Nguyễn Văn Xuân - người luôn khao khát tự do

VŨ ĐÌNH ANH 10/10/2020 07:48

Nhà Quảng học Nguyễn Văn Xuân nhẫn nại cống hiến thầm lặng suốt gần 70 năm cầm bút với mong muốn “góp phần đừng để lãng quên những gì xứ Quảng đã đóng góp cho dân tộc” (Dương Trung Quốc)... Ở bài viết này, người viết chỉ đề cập khía cạnh khá thú vị: Nguyễn Văn Xuân - người luôn khao khát tự do.

Một trong những tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân.
Một trong những tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân.

Tư tưởng tự do

Nguyễn Văn Xuân thường xuyên đọc sách báo, văn chương, học thuật Quốc ngữ cũng như bằng tiếng Pháp, nên con người cá nhân trong ông cũng sớm được khẳng định. Con người cá nhân là sản phẩm của văn hóa phương Tây đã đem đến Việt Nam, đã ảnh hưởng đến cả thế hệ trí thức, văn nghệ sĩ giai đoạn trước 1945, trong đó có Nguyễn Văn Xuân. Như nhà văn đã tâm sự: “Tôi đọc nhiều sách, hầu hết là Pháp văn, là thứ văn hóa mà tôi tiêm nhiễm” (Ba người bạn của những nét đan thanh). Vì vậy, Nguyễn Văn Xuân luôn khát khao, hoài bão về sự tự do cá nhân. Nhìn lại toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của nhà Quảng Nam học, ta nhận thấy ông theo đuổi lý tưởng tự do cả trong cuộc sống, suy nghĩ và nghiệp viết… Điều đặc biệt, ngay khi đã trở thành nhà văn, học giả thì ông vẫn muốn là cây bút tự do, không bị ràng buộc bởi tổ chức nào. Vì vậy, suốt cuộc đời với gần 70 năm cầm bút, ông vẫn là người ngoài “biên chế” của Nhà nước.

Điều đó được thể hiện, trước hết, nhà văn không có ý định học hành để lấy bằng cấp, để làm một viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” thời Pháp thuộc. Trong một truyện ngắn trước 1945 có tính tự truyện “Người con ở xa”, trong vai nhân vật Tự, nhà văn đã bộc lộ: “Tự là một người trẻ rất có chí. Thôi học ở trường vì thiếu tiền, Tự liền về nhà gắng học thêm. Tự rất ham đọc các danh nhân, chàng hiểu rất sâu xa cái tinh thần tự do và khinh bỉ tất cả danh vọng hão huyền”. Con người có năng lực, có ý chí ấy đã nghĩ, với lực học của mình, dư sức đậu thành chung. “Đậu thành chung rồi đi tìm một chân thư ký ở các sở, một ông phán, ông thừa… ồ, ồ, những chữ ấy và cuộc đời ấy làm Tự sợ hãi. Tự chỉ muốn thành một người thường, được đủ tự do” (Người con ở xa). Như vậy, rõ ràng nhân vật muốn làm một người tự do, mà muốn vậy, trước hết nghề nghiệp phải tự do.

Vậy nghề nghiệp tự do mà nhân vật tôi khao khát đó là gì? Điều này đã được Nguyễn Văn Xuân khẳng định nhiều lần trong nhiều tác phẩm. Ở tiểu thuyết “Bão rừng”, ban đầu chỉ là nhật ký cá nhân, sau này chỉnh sửa và cho xuất bản thành tiểu thuyết. Nhân vật tôi đã khẳng định: “Bao nhiêu hợm hĩnh thúc đẩy một đứa bé lau mũi chưa sạch đã sớm nuôi những mộng văn hào”. Điều này càng được khẳng định rõ hơn sau truyện ngắn đầu tay “Bóng tối và ánh sáng” được báo Thế Giới trao giải nhất, từ đó ông “tâm nguyện trở thành nhà văn, chuẩn bị chí hướng lẫn ý tứ để theo nghề văn chuyên nghiệp”. Sự tự do của Nguyễn Văn Xuân còn được thể hiện cả trong việc lựa chọn thể loại, chủ đề, phương pháp, lĩnh vực… Như nhà văn Nguyên Ngọc nhận định, người đọc sẽ băn khoăn Nguyễn Văn Xuân thực sự là ai, “Nhà văn, học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, nhà báo, nhà “Quảng Nam học”? Riêng tôi muốn nói điều này: ông là tất cả những “nhà” vừa nói trên, cộng lại, nhân lên, nhuần nhuyễn hầu như không thể tách rời” (Nguyễn Văn Xuân, nhà văn, nhà văn hóa, học giả lớn và độc đáo của xứ Quảng). Điều này cũng được Nguyễn Văn Xuân thừa nhận trong bài trả lời phỏng vấn của Nguyễn Được: “Về tổ chức người ta phải rạch ròi nhà báo, nhà văn, nhà này nhà nọ để dễ quản lý chứ trong con người trí thức, loại trí thức tự do như tôi thì không có rạch ròi gì cả” (Một học giả suốt đời với quê hương).

Tiếng nói nhân văn

Cũng như những cá nhân yêu thích tự do khác, tự do yêu đương, lấy vợ lấy chồng là một mong ước lớn lao. Điều này đã được nhà văn thể hiện trong truyện ngắn Người con ở xa khi thuyết phục mẹ để cho mình được tự do yêu đương và lấy vợ. Khi có nhiều người bạn của mẹ muốn làm sui gia, biết mẹ có ý định dựng vợ gả chồng cho “nên gia nên thất”, cho hoàn thành “bổn phận”, nhân vật tôi đã cố gắng thuyết phục mẹ: “Tự chỉ phì cười bảo mẹ: - Có phước? Mẹ chắc hễ con lấy một người vợ thế nào miễn là cho có vợ, cho có con là mẹ đủ bổn phận rồi à? Và Tự lắc đầu: - Mẹ lầm. Nếu mẹ cứ để cho con tự do làm cuộc đời của con cho xán lạn, con sẽ cưới vợ theo ý muốn, thế mới thực sự là có phước đấy. Lấy vợ bây giờ là con tự giết con” (Người con ở xa). Đây là một cách sống, một lối nghĩ hiện đại của văn hóa phương Tây đang khá thịnh hành trong giới trẻ biết tiếng Pháp trước 1945. Đã có rất nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn viết về chủ đề tự do trong tình yêu và hôn nhân, chống lại lễ giáo đại gia đình phong kiến…

Lại một ví dụ khác để nói thêm về suy nghĩ tự do, độc đáo và mới mẻ nơi ông. Theo nhà văn Thái Bá Lợi, khoảng năm 1977, khi những đứa con lai ở miền Nam lũ lượt ra đi, ông đã viết một bài nói rõ ý định giữ lại đất nước để cải thiện thể chất, nòi giống. “Ông nói nhiều lần rằng trong 30.000 người con lai đó, trong họ một nửa dòng máu Việt, tại sao lại để họ đi. Thời ấy ông đã quả quyết rằng việc giữ những người con lai ở lại không chỉ để hội nhập nòi giống mà còn để phát triển thể thao” (Chỉ còn gặp lại trong di sản). Về luận điểm này, trong giai đoạn hiện nay đã trở thành sự thường. Nhưng ở thời điểm ngay sau giải phóng miền Nam năm 1975, mấy ai dám nói, dù ông biết điều mình nói và viết ấy chưa được chấp nhận, nhưng vẫn nói.

Đó là một vài dữ liệu để chúng ta hiểu thêm về một nhà văn suốt đời suy tư, trăn trở để gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương xứ Quảng, mà cũng là của dân tộc Việt Nam; suốt đời khát khao, hoài bão về sự tự do, dân chủ. Và tôi thiết nghĩ, đó cũng là tâm niệm chung của tuyệt đại đa số trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam. Như Tuyên ngôn của 118 văn nghệ sĩ viết tại Sài Gòn ngày 20.4.1966 gửi Thiệu - Kỳ, các bộ Thông tin, Văn hóa, các tòa đại sứ: “Chúng tôi, những nghệ sĩ không đứng trên lập trường nào khác là lập trường dân tộc, không theo chủ nghĩa nào khác là chủ nghĩa yêu nước, không thiên về lý tưởng nào khác là lý tưởng tự do, dân chủ thực sự…” (Trần Hữu Tá dẫn lại trong “Nhìn lại một chặng đường văn học”).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguyễn Văn Xuân - người luôn khao khát tự do
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO