụm trong câu chuyện mưu sinh, hay là một vài nét phác của những đám đông phố thị… Những bản ngã đầy góc cạnh đã mòn vẹt trên mặt ghế cóc café, Huy chọn cởi tấm áo thị thành, trở về căn nhà xưa ở vùng ven biển, chọn lên tàu cùng ngư dân. Vài ba ngày. Rồi lại trở về với mớ cảm xúc nhấp nhô khoáng đạt. Và bắt tay vào làm. Cái tính cách của người sinh ra từ vùng biển, thấm sâu vào máu huyết. Bộc trực, lặng lẽ và sẵn sàng sống chết với những điều đã chọn. Trước sau, vẫn bền bỉ với “nghiệp”, dù phải trải bao khó khăn đã được lường đoán trước.

Nguyễn Văn Huy tạo tác tượng chân dung.
Nguyễn Văn Huy tạo tác tượng chân dung.

Nghệ thuật của Huy, thoáng nhìn, thoáng nghĩ cứ tưởng giản đơn, bằng trực giác có thể “đọc” hết mọi tâm can. Nhưng không, như một ngôi nhà nhiều lớp cửa, càng mở ra ngắm nhìn, càng bị cuốn hút. Và càng hiểu vì sao chủ nhân phải kín kẽ sắm sanh nhiều cửa nẻo như vậy. Bởi ngoài tượng chân dung, Huy còn có thế mạnh về nhóm tượng biểu hiện cho một thông điệp, một tư duy hay đơn giản là một cảm xúc nào đấy. Hình khối anh tạo ra là sự hôn phối của những tinh tế trong quan sát, là sự cảm thông và kỹ thuật tạo tác điêu luyện. Và những tác phẩm này, anh không giữ cho riêng mình. Dù độc bản, nhưng chỗ nào hỏi mua, thì anh bán. Bởi xét cho cùng, nó phải sống đời của một tác phẩm nghệ thuật ở thị trường rộng lớn, thì mới được nhớ, được yêu, được thưởng thức.

Huy va chạm với khá nhiều dư luận. Và anh chọn cách đứng từ xa, im lặng chịu mọi điều tiếng về phía mình. Có lẽ, rồi cũng qua. Tài năng nghệ sĩ không phải là chuyện phân bua đúng sai, thiệt hơn. Chọn lấy mê say này, thì người sẽ như cỏ tự mọc, như hoa tự thơm, bởi chính tác phẩm của mình. Có những va vấp, để người đi trên sông học cách vượt qua sóng nước. Và sẽ lớn lên, vững chãi từ những con sóng này.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguyễn Văn Huy: Bước qua sóng nước để lớn lên!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO