Nguyễn Văn Trỗi - Chuyện ngoài trang sách

Đinh Văn Dũng 29/03/2013 08:34

Tôi biết rồi quen thân với anh Nguyễn Văn Dũng, em của Anh hùng liệt sĩ (AHLS) Nguyễn Văn Trỗi đã mấy năm nay, từ hồi tham gia viết tập sách “Cuộc chiến trong lòng địch” do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức biên soạn. Ngoài những thông tin trong tác phẩm nổi tiếng “Sống như anh” của nhà văn Trần Đình Vân, tôi vẫn muốn tìm hiểu thêm về anh Trỗi và gia đình, nhưng thời gian và công việc chi phối, ý định mãi trôi.

Anh Nguyễn Văn Trỗi, người ngồi phía trước (Ảnh chụp tại Sở Thú, Sài Gòn vào khoảng năm 1961).  Ảnh tư liệu
Anh Nguyễn Văn Trỗi, người ngồi phía trước (Ảnh chụp tại Sở Thú, Sài Gòn vào khoảng năm 1961). Ảnh tư liệu

Mới đây, tôi tìm đến thăm bà Nguyễn Thị Thoàng, 82 tuổi, chị ruột (chị cả) của anh Nguyễn Văn Trỗi, trú tại số nhà K.110/33 đường Phan Thanh, tổ 57, phường Thạc Gián, TP.Đà Nẵng. Khi nghe tôi gợi chuyện, bằng giọng trầm buồn, bà Thoàng bồi hồi kể cho tôi nghe về anh Trỗi, những câu chuyện nằm ngoài tập sách “Sống như anh”.

Năm 1947, cha bà là ông Nguyễn Văn Thoàng hoạt động cách mạng tại Sài Gòn bị giặc Pháp bắt giam. Ở quê nhà Điện Thắng (Điện Bàn), giặc Pháp điên cuồng đốt nhà, cướp của. Gia đình bà rơi vào cảnh thiếu ăn, cuộc sống ngày càng cơ cực. Mẹ bà lâm bệnh nặng rồi qua đời. Trước lúc lâm chung, mẹ bà trăng trối: “Cha con bị Pháp bắt ở tù, mẹ không khỏi bệnh tình, con cố gắng thay mẹ nuôi dưỡng các em nên người.” Thế là, mới 15 tuổi, bà Thoàng đã phải chạy từng bữa nuôi các em khôn lớn.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, bà Thoàng đưa gia đình ra Đà Nẵng sinh sống. Sau đó, anh Trỗi vào Sài Gòn, làm thợ điện ở Nhà máy Điện Chợ Quán và tham gia Biệt động thành, Đại đội Quyết tử cánh tây nam Sài Gòn.

Bà Nguyễn Thị Thoàng, chị ruột anh Trỗi, hiện sống tại Đà Nẵng. Ảnh: Đ.V.D
Bà Nguyễn Thị Thoàng, chị ruột anh Trỗi, hiện sống tại Đà Nẵng. Ảnh: Đ.V.D

Như chúng ta đã biết, ngày 2.5.1964, Nguyễn Văn Trỗi nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi, TP.Hồ Chí Minh) để tiêu diệt phái đoàn quân sự, chính trị cao cấp của Chính phủ Hoa Kỳ, do Bộ trưởng Quốc phòng  Robert McNamara dẫn đầu, đến miền Nam.

Công việc bại lộ, anh Trỗi bị bắt vào tối 9.5.1964. Sáng 15.10.1964, anh bị địch xử bắn tại sân sau khám Chí Hòa. Sự hy sinh của AHLS Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành bất tử, là niềm tự hào trong mỗi trái tim các thế hệ thanh niên Việt Nam.

Bà Thoàng ngậm ngùi kể, trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ, cứu nước, 3 người em của bà  tham gia cách mạng; trong đó có một người là thương binh và 2 người hy sinh, đó là AHLS Nguyễn Văn Trỗi và liệt sĩ Nguyễn Văn Đức (hiện nay, phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Đức nằm ở Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Bàn).

Năm 1967, do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, gia đình không thể đưa hài cốt anh Trỗi về quê được, ông Nguyễn Văn Thoàng cùng với cha của chị Quyên - vợ anh Trỗi - bèn đưa thi hài anh về khu mộ gia tộc của gia đình chị Quyên tại nghĩa trang Văn Giáp (nay thuộc phường Bình Trưng Tây, quận 2, TP.Hồ Chí Minh) từ đó đến nay.

Sinh thời, ông Nguyễn Văn Thoàng cũng đã hằng ước mong sao hài cốt của người con thân yêu của mình được đưa về quê hương để cụ tiện bề thăm viếng nhằm vơi đi bớt nỗi nhớ thương, đau xót.

Hưởng ứng cuộc vận động “Sống như anh” do Tỉnh Đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng phát động, tuổi trẻ Quảng Nam - Đà Nẵng cùng tuổi trẻ cả nước đã tổ chức đợt vận động và quyên góp kinh phí xây dựng Nhà Lưu niệm AHLS Nguyễn Văn Trỗi tại quê hương anh - xã Điện Thắng Trung, nằm trong quần thể Nghĩa trang Liệt sĩ Huyện Điện Bàn. Công trình được xây dựng không chỉ để tưởng nhớ công lao của anh, mà còn nhằm giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ. Công trình cũng đã được UBND huyện Điện Bàn nâng cấp, cải tạo dịp 15.10.2012 nhân kỷ niệm 48 năm ngày anh Trỗi hy sinh.

Theo bà Thoàng, năm 2002 gia đình bà đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng của huyện Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam đề nghị hỗ trợ di dời hài cốt anh Trỗi về quê, nhưng do một số nguyên nhân nên ước nguyện ấy không thực hiện được.

Bà Thoàng cho biết, hiện nay, TP.Hồ Chí Minh đang có chủ trương quy hoạch và chuẩn bị giải tỏa nghĩa trang Văn Giáp, nơi có mộ AHLS Nguyễn Văn  Trỗi. Ngày 20.11.2012, đại diện gia đình, bà Thoàng đã làm đơn gửi các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của Trung ương đề đạt nguyện vọng xin đưa hài cốt anh Trỗi về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Bàn để gần gũi quê hương, gia đình. Đây cũng là nguyện vọng của bà con tộc Nguyễn Văn thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, cũng như nhân dân địa phương.

 Được biết, trong thời gian qua, chính quyền Quảng Nam và các cơ quan hữu quan của Trung ương và địa phương cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để ước nguyện của gia đình AHLS Nguyễn Văn Trỗi sớm trở thành hiện thực, thỏa lòng mong đợi bao nhiêu năm qua. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn một số nguyên nhân nên hài cốt anh Trỗi vẫn chưa được đưa về án táng tại quê hương.

Việc di dời hài cốt AHLS Nguyễn Văn Trỗi về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Điện Bàn, về với đất mẹ quê hương nơi anh sinh ra và lớn lên rồi hóa thân bất tử hoàn toàn chính đáng, là đạo lý “lá rụng về cội” thường tình bao đời nay của người Việt Nam.

Đinh Văn Dũng

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguyễn Văn Trỗi - Chuyện ngoài trang sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO