Nhà chứa rác thải thuộc tổ 14, thôn 3 (xã Bình Lãnh, Thăng Bình) tồn tại gần 1 năm nay đang gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân thôn Việt Sơn (xã Bình Trị) do 2 thôn này giáp ranh nhưng vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Nhà chứa rác thải bị đốt cháy. Ảnh: Biên Thực |
Ô nhiễm môi trường
Mới đây vào những ngày đầu của tháng 7, rác của nhà chứa bốc cháy nghi ngút. Mặc dù bị đốt trong đêm nhưng rác vẫn cháy âm ỉ sang đến buổi sáng hôm sau. Nhiều người dân các tổ 10, 11, 12 thôn Việt Sơn xã Bình Trị tụ tập để phản đối tình trạng này. Bà Lưu Thị Lương (tổ 11) cho biết, đây là lần thứ 4 trong vòng nửa năm qua, nhà chứa rác này bị đốt. Trước đó khi xã Bình Lãnh có chủ trương xây dựng nhà chứa rác, các hộ dân trong tổ đã lên tiếng phản đối nhưng cuối cùng nhà chứa rác vẫn tồn tại cho đến bây giờ. Không chỉ rác thải mà cả xác động vật cũng được vứt tại đây. Ngay trong đêm, rác thải tại nhà chứa rác bốc cháy, chị Trương Thị Hạnh (tổ 11, thôn Việt Sơn) đã quay lại toàn bộ cảnh cháy bằng điện thoại để trình lên chính quyền địa phương có phương án xử lý. Chị Hạnh cho biết: “Gia đình tôi có 3 đứa con. Người lớn thì cố gắng chịu, còn mấy đứa nhỏ đang phải sống chung với mùi rác thải rất nguy hiểm”.
Không chỉ gây mùi hôi thối, mà mỗi khi đốt, các loại vỏ chai gây ra những tiếng nổ, khiến người dân lo lắng. Ông Lưu Tấn Toàn nói: “Mỗi khi nhà chứa rác bị đốt, những vật như bóng đèn, chai lọ phát nổ gây những tiếng vang lớn. Dân ở đây mong chính quyền địa phương xã Bình Lãnh phải di dời ngay nhà chứa rác đi nơi khác để đảm bảo cuộc sống”.
Theo bà Nguyễn Thị Kiều - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Trị, nhà chứa rác thải thuộc tổ 14, thôn 3 (xã Bình Lãnh) nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến gần 200 hộ dân ở các tổ 10, 11 và 12 của thôn Việt Sơn, xã Bình Trị. Người dân thôn Việt Sơn đã nhiều lần phản ánh với chính quyền xã Bình Trị; tuy nhiên nhà chứa rác này lại nằm trên đất Bình Lãnh nên rất khó xử lý. Bà Nguyễn Thị Kiều cho biết: “Mỗi khi rác thải bốc mùi thối hay tình trạng lén đốt rác, người dân thôn Việt Sơn lại điện thoại phản ánh đến chúng tôi. Với vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã, chúng tôi phải lên tiếng để bảo vệ quyền và lợi ích của hội viên phụ nữ, nhất là trẻ em. Tôi đề nghị chính quyền xã Bình Lãnh cần phải có giải pháp trong thời gian đến để giải quyết vấn đề này”.
Không thể thu phí
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Thiện - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lãnh cho rằng, nhà chứa rác thải thuộc tổ 14, thôn 3 của địa phương là điểm trung chuyển rác từ các nơi khác tập kết về để Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam đến thu gom và xử lý. Trước khi xây dựng, địa phương đã phối hợp với Phòng Tài Nguyên - môi trường huyện Thăng Bình và Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam tiến hành khảo sát, chọn địa điểm. Qua khảo sát nhiều địa điểm, nhưng chỉ có điểm trung chuyển rác đặt tại tổ 14, thôn 3 là phù hợp nhất do điểm này cách xa khu dân cư hơn 500m. Điều đáng nói, hầu hết hộ dân bỏ rác tại điểm trung chuyển đều không hề nộp phí vệ sinh môi trường.
Đây cũng là vấn đề nan giải của địa phương trong vòng 2 năm qua từ khi triển khai Đề án thu gom rác thải trên địa bàn xã. Do đó, mỗi năm địa phương phải trích nguồn kinh phí môi trường để trả phí vận chuyển và xử lý cho Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam, với hợp đồng thu gom 2 lần/ tháng. “Địa phương thừa nhận việc chứa rác thải tại điểm trung chuyển thuộc tổ 14 thôn 3 xã Bình Lãnh đang gây ô nhiễm môi trường. Do đó, thời gian đến địa phương đang tính đến chuyện tổ chức nhiều lớp tập huấn để vận động nhân dân phân loại rác thải tại nguồn. Đồng thời thu phí vệ sinh môi trường trong dân đảm bảo để cùng chi trả với địa phương trong công tác này. Cùng với đó, địa phương sẽ làm việc với Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam thu gom rác theo định kỳ vào các ngày trong tuần để hạn chế ô nhiễm” - ông Nguyễn Tấn Thiện - phó chủ tịch UBND xã Bình Lãnh nói thêm.
Ông Trần Văn Hải - Giám đốc chi nhánh Môi trường Quế Sơn - Hiệp Đức cho biết, chi nhánh thực hiện việc thu gom và xử lý rác thải tại xã Bình Lãnh được hợp đồng từ tháng 1.2018 đến nay. Ban đầu, chi nhánh Môi trường Quế Sơn - Hiệp Đức thực hiện việc thu gom và xử lý rác thải tại địa phương 2 lần/tháng. Bình Lãnh không có tổ thu gom rác thải để vận chuyển rác đến điểm trung chuyển nên đơn vị và địa phương đã thống nhất việc thu gom và xử lý rác tính theo khối lượng. Nghĩa là khi nhà chứa rác thải tại tổ 14, thôn 3 nhiều thì chính quyền địa phương điện thoại trực tiếp để đơn vị đến thu gom và xử lý. “Việc thu gom tính theo khối lượng cũng khó cho chi nhánh nhưng do địa phương khó khăn trong vấn đề kinh phí nên chúng tôi cũng phải chia sẻ. Tuy nhiên, trong thời gian đến, chi nhánh Môi trường Quế Sơn - Hiệp Đức mong muốn, địa phương thực hiện đề án thu gom rác thải trên quy mô toàn xã. Chi nhánh sẵn sàng thu gom và xử lý rác hàng tuần như những địa phương khác, chứ không thực hiện việc thu gom rác theo khối lượng như hiện nay” - ông Trần Văn Hải nói.
GIANG BIÊN - TRUNG THỰC