Thế giới

Nhà báo chiến trường qua giải thưởng Pulitzer

NAM VIỆT 22/06/2024 09:06

(Đặc san 21/6) - Giải thưởng Pulitzer, ví như “giải Nobel” báo chí của Mỹ trong đó gọi tên các tác phẩm gây sức hút và tiếng vang của các nhà báo chiến trường, không ngại hiểm nguy để ghi lại chân thật lát cắt tại vùng xung đột, gởi thông điệp khát khao hòa bình cho nhân loại.

Phóng viên chiến trường Ibraheem Abu Mustafa cuat hãng Reuters. Ảnh: Reuters
Nhà báo chiến trường Ibraheem Abu Mustafa của Reuters. Ảnh: Reuters

Giải Pulitzer được trao lần đầu năm 1917, mang tên của người sáng lập - nhà báo Mỹ Joseph Pulitzer, tôn vinh các thành tựu trong lĩnh vực báo chí, văn học, kịch nghệ và âm nhạc tại Mỹ. Trong đó, Pulitzer ghi nhận những thách thức và hiểm nguy, thậm chí mất mạng mà các nhà báo trên khắp thế giới đang phải đối mặt, đặc biệt là nhà báo chiến trường.

Thông điệp hòa bình

Trong những năm gần đây, Hội đồng Pulitzer ban hành các thông báo đặc biệt để tôn vinh các nhà báo đưa tin tại vùng xung đột từ Ukraine đến Afghanistan.

Trong lễ công bố giải Pulitzer 2024 tại Đại học Colombia vào tháng 5 vừa qua, Hội đồng giải Pulitzer ra tuyên bố đặc biệt vinh danh các nhà báo đưa tin về cuộc xung đột, ghi nhận công việc dũng cảm của các phóng viên và nhân viên truyền thông đưa tin về chiến trường ở Trung Đông.

Nhiều nhà báo bất chấp hiểm nguy, vượt làn đạn pháo, kể cả bị thiệt mạng trong nỗ lực kể lại những câu chuyện chân thật về người dân Palestine, Israel và ở Gaza.

New York Times và Reuters cùng đoạt giải Pulitzer 2024 với loạt bài, ảnh về cuộc xung đột ở Gaza vào ngày 7/10/2023 sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel đến những tuần đầu tiên cuộc trả đũa tàn khốc của Israel vào Gaza và hậu quả khủng khiếp của xung đột.

Reuters thắng giải hạng mục “Ảnh báo chí” của nhóm phóng viên gồm Mohammed Salem, Ibraheem Abu Mustafa, Amir Cohen. Với loạt bài xuất sắc về cuộc xung đột Hamas - Israel và nỗi thống khổ của người dân Palestine tại dải Gaza, tờ The Times vinh dự nhận thêm giải Pulitzer 2024 về phóng sự quốc tế.

new-york-times.jpg
Tòa soạn báo New York Times vui mừng thẳng 3 giải Pulitzer 2024 bao gồm hạng mục báo chí quốc tế khi đưa tin về cuộc chiến ở Trung Đông. Ảnh: New York Times

Trong đó, hình ảnh người phụ nữ ở Gaza gục đầu khóc nức nở và ôm chặt thi thể cháu gái 5 tuổi sau một vụ phóng tên lửa gây chấn động thế giới. Bức ảnh này của nhà báo Mohammed Salem cũng đoạt giải “Ảnh báo chí thế giới” (World Press Photo) 2024 để lên án sự tàn khốc của chiến tranh.

Pulitzer 2024 nhận định các phóng viên chiến trường có những tác phẩm, bức ảnh đầy cảm xúc lột tả những thiệt hại, mất mát, tổn thương không gì bù đắp từ các cuộc xung đột gồm nạn nhân là trẻ em.

Giá trị của sự thật

Trong lễ trao giải Pulitzer 2022, Hội đồng giải thưởng Pulitzer trân trọng trao giải tôn vinh đặc biệt cho các nhà báo Ukraine vì lòng dũng cảm, sự bền bỉ và cam kết đưa tin trung thực về tình hình chiến sự ở nước này.

Bà Marjorie Miller - người quản lý giải Pulitzer cho rằng bất chấp những hiểm nguy từ bom đạn, thậm chí nguy cơ mất mạng, các nhà báo Ukraine vẫn nỗ lực hết mình để cung cấp bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến tại đây.

Nhà báo Ibraheem Abu Mustafa nói: “Bài học lớn nhất của tôi là học tính xác thực, chính xác. Hình ảnh yêu thích nhất của tôi là những người Palestine đứng trên ban công ngôi nhà bị hư hại của họ ở Rafah. Khi tôi đang chụp bức ảnh này thì có con chim bồ câu bay tới trước nhà”.

Trong nỗ lực đưa tin về xung đột tại Gaza, nhóm nhiếp ảnh Reuters trú ẩn suốt một tháng trong một ngôi nhà hai tầng cùng với hơn 65 người cho đến khi hết nhiên liệu và nước uống.

Ông Jonathan Dagher - Trưởng đại diện của Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) tại Trung Đông cho rằng, nhiệm vụ của các nhà báo là cung cấp thông tin để thế giới biết những gì đang diễn ra ở chiến trường.

Tuy nhiên, cái giá để có những tin tức đó không hề nhỏ. Ở các điểm xung đột, các nhà báo vừa là nạn nhân, vừa là nhân chứng. Năm ngoái, giải Pulitzer hạng mục “Phụng sự cộng đồng” và “Ảnh tin nóng” cho nhóm nhà báo của AP về chiến sự.

Ông J. David Ake - Giám đốc hình ảnh của AP cho biết, các tác giả không thể tạo ra khoảnh khắc thu hút cả thế giới nếu như không có mặt tại hiện trường, dĩ nhiên có mặt ở đó rất khó khăn và nguy hiểm. Nhưng các nhà báo vẫn dũng cảm để có bức tranh chính xác về một thực tế khủng khiếp và mang lại vinh dự các nhà báo trên khắp thế giới.

gettyimages-106504004-1024x1024.jpg
Nhà báo chiến trường Marguerite Higgins. Ảnh: Gettyimages

Theo Liên đoàn Nhà báo quốc tế (IFJ), 120 nhà báo và nhân viên truyền thông, trong đó có 11 phụ nữ, thiệt mạng trong năm 2023 trong khi tác nghiệp, nhiều nhất là tại các vùng xung đột.

Năm 1951, Marguerite Higgins (1920 - 1966) của tờ New York Herald Tribune trở thành nữ nhà báo chiến trường đầu tiên giành giải Pulitzer ở hạng mục “Báo chí quốc tế”, ở mặt trận Triều Tiên. “Đó là một trải nghiệm cảm động nhưng cũng khá đáng sợ”. Di sản của Higgins vẫn tồn tại trong các bài báo của bà. Ngoài ra, bà còn được nhớ đến vì đã vượt qua những thành kiến ​​đối với các phóng viên nữ và làm nên lịch sử ở giải Pulitzer.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà báo chiến trường qua giải thưởng Pulitzer
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO