Nhà báo kiêm "chính trị viên"

HỒNG VÂN 30/06/2019 14:39

Trong tác nghiệp, thú vị nhất là đôi khi nhà báo phải kiêm thêm chức danh “chính trị viên” (người phụ trách về công tác Đảng, công tác chính trị trong đơn vị). Đó là thời điểm bạn đọc và nhân vật tin tưởng, trao đổi các vấn đề xã hội.

Các CCB Trung đoàn 1, đơn vị 3 lần Anh hùng LLVTND thuộc Sư đoàn 2 (Quân khu 5) giao lưu truyền thống với chiến sĩ.Ảnh: H.V
Các CCB Trung đoàn 1, đơn vị 3 lần Anh hùng LLVTND thuộc Sư đoàn 2 (Quân khu 5) giao lưu truyền thống với chiến sĩ.Ảnh: H.V

Người trong cuộc nói

Những nhân vật tôi viết, đa số là cán bộ lão thành hay các CCB đã có nhiều năm hoạt động cách mạng, cầm súng ở chiến trường. Về với đời thường họ luôn là chỗ dựa tin cậy của địa phương, tuy nhiên đôi khi suy nghĩ của từng người không đồng nhất, mang tính chủ quan, hơi hướng công thần. Trước một số tiêu cực trong xã hội, đặc biệt khi một số quan chức “nhúng chàm” thì sự nghi ngờ về tính khách quan, minh bạch trong bổ nhiệm, sử dụng cán bộ càng khiến họ phân tâm. Có khi họ chỉ bộc bạch phản ảnh nhưng cũng có lúc họ hỏi tôi, cứ như tôi có thể nắm hết các vấn đề chính sự. Những câu thường nghe nhất là: “Hồi bác/anh làm e trưởng, d trưởng, hắn mới làm cấp a, b, vậy mà bây giờ lên nhanh. Không biết ai đỡ đầu…”. Chuyện thi đua khen thưởng luôn được “xới”: “Ông nớ mà công trạng chi. Cậu ni mới xứng đáng thì không ai đoái hoài”. Hy hữu có trường hợp khi tôi tìm đến để hỏi viết về một anh hùng (được phong trong chiến tranh hẳn hoi), vẫn có người nói nước đôi: “Ừ, do đơn vị anh đó họ nhiệt tình, muốn có nhân tố điển hình, chứ chiến công cũng như bác (anh) thôi”. v.v…

Những lúc như vậy, tôi không thể xuôi theo ý của các nhân vật, không làm phức tạp thêm tình hình mà luôn thể hiện chính kiến của mình. May mắn là tôi đã từng viết không ít về các tướng lĩnh, chỉ huy; gặp gỡ nhiều đối tượng, có nguồn thông tin đa chiều; đọc sử sách của các đơn vị, đặc biệt hiểu khá rõ từng chặng đường chiến công của một số anh hùng. Vì thế tôi không để các “cụ” hoài nghi thêm nữa mà rành rọt giải thích. Thường là: “Chú ơi, vị đó được tuyên dương không phải khi ở cùng đơn vị với chú đâu. Mà hồi còn là du kích ở địa phương. Sách của xã còn lưu đấy”. Hay: “Trường hợp bác kể, cháu nghe rồi, là do thế này…”. Dễ hiểu hơn nữa là: “Chiến đấu giỏi ở chiến trường chưa đủ mà phải biết cầm quân xây dựng đơn vị trong thời bình. Làm chỉ huy mà đi đâu nội bộ cũng lục đục”. Có lúc thẳng thắn luôn: “Anh ấy anh hùng là xứng đáng quá. Trước khi đến đây, cháu đã gặp 4 người (tên, tuổi). Họ đều tự hào và ngưỡng mộ…”.

Điều thú vị là sau khi tôi giải thích với dẫn chứng cụ thể, các cán bộ lão thành hoặc cựu chiến binh đều gật gù, ít ra cũng không còn vặn vẹo. Tôi tin rằng, sau đó, các cụ sẽ ít nhiều khách quan hơn, trong các buổi trà đàm với bạn bè, gia đình sẽ gieo thêm một niềm tin.

Đôi chút tâm tình

Với đặc thù nghề của mình, tôi hay đi tìm viết các nhân vật có nhiều công lao ngay cả khi họ đã qua đời. Không ít lần tôi bị người thân họ từ chối hoặc giúp đỡ thì cũng kèm theo những suy nghĩ phiến diện. Có dịp, tôi vào tỉnh nọ viết về cựu du kích 75 năm tuổi Đảng, tham gia cách mạng từ năm 1935, trải qua 3 cuộc kháng chiến, là một trong những người còn sống so với thời của cụ. Nhà cấp 4 ở trong hẻm nhưng khá rộng rãi, ở trung tâm thành phố. Người con trai của cụ là kỹ sư Nhà nước, thấy tôi hỏi về cha mình thì buông một câu: “Ba em cống hiến cho cách mạng đến thế mà cuối đời được gì đâu. Của nả không có, nhà thì ở sâu thế này. Chẳng bù cán bộ bây giờ nhà cửa nghênh ngang ngoài đường”. Tôi lại phải làm “chính trị viên”: “Em nói thế là không được. Ba em vốn khiêm nhường, lại thích yên tĩnh, thời đó cụ chọn nhà xa đường cái là đúng rồi. Còn không để lại gì cho em ư? Em có công việc ổn định, vợ con đầm ấm. Quan trọng nhất là em có độc lập tự do, cuộc sống hòa bình. Vì điều đó mà ba em và các thế hệ đi trước đã đổ máu xương…”.

Tôi nói một mạch, so sánh nước mình và một số quốc gia đang loạn lạc. Anh chàng trông hiền hơn, không còn cao giọng như trước.

Cô em họ tôi dù đang là viên chức, không hiểu sao lại lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình tự phát của một nhóm người nọ. Biết chuyện, tôi mời nàng cà phê và giảng giải: “Ở đây yên lành hàng ngày, có biết ai đang giữ cuộc sống này cho em không? Khi đất nước có điểm nóng, các thế lực phản động sẽ có dịp kích động gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết, kéo theo vượt biên trái phép, hơn nữa là bạo loạn. Chị đã từng lên biên giới, chứng kiến hàng trăm chiến sĩ, dân quân thời bình mà vẫn phải luồn rừng tuần tra, cơm nắm, nước bi đông, tết cũng không được về nhà. Thương lắm!”. Nghe tôi nói vậy, cô em không còn “hăng máu vịt” như trước.

Tôi đã gặp không ít bạn gặp trường hợp như thế cứ mặc kệ cho được việc của mình, thậm chí còn a dua theo. Bởi không muốn làm mếch lòng người đối thoại hoặc sợ nói điều khác biệt sẽ bị cho là “chính trị”, “lên lớp”. Cũng có bạn muốn nêu ý kiến ngược lại nhưng kiến thức xã hội mỏng, lập luận không chắc. Vẫn biết xã hội hiện tại không chỉ là một màu hồng. Còn đâu đó, tiêu cực, bất công, suy đồi, nhũng nhiễu đập vào mắt người viết hàng ngày. Nhưng nhiệm vụ báo chí trong bất cứ giai đoạn nào cũng như nhau, là góp phần để cuộc sống tốt hơn. Và, tôi mong những người làm báo cùng giữ bầu nhiệt huyết phụng sự Tổ quốc, đừng ngại làm “chính trị viên” bất cứ thời điểm nào.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà báo kiêm "chính trị viên"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO