Nổi tiếng là nhà báo chuyên viết phóng sự điều tra, Đỗ Doãn Hoàng tự nhận mình đam mê đến tội nghiệp. Hẳn vì lẽ đó, mỗi tác phẩm của anh không chỉ chất chứa tính thời sự, mà cả tiềm ẩn hiểm nguy với bản thân, cả những chua chát nhưng vẫn dấn thân với lửa nghề...
Dấn thân
- Thưa anh, có thể thấy, đội ngũ người làm báo hiện rất nhiều, song, để trở thành nhà báo giỏi lại rất khó. Theo anh, một nhà báo điều tra giỏi phải hội đủ những tố chất gì?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Thứ nhất, chưa ai nói tôi là nhà báo giỏi, nên tôi sẽ trả lời với tư cách đồng nghiệp của những nhà báo giỏi và cả chưa giỏi trong điều tra. Thứ hai, người ta thường nói, cái giỏi khó đong đếm và cái đẹp cũng khó mô tả. Ví dụ, khi bạn nói, cậu ấy rất kém cỏi và người khác hỏi kém như thế nào, bạn có thể sẽ nói: dốt đến mức mưa không biết chạy vào nhà. Còn khi ai đó hỏi, anh ta rất giỏi, sẽ ít người hỏi giỏi đến mức nào. Và nếu có ai hỏi thì bạn thường sẽ trả lời: giỏi dã man, giỏi dữ dằn, giỏi đến mức không hình dung nổi. Rất khó định nghĩa nhà báo giỏi. Chỉ có thể nói, thước đo của một nhà báo giỏi là gì: Đó là anh ta đã làm được gì cho cộng đồng, xã hội. Tác phẩm của anh ta ra đời, có khiến người ta đọc, người ta cười hay khóc theo tác giả không. Và sau đó, người ta có hành động để những gì tác giả nói và viết trở thành hiện thực vì một xã hội tốt đẹp hơn không. Nếu câu trả lời là “có”, thì anh ta, chị ta được xếp vào loại giỏi.
Đỗ Doãn Hoàng (SN 1976, quê Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội), là nhà báo chuyên làm phóng sự điều tra, công tác lâu năm cho Báo Lao Động. Anh được biết đến với những phóng sự khám phá độc đáo, giàu sức chiến đấu bảo vệ công lý và giàu giá trị nhân văn. Đã từng có hàng nghìn phóng sự, phóng sự điều tra và xuất bản 27 đầu sách.
- Theo anh, một người viết báo trẻ nên làm gì để có một phóng sự hay?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Với tôi, sau khi viết hàng nghìn phóng sự, xuất bản hơn 20 cuốn sách về phóng sự, chỉ dám trả lời như sau: Phóng sự hay phải bắt đầu từ đề tài hay, chỉ nói một câu, viết một dòng đã thấy hấp dẫn, thú vị, hay ho. Rồi cách điều tra, dấn thân, cách triển khai và thể hiện ý tưởng “tích trò” của tác giả phải độc đáo. Tức là độc giả, khán thính giả đi theo nhà báo đó mà không đi theo nhà báo khác. Phải có một con đường và giọng điệu riêng, cách xử lý vấn đề theo phong cách riêng, lối tư duy khác lạ, ngôn từ chính xác và giàu sức gợi. Tiếp đến, câu chuyện đó phải có ý nghĩa xã hội và đưa ra được những phương án hay kết quả khả thi cho việc giải quyết vấn đề/câu chuyện/nhân vật đó. “Tiến triển” của vấn đề trong bài viết đó phải có tính hiệu quả, có một lối ra sáng rõ có thể đong đếm được, qua đó truyền cảm hứng tốt cho cộng đồng.
- Phóng sự điều tra là lĩnh vực vô cùng gian nan và nguy hiểm. Anh có thể ví dụ cụ thể sự hiểm nguy, áp lực mà nó mang lại cho nhà báo?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Vâng, hiểm nguy và cay đắng. Cơm áo đè nặng nhà báo và đè nặng cả cơ quan xử lý vấn đề liên quan, xử lý vụ việc khi nhà báo bị đe dọa, tấn công, hay trả thù bằng hình thức khác nhau ở mức độ khác nhau. Tôi chứng kiến những nhà báo bị tấn công và bị thóa mạ đến mức anh ta như biến thành kẻ khác và đi vào ngõ cụt của cuộc sống. Bởi anh ta và tôi thấy rõ anh ta bị tấn công tới hai lần. Từ chỗ là nạn nhân, anh ta không hề được cứu giúp, mà bị chính những người lẽ ra phải cứu giúp anh ta lại... bồi thêm cho vài nhát hiểm sâu nữa. Kết quả, nhà báo đó chết ngất ngư giữa một cuộc sống đôi khi còn không ít thị phi và các giá trị bị đánh tráo lắm lúc quá dễ dàng. Ngày càng có nhiều người ít chính kiến, họ vỗ tay theo đám đông và dễ bị dư luận xỏ mũi sau khi ai đó khôn khéo “điều hướng” theo lợi ích nhóm nào đó.
Đam mê, truyền lửa
- Có một nhà văn, nhà báo thời danh gói gọn cả sự nghiệp của anh trong hai chữ “đam mê”. Anh nghĩ sao về điều này?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi nghĩ cần thêm vài chữ nữa, kiểu như “Đam mê đến tội nghiệp”.
Tôi có được gửi để đọc vài bài viết mà đồng nghiệp động viên khuyến khích tôi, nên gọi tôi là “vua phóng sự đất Bắc”. Thật ra thì không dám nhận danh hiệu đó, nó quá sức tôi, tôi không gánh được (cười). Đây là danh hiệu mà nhiều thế hệ nhà báo, bạn đọc dành cho cụ Vũ Trọng Phụng. Tôi từng xin đủ tiền với khát vọng mở cuộc thi phóng sự “Theo chân vua phóng sự đất Bắc - Vũ Trọng Phụng”, 10 năm trước, giải nhất đã trù liệu lên tới 50 triệu đồng nhưng vì một vài lý do khách quan mà không thực hiện được. (Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng)
- Anh là người “xê dịch”. Những chuyến rong ruổi tận trời Âu, Mỹ là nguồn “dưỡng chất” cho sáng tác. Có lẽ, anh là nhà báo giàu có và may mắn trong làng báo?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Nếu nói được đi nhiều quốc gia trên thế giới, ngủ trên núi tuyết, bơi rồi tự lái ô tô từ châu lục nọ sang châu lục kia, uống bia với đủ màu da quốc tịch trong một bàn tiệc, được phóng khoáng hào hiệp và tử tế với đời, được sống nhiều cuộc đời cùng lúc, được tiêu tốn tuổi trẻ và sự sống của mình một cách hào hứng nhất là... giàu có, thì đúng là tôi cũng khá giàu. Nhưng với người thích tiền hay chức sắc, thì tôi lại quá nghèo. Điều này sẽ gây tranh luận nếu bạn nói như trên đấy. Tuy nhiên, bạn nói rất đúng ở chỗ, là tôi thấy tôi quá hạnh phúc. Một ban mai nắng sớm, biết là sắp nắng vỡ đầu đấy, nhưng tôi vẫn rưng rưng trước món quà thượng đế đang tặng tôi. Ấy là các giọt nắng soi vào làm gã viết khuya ngủ nướng thấy chói chang và thức dậy. Hắn ngủ trên cây cổ thụ, ngôi nhà hình tròn lơ lửng. Ngoài cửa, chim hót líu lo, mẹ già xao xác quét lá rụng đầy sân. Lũ chích chòe xòe lông đuôi như múa quạt lấp lánh trắng đen. Hạnh phúc vô ngần. Hạnh phúc hay giàu có là do bạn tự nghĩ ra và tự cảm nhận, chứ đừng bắt ai phải công nhận theo tiêu chí nào cả.
- Anh có thể chia sẻ một vài kỷ niệm sâu sắc nhất, ám ảnh nhất trong những chuyến đi đến các quốc gia xa xôi?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Ấy là khi ngủ lại với ngàn sao ở ven một vịnh hẹp kỳ ảo xứ Na Uy - Bắc Âu tinh khôi và lộng lẫy. Đó là khi dự tiệc giữa rừng già châu Phi với những người bạn xăm trổ đầy hình lá cây khắp da thịt như một thứ tôn giáo thờ thần rừng. Và các cô bạn eo thon như báo hoa thì cười như nắc nẻ bảo mày lấy tao thì phải trả bố mẹ tao 450 con bò. Đó cũng là những ngày ở Siberia của nước Nga, ngồi nhâm nhi các màn múa lửa với các nàng vũ công còn nóng bỏng hơn cả lửa, trong căn nhà mà gối đệm đều làm bằng da và lông chó sói (ở đó không cấm săn sói). Đó cũng là khi tôi bốc đồng cởi bớt xiêm y, bì bõm bơi từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương ở Mũi Hảo Vọng. Cũng là ngày mấy lần đi tàu thủy từ châu Á sang châu Âu ở thành phố duy nhất trên thế giới nằm trùm lên cả hai lục địa - Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhớ mãi bình minh bay khinh khí cầu ở Cappadocia, tôi đã thốt lên, hơn 16 nghìn cái bình minh của hơn 40 năm cuộc đời, tôi chưa từng hân hoan đến thế lần nào…
- Tôi rẽ qua một chút ở vai trò giảng viên báo chí, trong vị trí đó, anh muốn chia sẻ và gửi gắm điều gì tới các nhà báo trẻ hiện nay?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi luôn khuyên họ, nếu theo nghề thì phải thật sự yêu nghề. Nếu không thì nên dũng cảm từ bỏ càng sớm càng tốt. Bây giờ có nhiều nghề ra tiền và hay ho lắm. Nếu yêu nghề báo, thì cứ nhảy xuống nước khắc biết bơi. Người tài không bao giờ họ giấu nghề hay toan tính gì trong việc truyền cảm hứng hoặc kiến thức cho các bạn ấy cả. Kẻ ích kỷ hay lợi dụng các bạn ấy, bao giờ cũng là biểu hiện của sự ngu dốt hay cái gì tương tự thế, cần tỉnh táo để tránh xa. Tôi nhớ, cả 4 năm đại học, tôi gặp có 2 nhà báo vào giao lưu. Còn bây giờ, bạn bấm ngón tay rất khẽ trên viber, zalo, facebook, whatsApp... thường thì các nhà báo đã giao tiếp với bạn được rồi. Không học được, chỉ có thể là do lỗi từ phía bạn mà thôi.
- Xin cảm ơn anh!