Nhà báo Hàn Quốc tìm hiểu về văn bia tại Khu tưởng niệm vụ thảm sát Hà My

MỸ LINH 03/08/2023 10:25

(QNO) - Chiều 2/8, nhà báo Koh Kyoung Tae (Tòa soạn báo Hankyoreh, Hàn Quốc) có buổi gặp gỡ và trao đổi thông tin cùng nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng biên tập Báo Quảng Nam - người đã viết văn bia "Khúc tưởng niệm" vụ thảm sát 135 người dân vô tội tại Xóm Tây, làng Hà My (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn).

 
Nhà báo Hàn Quốc Koh Kyoung Tae (bên phải) nghe những chia sẻ thông tin từ nhà báo Nguyễn Hữu Đổng về các tư liệu, bài viết, văn bia tại Khu tưởng niệm vụ thảm sát Hà My. Ảnh: M.L

Theo nhà báo Koh Kyoung Tae, văn bia Khúc tưởng niệm và vụ thảm sát tại làng Hà My được các cựu chiến binh, người dân Hàn Quốc rất quan tâm. Một số người dân khi đọc được bản dịch của văn bia này cảm nhận được sự tàn nhẫn của binh lính "Rồng xanh" đã gây ra vụ thảm sát. Để tìm hiểu sâu sự kiện này, nhà báo Koh Kyoung Tae tìm gặp người đã viết lời văn bia "Khúc tưởng niệm".

Nhà báo Koh Kyoung Tae (bên trái) tìm hiểu thông tin về tấm văn bia tại Khu tưởng niệm vụ thảm sát Hà My. Ảnh: M.L
Nhà báo Koh Kyoung Tae (bên trái) tìm hiểu thông tin về tấm văn bia tại Khu tưởng niệm vụ thảm sát Hà My. Ảnh: M.L

Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng cho biết, năm 1995 - 1996, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp ngành văn hóa tổ chức sưu tầm xác lập hồ sơ các điểm di tích lịch sử chiến tranh. Ở Điện Bàn, đã thực hiện sưu tầm 11 vụ thảm sát qua các thời kỳ chiến tranh, và ông Nguyễn Hữu Đổng đã tham gia làm hồ sơ về vụ thảm sát Hà My.

“Tìm hiểu về vụ thảm sát ở Hà My, tôi đã lui tới nhiều lần, được người dân làng Hà My tường thuật lại khá chi tiết vụ thảm sát. Trên cơ sở hồ sơ thu thập được, Đảng bộ, chính quyền, người dân xã Điện Dương với sự giúp đỡ của những người Hàn Quốc quan tâm tìm hiểu vụ việc muốn xây dựng tại Hà My một khu tưởng niệm. Những người liên quan đến vụ thảm sát có nguyện vọng xây dựng một tấm bia ghi lại lịch sử vụ việc xảy ra. Tôi được chính quyền và người dân Điện Dương tin tưởng nhờ viết văn bia này” - nhà báo Nguyễn Hữu Đổng chia sẻ.

Tại buổi làm việc, nhà báo Nguyễn Hữu Đổng thông tin, với lối văn biền ngẫu, ông đã cô đọng thành văn bia ghi lại sự kiện lịch sử, nói lên nỗi đau thương, mất mát của người dân Hà My và sự thật về tội ác chiến tranh mà binh lính Đại Hàn đã gây ra vào năm 1968.

Ông khẳng định, dù ông viết nội dung văn bia gói gắm trong 500 chữ, nhưng đây là tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân Điện Dương và những người liên quan vụ thảm sát. 

Cũng theo nhà báo Nguyễn Hữu Đổng, tinh thần chủ đạo của văn bia không hề gây kích động hận thù mà mong muốn người Hàn nhận thấy một sự thật lịch sử đã từng xảy ra, gây đau thương cho người dân Hà My. Đồng thời, xem đây như một bài học lịch sử xương máu, đừng để bao giờ tái lại chiến tranh gây tội ác và mong ước dân lành được sống trong hòa bình, hợp tác, hữu nghị với bạn bè khắp năm châu. 

"Ý nghĩa nhân văn của văn bia chính là muốn khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, xây dựng mối quan hệ hợp tác, hòa bình, hữu nghị, lâu dài giữa 2 dân tộc Việt - Hàn. Tinh thần bao dung, độ lượng, lớn hơn là đạo làm người của người Việt bao đời nay vẫn luôn vậy, như tinh thần mà danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã viết trong "Bình Ngô đại cáo" từ thế kỷ 15: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo" - nhà báo Nguyễn Hữu Đổng nêu quan điểm. 

Tổng thư ký Kwon Hyeon-woo (trái) của Quỹ Hòa bình Hàn-Việt và nhà hoạt động Choi Hyeon-jin giơ cao dòng chữ trên Đài tưởng niệm làng Hami và hình ảnh bông hoa sen xếp hình cho khách tham quan triển lãm tư liệu. Ảnh: Theo Hani.co.kr
Tổng thư ký Kwon Hyeon-woo (trái) của Quỹ Hòa bình Hàn - Việt và nhà hoạt động Choi Hyeon-jin giơ cao dòng chữ trên Đài tưởng niệm làng Hà My và hình ảnh bông hoa sen xếp hình cho khách tham quan triển lãm tư liệu. Ảnh: Theo Hani.co.kr

Nhà báo Koh Kyoung Tae cũng đã chia sẻ quan điểm của ông về tấm văn bia và vụ thảm sát. Ông nói rằng, khá bất ngờ trước thái độ của người dân Việt Nam là gác lại quá khứ, hướng đến tương lai, thay vì oán giận, hận thù. Và nội dung chữ nghĩa của văn bia rất có giá trị về nghệ thuật, về văn chương, như một khúc sử thi. 

Được biết, nhà báo Koh Kyoung Tae là người đã viết cuốn sách "12/2/1968 - Ký ức kinh hoàng về cuộc thảm sát Phong Nhất, Phong Nhị (Điện Bàn, Quảng Nam).

[VIDEO] - Chia sẻ của nhà báo Nguyễn Hữu Đổng về tấm văn bia tại Hà My:

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà báo Hàn Quốc tìm hiểu về văn bia tại Khu tưởng niệm vụ thảm sát Hà My
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO