|
(QNO) - Những trận lũ lụt lịch sử vào năm Giáp Thìn 1964 rồi gần đây là các năm 1999, 2000 ở Quảng Nam hay các trận lũ 2010 và hiện nay ở các tỉnh khu 4 cũ đã cho thấy tác động của biến đổi khí hậu, hậu quả của nạn phá rừng đầu nguồn vô tội vạ và cả việc điều tiết bất hợp lý, không tính toán của những người quản lý các hồ chứa thủy điện. Tất cả đã tạo ra thảm họa cho hàng triệu người dân vùng nông thôn hạ du các tỉnh miền Trung. Trong nhiều năm, mưa bão lại chồng lên lũ lụt, khiến đời sống người dân lại càng rơi vào cảnh tan hoang, bần cùng chỉ trong chốc lát.
Trận lũ vừa qua khiến tuyến đường chính dẫn vào xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình chìm trong biển nước. Ảnh: VOV |
Nói về nguyên nhân thì đã nói, cả những người có trách nhiệm cao nhất trong điều hành kinh tế - xã hội của đất nước, đến các chuyên gia về môi trường, thủy văn và báo chí. Nhưng đâu cũng vào đó, lũ lụt - tai trời ách nước mỗi năm cứ đến hẹn lại lên. Bao nhiêu tài sản, cơ sở hạ tầng được người dân và các địa phương đầu tư lại bị cuốn trôi, đổ nát. Thành ra, người nghèo ở các vùng nông thôn vừa được xóa nghèo hôm trước, sau lũ lại tái nghèo hoặc nghèo hơn trước như một điệp khúc, kéo lùi mọi nỗ lực đưa nền kinh tế tăng trưởng. Bởi lẽ, nông thôn, nông dân vẫn đang chiếm hơn 60% dân số.
Trong và sau những trận lũ lụt như vậy, chúng ta vô cùng xúc động khi chứng kiến nhiều cá nhân, tổ chức từ thiện, tôn giáo, doanh nhân, sinh viên, học sinh tình nguyện và cả các lực lượng vũ trang đến tận những vùng khó khăn nhất để cứu đói, giúp dân sửa chữa nhà cửa, nạo vét dọn dẹp lại đường sá, trường học và tận tay trao nhiều loại vật phẩm cứu trợ. Tất cả đều trên tinh thần lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng một gói khi no từ truyền thống nhân văn ngàn đời của dân tộc.
Chính quyền các cấp, các ngành cũng bắt đầu đánh giá thiệt hại, hỗ trợ các địa phương xây dựng lại hạ tầng kỹ thuật, cung cấp lương thực, thuốc men hầu nhanh chóng khôi phục lại cuộc sống bình thường. Thông thường là sau mỗi mùa bão lụt như vậy, người nông dân lại phải bắt tay vào sản xuất vụ đông xuân, vụ sản xuất chính trong nông nghiệp. Do vậy, nhu cầu về vệ sinh đồng ruộng, phân bón, về giống và thuốc bảo vệ thực vật là rất lớn…
Chúng ta vui mừng trong trong bức tranh xã hội cấp thiết đó, các phóng viên báo chí nói chung đã xả thân đến những vùng rốn lũ, rốn bão khó khăn và bị thiệt hại nhiều nhất để kịp thời đưa tin, phản ánh những bất cập trong đời sống người dân và cả những tồn tại trong phòng, chống thiên tai tại các địa phương. Có nhiều phóng viên thoát hiểm trong gang tấc chỉ nhờ vào may mắn. Có những phóng viên đã từng bị thương tích hoặc mất mát cả dụng cụ tác nghiệp trong các đợt thiên tai… Nhờ vậy, các cấp chính quyền ở nhiều địa phương đã thừa nhận rằng chính nhờ các kênh thông tin, báo chí đó đã giúp họ chỉ đạo sâu sát hơn hoặc có những điều chỉnh kịp thời trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên vẫn tồn tại một số khía cạnh, mà theo tôi, báo chí vô tình hay cố ý đã chưa làm hết vai trò của mình. Đơn cử như đưa tin về thiệt hại. Các địa phương do nhiều nguyên nhân thường vội vàng phỏng đoán con số thiệt hại vật chất ngay cả khi nước chưa rút, thống kê chưa đầy đủ và đưa ra những con số thiệt hại bằng tiền để báo cáo. Từ đó có ngay những bảng tin xã A, huyện X thiệt hại bao nhiêu tỷ đồng sau đó. Đây là một kinh nghiệm cần điều chỉnh. Chúng ta có thể đưa bao nhiêu mét kênh mương loại nào, bao nhiêu mét đường bê tông, đường nhựa bị sạt lở, cuốn trôi; bao nhiêu ngôi nhà bị sập, cầu cống bị hư; bao nhiêu hecta ruộng bị bồi lấp… chứ không thể biết giá trị bao nhiêu tiền đã thiệt hại. Cái đó cần có kiểm định, đánh giá về sau!
Báo chí nhiều khi cũng thiếu sự giám sát, điều tra tường tận trong việc phân bổ hàng hóa cứu trợ với người dân mà chỉ dựa vào các báo cáo. Cho nên, sau bão lũ, đã có những bất công khuất tất trong công tác cứu trợ, phân phối lương thực thực phẩm từ cơ sở, gây mất lòng tin trong dân. Tôi từng đi kiểm tra việc giúp đỡ xây nhà trong vùng lũ ở một địa phương và phát hiện các cán bộ địa phương đã kéo các đoàn cứu trợ về nhà người thân của mình thay vì đưa đến những hộ thiệt hại nhiều hơn cần giúp đỡ. Tôi cũng từng tìm thấy việc để lại lưu kho nhiều tấn gạo cứu trợ sau lũ lụt từ cắt xén các tiêu chuẩn hoặc phát hiện việc giả chữ ký của người nhận cứu trợ... Tất cả những việc ấy, đòi hỏi các phóng viên phải sâu sát, tận tâm với nghề nghiệp và thậm chí cần những kiến thức điều tra căn bản…
Chúng ta, mọi người làm báo, đều mong mỏi rằng người dân các vùng thiên tai sẽ nhanh chóng khôi phục sản xuất, trở lại sinh hoạt tương đối ổn định sau những tai ương dồn dập từ sự chung tay của toàn xã hội. Vì vậy chúng ta đã làm tất cả, có khi quên mình. Nhưng nếu thiếu sự tỉnh táo, vô tình chúng ta lại tiếp tay cho sự thiếu trung thực bằng nhiều hình thức ở nơi này nơi khác, gây mất niềm tin của người dân. Nghề báo nguy hiểm và vất vả là vì vậy!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG