Chuyện kể về thằng Bờm có cơ lặp lại chăng? Nhà đang cháy đùng đùng mà hùng hục vào khiêng cối đá liệu có được không? Lấy được thì rồi để làm gì?...
Mấy ngày qua chuyện tương tự vậy đã râm ran, và còn rất lâu mới dứt. Ấy là việc phá sản của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu. Nghe tiếng khai thác vàng tưởng giàu ai dè công ty này nợ đầm đìa, nợ thuế, bảo hiểm xã hội và nợ các nhà cung cấp. Tính ra có đến 100 chủ nợ, với số tiền tới 943 tỷ đồng. Điều đáng quan tâm là nếu làm thủ tục phá sản các chủ nợ nói trên sẽ thu hồi được gì? Dự báo là chỉ còn… mấy cái cối đá. Bởi tính tổng tài sản của công ty khoảng 302 tỷ đồng nhưng tổng nợ phải trả đã là 1.265 tỷ đồng; ở tại nhà máy chỉ còn nhà xưởng, máy móc đã qua sử dụng, phế liệu, khả năng cho thu hồi chỉ 34 tỷ đồng. Vậy dù có thanh lý tài sản để trả nợ cũng không được bao nhiêu, mà những thứ dùng để khai thác vàng đã hết đát ai mua?
Phải nói rằng cái “cục nợ” Bồng Miêu đã tồn tại như “cục máu đông” nhiều năm qua. Không nhớ hết bao lần kiểm tra, thanh tra, cưỡng chế thuế, đóng rồi mở, nhưng lạ là nhà máy chẳng thể cứu nổi mà càng “cháy” nợ hung. Cùng với Bồng Miêu là Phước Sơn, đã từng có nhà cung cấp và người dân vây để đòi nợ. Có thời điểm trước đây, Tập đoàn Besra Việt Nam, chủ đầu tư hai công ty vàng nói trên, đã báo tổng số nợ khoảng 19 triệu USD, trong đó nợ thuế nhà nước 6 triệu USD, nợ ngân hàng 7 triệu USD và nợ các nhà thầu cùng các loại nợ khác khoảng 6 triệu USD. Nhiều người vẫn hoài nghi chuyện nợ nần này, bởi lập luận đơn giản là đào vàng lên bán mà lỗ là sao? Thêm nữa, khi đầu tư vào nhà máy khai thác vàng thì việc thăm dò trữ lượng cũng được tiến hành kỹ. Như vào tháng 4.2008, một thăm dò đã ước tính trên 2 bãi Đất và bãi Gõ của mỏ vàng Đăksa cho biết có trữ lượng 20 tấn vàng, nên mới vào làm nhà máy khai thác. Vậy mà làm ăn không ra gì, nợ nần nhiều thêm.
Là nghĩ vậy thôi chứ việc khai thác tài nguyên khoáng sản để bán mà cứ nợ nần triền miên có gì lạ ở xứ ta? Tập đoàn Dầu khí quốc gia từng nợ hơn 340 nghìn tỷ đồng; Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản nợ khoảng 100 nghìn tỷ đồng… là những ví dụ. Oái ăm hơn là một thời ta đào than lên để xuất khẩu giá rẻ, bây giờ làm nhiệt điện thì lại thiếu than, nguy cơ phải nhập than giá cao từ nước ngoài về. Rồi các mỏ đá khai thác làm xi măng, các mỏ bô xít Tây Nguyên, nghe nói vẫn báo lỗ và nợ nần. Rõ ràng di chứng cái thời “ăn bằng truyền thống sống bằng tiềm năng” dựa trên khai thác tài nguyên khoáng sản vẫn còn đấy thôi. Nhưng nghịch lý là sao của cải tài nguyên đào lên bán không đủ lấy công làm lời thì sao vẫn đào?
Tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản bừa bãi vẫn diễn ra. Dai dẳng nhất là khai thác cát sỏi trái phép, cứ mỗi năm vài ba đợt ra quân truy bắt nhưng nạn hút cát trộm vẫn xảy ra trên các dòng sông, không chỉ thất thoát tài nguyên mà còn gây xói lở, ảnh hưởng đời sống dân sinh.
Vàng, dầu, khí, than, cát… và bao nhiêu thứ nữa mà người hiện tại đang ăn vào của để dành cho tương lai. Chuyện doanh nghiệp khai thác khoáng sản để lại nợ nần như cái cối đá quá nặng không những là vấn đề của các bên liên quan hiện giờ mà tiếp tục là tiếng chuông cảnh báo cho việc quản lý tài nguyên đất nước.
ĐĂNG QUANG