Nhà Báo và di sản: Những trang báo "tỉnh thức"

HỨA XUYÊN HUỲNH 20/06/2017 14:17

Phố đi bộ không tiếng động cơ, Cù Lao Chàm sạch nhẵn túi ni lon, dỡ nhà hàng ở bãi bồi Đồng Hiệp…, ít ai ngờ những quyết sách táo bạo đó lại khởi sự từ những trang báo. Người tiếp nhận thông tin báo chí và dũng cảm chỉnh sửa, không ai khác chính là ông Nguyễn Sự.

Ông Nguyễn Sự (trái) nhận quà là bức ảnh chụp trên chuyến kiểm tra tình hình lũ lụt cùng các nhà báo, do đồng nghiệp Báo Lao động tặng dịp ông nghỉ hưu. Ảnh: H.X.H
Ông Nguyễn Sự (trái) nhận quà là bức ảnh chụp trên chuyến kiểm tra tình hình lũ lụt cùng các nhà báo, do đồng nghiệp Báo Lao động tặng dịp ông nghỉ hưu. Ảnh: H.X.H

Hình như không nơi đâu “chịu khó” cắt các bài báo viết về phố cổ rồi lưu giữ cẩn thận như ở Hội An. Chuyện đã diễn ra lâu lắm rồi, từ thời ông Nguyễn Sự còn làm Chủ tịch UBND TX.Hội An. Cho đến khi đã nghỉ hưu, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An vẫn nhớ như in những trang viết gai góc nhưng lại chứa đựng tư duy phản biện sắc sảo, buộc những nhà quản lý phải ngẫm nghĩ.

Ông Sự xem ra khá “sòng phẳng” với các trang báo. Ông bảo, bài khen hay chê đều có giá trị riêng. “Nếu khen, thì đó là niềm tự hào chung nhưng rồi chính người dân phải thấy được trách nhiệm, đừng phụ tấm lòng của nhà báo. Nếu chê, thì mình cũng phải tĩnh tâm xem lời chê ấy đúng chỗ nào, để còn điều chỉnh. Nhưng có là khen hay chê, thì nhà báo cũng cho thấy một động cơ tốt với Hội An rồi. Vì họ phải đến, phải tìm hiểu trước khi đặt bút. Một phần của họ đã thuộc về phố cổ” - ông Sự chia sẻ.

Ăng ten trên mái ngói phố cổ từng bị chê là “mạng nhện” làm xấu không gian di sản. Ảnh: H.X.H
Ăng ten trên mái ngói phố cổ từng bị chê là “mạng nhện” làm xấu không gian di sản. Ảnh: H.X.H

“Đừng làm rùm beng trong phố cổ”

Một ngày nọ, nhà báo, đạo diễn Đoàn Huy Giao xách máy vào Hội An tìm gặp ông Sự. Trong lúc trao đổi, ông Đoàn Huy Giao gợi ý: Những hoạt động rùm beng, đông người nên chăng hãy đưa ra bên ngoài phố cổ. Chỉ một câu đó thôi đã gợi cho ông Sự thoáng nghĩ đến việc mở rộng không gian du lịch ra vùng ven, bởi du lịch Hội An đâu chỉ có các dãy phố, và bởi các dãy phố ấy cần được gìn giữ cho mai hậu. Chuyện xảy ra đã ngót 20 năm…

Nhưng ít ai ngờ, các tuyến phố vắng bặt tiếng động cơ bây giờ lại được hình thành từ lời cảnh báo của một bài viết. Lúc ấy, có tác giả tỏ ý lo ngại xe cộ lưu thông ầm ầm sẽ tạo xung động lên các ngôi nhà cũ kỹ. Vậy là các cán bộ lãnh đạo Hội An lưu tâm, ban đầu hạn chế ô tô, sau đến lượt cấm xe máy. Để rồi các tuyến phố đi bộ giờ “mở rộng” ra bên ngoài vùng lõi di tích.

Ông Nguyễn Sự không hề giấu giếm những “thiếu hụt” trong kinh nghiệm quản lý di sản. Sau hội thảo khoa học về phương án trùng tu Chùa Cầu hồi năm ngoái, ông Sự đã kể với một nhà báo về chuyện mình từng… liều lĩnh cho chằng chống Chùa Cầu, sau này nghĩ lại “lỡ hồi đó Chùa Cầu mà sụp thì tội của tôi không biết để đâu cho hết”. Ông không ngần ngại khi thừa nhận “hồi đó kiến thức bảo tồn, trùng tu của mình kém lắm”. Và sau những lần bị báo chí “nện”, địa phương lại cầu thị rút kinh nghiệm, để hướng công tác trùng tu đi vào quy củ.

“Chạy” theo báo chí

Ai ra Cù Lao Chàm, vừa bước chân lên ca nô là phải tuân thủ ngay các quy định không mang túi ni lon theo. Nhà báo Hồ Duy Lệ, nguyên Tổng biên tập Báo Quảng Nam, từng có bài viết sâu về câu chuyện ông Sự “dẹp” túi ni lon. Nhưng thật ngạc nhiên khi biết rằng, điều thôi thúc ông Sự đẩy nhanh “tiến trình” nói không với túi ni lon lại đến từ những bản tin ngắn.

Lần ấy, trên chiếc thuyền ra Cù Lao Chàm có nhiều nhà báo tác nghiệp. Nhìn thấy các vệt túi ni lon nổi lềnh bềnh tấp vào các bãi ngoài xã đảo, ông Sự bảo Hội An sẽ sớm dẹp sạch túi ni lon. Mới là ý tưởng thoáng qua, nhưng sáng hôm sau nhiều tờ báo đã loan tin. Phóng lao đành phải theo lao, lãnh đạo thị xã Hội An lúc ấy đã nhanh chóng “nâng cấp” ý tưởng lên thành chiến dịch.

Chúng tôi nghe ông Sự nhiều lần “điểm danh” những bài báo viết về Hội An có sức đánh động suy nghĩ, tư duy và hình thành quyết sách quản lý ở đô thị di sản thế giới. Loạt bài 2 kỳ viết về nhà hàng xây bên kia bãi bồi Đồng Hiệp được giật tít là “Hàm cá mập” đã khiến ông phải ra ngồi chỗ đường Bạch Đằng để nhìn sang bờ nam sông Hoài, và nhận thấy… nhà báo viết đúng. Thế là phải hội ý lãnh đạo và quyết định thương lượng với chủ nhà hàng để tháo dỡ công trình với mức bồi hoàn “khủng” lên đến 175 triệu đồng, theo mệnh giá năm 1997. Để bây giờ, bãi bồi Đồng Hiệp nhếch nhác năm nào trở nên tinh tươm và liền lạc trong chỉnh thể gắn liền với khu phố cổ ở bờ bắc… Một bài báo “kể khổ” hơi quá lời về Cù Lao Chàm, thoạt đầu chính quyền địa phương hơi ấm ức, nhưng ngẫm lại thấy cũng có lý. Bài báo khác thì chê các cần ăng ten “cắm” trên mái ngói rêu phong cứ như những tấm mạng nhện, thấy cũng đúng, thế là xúc tiến kéo cáp ngầm dưới đất.

Hồi tháng 11.2004, cánh nhà báo chúng tôi tham gia đưa tin về chuyến thị sát phố cổ Hội An chìm trong lũ của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng, cùng đi có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Phúc. Bức ảnh chúng tôi đang lưu giữ có góc chụp bên trong ngôi nhà cổ, với khung cảnh thật đáng lo ngại: cột gỗ nứt nẻ, trần che tạm tấm ni lon chống dột… Thời đó, hễ nước dâng ở túi lũ Thu Bồn là các ngôi nhà cổ lại được “lên” báo. Mà cũng đáng lo thật, vì cấu kiện gỗ ở nhiều công trình xuống cấp thấy rõ. Chính những bản tin ẩn chứa lời cảnh báo và thực tế di sản đối diện nguy cơ hủy hoại, chính quyền địa phương đã mạnh dạn nghiên cứu cơ chế trùng tu hợp lý.
Chúng tôi nghĩ ông Sự không hề “đãi bôi” khi nói rằng, những người làm báo và các tác phẩm báo chí góc cạnh đã hiện diện đầy đủ trong đời sống của người dân Hội An.

HỨA XUYÊN HUỲNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhà Báo và di sản: Những trang báo "tỉnh thức"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO